Vững tin nơi tuyến đầu chống dịch

  • 08:53 | Thứ Sáu, 27/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không trực tiếp tham gia khám, cấp cứu bệnh nhân, nhưng các y, bác sỹ, cán bộ làm công tác y tế dự phòng luôn là những người đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng đã không quản ngại khó khăn ngày đêm lặng thầm cống hiến, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
 
Từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, cán bộ y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình phải căng mình trên khắp các mặt trận để thực hiện công tác giám sát và phòng chống dịch. Mỗi ngày, trung tâm triển khai hai đội phản ứng nhanh phòng chống dịch thường trực và sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào có thông tin về các trường hợp liên quan tới các ca nhiễm bệnh Covid-19. 
Cán bộ y tế tăng cường kiểm tra sức khỏe khách nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.
Cán bộ y tế tăng cường kiểm tra sức khỏe khách nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.
Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình cho biết: “Mỗi khi nhận được thông tin về dịch bệnh, dù ở bất cứ đâu, nhân viên của trung tâm cũng lập tức đến để điều tra dịch tễ học, lấy mẫu bệnh phẩm để làm các xét nghiệm, thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch và triển khai những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Công việc hết sức vất vả vì chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể bị nhiễm bệnh, mang mầm bệnh đó về cho gia đình, người thân của mình. Tuy nhiên, nhờ được tập huấn phòng chống dịch bệnh kỹ càng nên chúng tôi đã động viên nhau vượt qua tất cả”.
 
Khó có thể kể hết những gian khổ của những cán bộ làm công tác dự phòng. Vì công việc, họ phải thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nhiều hóa chất độc hại, có mặt đầu tiên tại các ổ dịch nguy hiểm… Thậm chí, nhiều cán bộ y tế dự phòng còn bị mọi người xa lánh vì lo ngại lây nhiễm bệnh.
 
Bác sỹ Huỳnh Công Hùng, Phó Trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình chia sẻ: “Ban đầu, ngay cả người thân trong gia đình, họ hàng cũng e ngại khi gia đình có người tham gia vào công tác phòng chống dịch. Nhưng chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động … nên mọi người hiểu, cảm thông và bớt dần tâm lý lo sợ”.
 
Với trên 30 năm công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng, trải qua nhiều vụ dịch nguy hiểm, như: dịch tả (2007-2008), cúm AH1N1 (2009), sởi (2014), sốt xuất huyết (2019), bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp nhận thấy qua mỗi vụ dịch, hệ thống y tế dự phòng ngày càng lớn mạnh. Kể cả với dịch bệnh Covid-19, y tế dự phòng cũng sẵn sàng đáp ứng kịp thời tất cả các tình huống có thể xảy ra.
 
Lê Hồng