Xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào Bru-Vân Kiều: "Mưa dầm thấm lâu"

  • 08:43 | Thứ Năm, 12/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra khá phổ biến trong đồng bào Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), trở thành lực cản đối với sự tiến bộ xã hội và phát triển bền vững của địa phương. Nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân, cấp ủy, chính quyền xã Trường Sơn đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ xã đến tận thôn, bản. 
 
Theo kết quả khảo sát những năm trước đây, trên địa bàn xã Trường Sơn hàng năm có từ 5 đến 10 trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào Bru-Vân Kiều.
 
Nguyên nhân chủ yếu của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là do ảnh hưởng của tập quán lạc hậu trong hôn nhân từ lâu đời để lại, như: quan niệm những người có quan hệ họ hàng kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, khi về chung sống với nhau không phải phân chia tài sản cho người ngoài, không sợ mất con, mất của; kết hôn sớm để có nguồn lực lao động cho gia đình... Đồng bào Bru-Vân Kiều thực hiện việc dựng vợ gả chồng cho con từ rất sớm (từ 14 đến 17 tuổi). Quan niệm "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", hứa hôn sớm có chỗ cho con thành vợ, thành chồng, tục lệ bắt vợ, “nối dây” đã dẫn đến cưỡng ép hôn nhân sớm... 
 
Tìm hiểu nguyên nhân của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chúng tôi được biết, bên cạnh những yếu tố ảnh hưởng của hủ tục lạc hậu nói trên, thì ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) còn rất hạn chế.
 
Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác này chưa quyết liệt; việc tuyên truyền, vận động và thực hiện pháp luật trong ĐBDTTS, đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… chưa đạt hiệu quả cao.
 
Các chế tài xử lý vi phạm trong hôn nhân chưa được thực hiện nghiêm và triệt để, nhiều hương ước, quy ước ở thôn, bản chưa được đổi mới kịp thời nhằm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
 
Xác định nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, làm thay đổi nhận thức trong ĐBDTTS theo hướng “mưa dầm thấm lâu”, các cấp ủy đảng, chính quyền xã Trường Sơn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm huy động cả hệ thống chính trị tham gia.
 
Xã chú trọng đổi mới và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân, gia đình, hậu quả và những hệ lụy của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; gắn việc thực hiện phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong thực hiện các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
 
Để công tác tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả, thay đổi nhận thức của đại bộ phận ĐBDTTS, xã dựa vào uy tín của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Các già làng, trưởng bản đã phát huy hiệu quả vai trò trong vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vận dụng các luật tục tiến bộ trong đồng bào để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng, dòng tộc; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng gia đình văn hóa mới, thôn bản văn hóa, làm tốt công tác hòa giải trong thôn, bản.
 Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận thức của đồng bào Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn về vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận thức của đồng bào Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn về vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Với phương châm hoạt động gần dân, sát dân, lắng nghe và am hiểu đầy đủ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của dân, Mặt trận và các đoàn thể trên địa bàn xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội. Cấp ủy, chính quyền xã còn tranh thủ, phát huy hiệu quả vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc tuyên truyền, xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Từ đó, tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết, lâu dài, giúp cán bộ, đảng viên hiểu rõ hơn về thực tiễn cơ sở và phong tục, tập quán của đồng bào.
 
Trò chuyện với phóng viên, bà Hồ Thị Con, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Trường Sơn cho hay: “Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của đồng bào Bru-Vân Kiều. Đặc biệt, việc lồng ghép các hoạt động truyền thông về phòng, chống tảo hôn với thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đã góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa, cải thiện chất lượng dân số trên địa bàn xã. Hiện, trình độ nhận thức của bà con đã từng bước được nâng lên, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát triển, phong tục tập quán lạc hậu cơ bản được đẩy lùi, nạn tảo hôn đã có xu hướng giảm và hôn nhân cận huyết thống đã được đầy lùi trên địa bàn xã”.
 
Tuy nhiên, để xóa bỏ hoàn toàn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong ĐBDTTS tỉnh nói chung, đồng bào Bru-Vân kiều xã Trường Sơn nói riêng, rất cần sự vào cuộc và chung tay của toàn xã hội. Chính quyền các cấp cũng cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên, cộng tác viên dân số ở cơ sở; có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng; đồng thời thực hiện tốt chính sách xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho ĐBDTTS.
 
H.Chi