Tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Bài 2: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người lao động

  • 07:52 | Thứ Ba, 10/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bên cạnh mặt tích cực, hoạt động đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng tồn tại không ít khó khăn, trăn trở. Chính vì vậy, để siết chặt công tác quản lý, xử lý nghiêm minh những vi phạm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ, các cấp, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp, khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao chất lượng các hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo dựng uy tín của thị trường lao động tỉnh ta trên trường quốc tế.
 
Vì sao tồn tại “khoảng tối”?
 
Trao đổi về những tồn tại trong hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) lý giải, tỉnh ta là 1 trong 10 địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp cao, một phần do công tác tuyên truyền vận động lao động hết hạn hợp đồng về nước mới tập trung thực hiện trong nước, trong khi đó, NLĐ đang ở nước ngoài và gia đình NLĐ thiếu hợp tác.
 
Đáng chú ý, tại Điều 35, Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức xử phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú… Nhưng trên thực tế, vấn đề xử phạt lao động lại rất khó thực hiện và hầu như “bỏ ngỏ”. Điều này dẫn đến lao động xem thường pháp luật, xem thường các cơ quan chức năng thực thi pháp luật. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình hình lao động cư trú bất hợp pháp thời gian qua chưa có xu hướng giảm.
 Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chính sách Đảng, Nhà nước về hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người lao động.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chính sách Đảng, Nhà nước về hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người lao động.
Hệ thống chính sách pháp luật về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và dịch vụ việc làm vẫn chưa hoàn thiện, chưa theo kịp với những biến động của tình hình thực tế hiện nay. Nhiều hành vi vi phạm đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nhưng không được quy định trong các văn bản xử phạt hành chính tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7-10-2015 của Chính phủ dẫn đến thiếu tính răn đe. 
 
Đơn cử, như: treo, đăng các biển, bảng quảng cáo có nội dung liên quan đến dịch vụ việc làm, đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thành lập văn phòng đại diện khi không đủ các thủ tục hồ sơ pháp lý; không ký kết hợp đồng để thực hiện các nhiệm vụ hoạt động dịch vụ việc làm… Vì vậy, đối với các hành vi vi phạm trên chỉ có hình thức yêu cầu, nhắc nhở và đề nghị tổ chức, cá nhân vi phạm chấn chỉnh, nghiêm túc chấp hành pháp luật…
 
Bên cạnh đó, một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Việc kiểm tra, giám sát, phối hợp với các doanh nghiệp trong việc tư vấn, đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục pháp luật, tuyển chọn lao động... chưa chặt chẽ. Vấn đề thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa bàn cơ sở chưa được đẩy mạnh, dẫn đến nhiều người dân vẫn bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng để trục lợi...
 
Trên thực tế, một số tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài hay dịch vụ việc làm nhưng vẫn đăng tin quảng cáo, tuyển chọn… trên mạng xã hội. Vì vậy, có nhiều trường hợp rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang” hoặc đi trót lọt thì phải gánh chịu nhiều hệ quả, như: bị phạt tiền, trục xuất, thậm chí thành nạn nhân của tình trạng buôn bán người…
 
Cần tăng cường quản lý
 
Xác định hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh ta đã đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này. Đặc biệt, ngày 6-2-2020, Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 865-CV/TU về tăng cường quản lý công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh.
 
Để tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc đưa NLĐ của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thực hiện tốt công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gắn với giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
 
Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, địa phương, hội, đoàn thể các cấp, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng NLĐ, hội viên, đoàn viên nhằm nâng cao nhận thức của người dân tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
 
Trong đó, thông tin đầy đủ các hình thức đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng đúng quy định của pháp luật; tập trung tuyên truyền, vận động nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng NLĐ bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp và vi phạm pháp luật của nước sở tại; giám sát chặt chẽ công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ và các kiến thức cần thiết cho NLĐ của doanh nghiệp dịch vụ; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động cho NLĐ địa phương trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
 
Mặt khác, các doanh nghiệp, tổ chức có tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện đầy đủ chính sách, pháp luật về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản chỉ đạo của Bộ LĐ-TB-XH. Các trung tâm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ đưa lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng phải cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết đối với NLĐ có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài. Từ đó, giúp NLĐ nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước, chủ động lựa chọn những doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, có uy tín trong lĩnh vực đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tránh bị lừa đảo hoặc tăng chi phí khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
 
Các cơ quan chức năng tăng cường tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, dịch vụ việc làm ở các huyện, thị xã, thành phố, nhất là tăng cường các đợt kiểm tra đột xuất nhằm chấn chỉnh kịp thời hành vi vi phạm pháp luật và hạn chế phát sinh các vấn đề tiêu cực liên quan; đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các cơ chế, chính sách còn bất cập, vướng mắc…
 
Thùy Lâm