Cần sớm triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

  • 08:36 | Thứ Hai, 06/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đại dịch Covid-19 có thể sẽ làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên thế giới, tổn thất về thu nhập của người lao động lên tới 3,4 nghìn tỷ USD. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp và ngừng sản xuất, nhiều người lao động mất việc làm... Trong sáu nhóm chính sách được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, có thể thấy, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp là một trong những nhóm chính sách quan trọng nhất cần sớm được “kích hoạt”.
 Người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh: Xuân Cường
Người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh: Xuân Cường
Cần phản ứng chính sách nhanh và đồng bộ
 
Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LÐ-TB và XH) cho thấy, trong đầu tháng 3 khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng hơn 15% trong tổng số doanh nghiệp. Tác động của dịch Covid-19 đến lao động và việc làm còn thể hiện thông qua các chỉ số về bảo hiểm thất nghiệp, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tháng 2 là 47.164 nghìn người, tăng 59,2% so tháng 1-2020 (29.839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm 2019.
 
Theo đề xuất của Bộ LÐ-TB và XH, đối với nhóm chính sách về bảo hiểm thất nghiệp tập trung vào ba nội dung chính: Thứ nhất, tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp, người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp; thứ hai, sẽ tập trung miễn hoàn toàn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho những người mà bị mất việc, bị dừng việc do tác động của Covid-19; thứ ba, sử dụng kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động như đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cho người lao động.
 
Chia sẻ về nội dung công việc này, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LÐ-TB và XH) - Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam Lê Quang Trung cho biết, việc đề xuất các chính sách hỗ trợ này của Bộ LÐ-TB và XH là hết sức cần thiết và đáp ứng kịp thời trong bối cảnh doanh nghiệp và người lao động đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch Covid-19. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến hết năm 2019, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn khoảng 79 nghìn tỷ đồng.
 
Ðây là một nguồn quỹ kết dư rất quan trọng để chúng ta có cơ sở trình các cấp có thẩm quyền đề ra những chính sách phù hợp hơn đối với người lao động trong thời gian dịch Covid-19 này. Ðặc biệt là các nhóm chính sách liên quan trợ cấp cho người thất nghiệp, như hỗ trợ học nghề, đào tạo nghề; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại nghề cho người lao động. Với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, trong đó có nhiều lao động nữ thì chính sách này càng cần thiết. Với nguồn kết dư như hiện nay, bảo đảm sẽ thực hiện các chính sách mà Bộ LÐ-TB và XH đề xuất.
 
Nhận định về thị trường lao động hiện nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, khi có biến cố xảy ra về dịch bệnh, kinh tế, khủng hoảng thì việc chuẩn bị nguồn lực để đối phó với những biến cố này rất quan trọng. Các bộ, ngành phải tập trung tham mưu Chính phủ ban hành những chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiệt hại, phục hồi sản xuất.
 
Ðối với doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm thất nghiệp phải tạo điều kiện cho người lao động được hưởng chính sách để có thu nhập, tồn tại; các doanh nghiệp có điều kiện thì sớm tổ chức thực hiện đào tạo lại. Thí dụ, các nhà hàng, các nhà máy sản xuất bia, rượu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và Nghị định 100/2019/NÐ-CP, chắc chắn sau dịch sẽ không thu nhận lại hết số lao động hiện tại. Vì vậy, phải tiến hành đào tạo lại để lao động có thể tìm được việc làm mới. Như vậy, mới giải quyết được cả vấn đề kinh tế và an sinh xã hội. Nếu doanh nghiệp nào có đủ điều kiện tiến hành đào tạo cho lao động, trao đổi với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) để rút kinh phí đào tạo.
 
Nơi nào không đủ điều kiện đào tạo thì để người lao động đến các trung tâm dịch vụ việc làm liên hệ hỗ trợ đào tạo. Kinh phí đào tạo do Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi trả. Với tổng kinh phí hơn 70 nghìn tỷ đồng, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ để trả cho lao động khi không có việc làm mà còn để thực hiện đào tạo, đào tạo lại cho người lao động quay trở lại thị trường lao động.
 
Sớm “kích hoạt” gói hỗ trợ an sinh
 
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra đã được Chính phủ xem xét, thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường trực Chính phủ ngày 31-3, hiện Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
 
Cùng với một số nhóm đối tượng đặc thù, nhóm người lao động và người sử dụng lao động được đặc biệt quan tâm. Theo đó, dự kiến sẽ hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng trong ba tháng từ tháng 4 đến tháng 6-2020 cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 5.400 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là một triệu người).
 
Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong ba tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động (dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là ba triệu người).
 
Hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong ba tháng từ tháng 4 đến tháng 6- 2020 cho các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm (dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 15.000 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là năm triệu lao động).
 
Trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ hai chính sách hỗ trợ trở lên tại nghị quyết này thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất. Bên cạnh đó, có hai chính sách hỗ trợ đặc thù và cho áp dụng quy trình đơn giản hóa tạo điều kiện người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể, người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia BHXH trở lên (kể cả lao động ngừng việc). Dự kiến số tiền được tạm dừng khoảng 6.500 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, cho phép người sử dụng lao động được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm. Thời gian hỗ trợ tối đa là ba tháng, mức hỗ trợ tối đa là 1.000.000 đồng/người/tháng. Dự kiến số tiền được hỗ trợ là 3.000 tỷ đồng.
 
Kết luận phiên họp về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ thống nhất cao với nội dung dự thảo nghị quyết, đồng thời nhấn mạnh đến nguyên tắc hỗ trợ là: chỉ hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 gây ra.
 
Không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng; bảo đảm nguyên tắc chia sẻ khó khăn, Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm, trong đó Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần với mức phù hợp khả năng nguồn lực. Việc hỗ trợ phải bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để bị lợi dụng, trục lợi chính sách...
 
Theo Phan Minh (Báo Nhân Dân)