Hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

  • 08:36 | Thứ Sáu, 13/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện đề án trợ giúp người khuyết tật (NKT) tỉnh giai đoạn 2014-2020, các cấp, ngành tỉnh Quảng Bình luôn quan tâm và tích cực triển khai công tác chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ NKT với nhiều hình thức phong phú. Chính nhờ những chính sách, chương trình trợ giúp của Nhà nước và cả cộng đồng, NKT được tiếp thêm nghị lực, từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
 
Theo ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Quảng Bình hiện có trên 45.000 NKT, chiếm 5% dân số toàn tỉnh, trong đó, đa số NKT không thể sống tự lập, chủ yếu dựa vào gia đình, người thân và chỉ có khoảng 15% NKT tự tạo được thu nhập. Triển khai đề án trợ giúp NKT tỉnh giai đoạn 2014-2020, các cơ quan nhà nước triển khai nhiều hoạt động trợ giúp, chăm lo cuộc sống NKT nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp của họ.
 
Đặc biệt, việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp NKT đã huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân, giúp NKT vượt lên hoàn cảnh, tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội và trở thành những tấm gương sáng cho nhiều NKT khác.
 
Công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NKT đã trở thành hoạt động thường xuyên, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho NKT. Từ năm 2012 đến nay, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước đã hỗ trợ cho NKT trên địa bàn tỉnh trên 550 dụng cụ phục hồi chức năng (chân, tay giả, nẹp chỉnh hình) và hơn 2.000 xe lăn.
 
Riêng trong khuôn khổ dự án “Phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật”, có 652 trẻ ở 9 xã thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Trạch và TP. Đồng Hới được thụ hưởng và 40 trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi được phát hiện sớm.
 
Đến nay, Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Trạch, Lệ Thủy và TP. Đồng Hới đã tiến hành can thiệp sớm cho 21 trẻ khuyết tật, giúp 13/21 trẻ khiếm thính được can thiệp về việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và 8/21 trẻ khiếm thính sử dụng máy hỗ trợ phát triển khả năng nghe nói.
 
Ngành Giáo dục-Đào tạo cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện để trẻ khuyết tật được tham gia học tập, hòa nhập tại các trường học trên địa bàn. Hiện tại, toàn tỉnh có 1.736 học sinh khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập và hơn 300 trẻ khuyết tật được nuôi dạy theo hình thức chuyên biệt tại các trung tâm.
 
Công tác giáo dục học sinh khuyết tật được thực hiện hiệu quả trên cơ sở các trung tâm xây dựng kế hoạch giáo dục hòa nhập, kế hoạch giáo dục đối với từng cá nhân cụ thể để hỗ trợ các em trong học tập, chăm sóc sức khỏe và lồng ghép các chương trình kỹ năng sống.

 

https://news.zing.vn/chuyen-tu-hoc-tieng-anh-cua-ty-phu-jack-ma-post710296.html
https://news.zing.vn/chuyen-tu-hoc-tieng-anh-cua-ty-phu-jack-ma-post710296.html
Qua trao đổi, bà Trương Thị Thanh Hoa, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội và Chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB-XH) cho biết, NKT cũng khát vọng có việc làm, thu nhập ổn định và được xã hội tôn trọng. Vì vậy, thông qua các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương, các cấp, ngành, địa phương quan tâm đến công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT.
 
Từ năm 2010 đến nay, các trung tâm, cơ sở dạy nghề, tổ chức hội đã tổ chức dạy nghề cho hơn 1.500 NKT trong độ tuổi lao động với một số nghề, như: làm hương, nón, chổi đót, thêu ren, may, xoa bóp...; khoảng 3.000 lượt NKT được tham dự các khóa tập huấn nâng cao kỹ thuật và kỹ năng quản lý kinh doanh, chăn nuôi thú y và trồng trọt.
 
Đáng kể, NKT còn được ưu tiên vay vốn để phát triển, mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và một số chương trình tín dụng nhỏ... Tính đến nay, toàn tỉnh có 43 dự án với tổng doanh số trên 5 tỷ đồng cho 1.200 lượt NKT được vay vốn để phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Nhờ vay vốn đầu tư vào những việc làm phù hợp và sự cần cù, chịu khó, nhiều hộ gia đình NKT đã vươn lên thoát nghèo.
 
Xác định cải tạo, xây dựng các công trình công cộng, phương tiện bảo đảm cho NKT tiếp cận, sử dụng hiệu quả là một trong những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, các sở, ngành liên quan triển khai lồng ghép kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư thực hiện quy định kỹ thuật các hạng mục công trình, giúp NKT tiếp cận và thuận tiện trong việc đi lại.
 
Đến thời điểm hiện nay, khoảng 30% công trình là trụ sở cơ quan nhà nước, nhà ga, bến xe, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục-thể thao... bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT. Theo đó, các công trình xây dựng phục vụ cho NKT chủ yếu thực hiện các yêu cầu, như: lối vào, ra công trình có thanh trượt để sử dụng xe lăn, lắp đặt thang máy, bố trí các phòng làm việc thường xuyên giao dịch với NKT ở tầng 1… Các hạng mục giao thông, vận tải tại các bến xe khách, ga tàu bố trí lối đi dành cho NKT, gắn tay vịn tại khu vực phòng đợi và khu vực vệ sinh, áp dụng chính sách giảm giá vé cho NKT khi tham gia với mức giảm 25%, được ưu tiên mua vé, được giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
 
Cùng với đó, công tác hỗ trợ NKT tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin-truyền thông luôn được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Từ đó, các tổ chức hội liên quan đến NKT đều được hỗ trợ lập website riêng, gồm: Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, Hội Người mù, Hội Vì sự phát triển NKT… Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí thiết thực cũng được tổ chức cho NKT tham gia nhằm giúp họ có thêm nghị lực, niềm tin vượt lên số phận, phát huy khả năng và tự lực trong cuộc sống.
 
Ông Trịnh Đình Dương khẳng định, các chính sách hỗ trợ NKT trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hiện, 100% NKT thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ BHYT; 80% NKT được tiếp cận các dịch vụ y tế với các hình thức khác nhau; 84% trẻ sơ sinh đến 6 tuổi được khám sàng lọc phát hiện sớm các dạng khuyết tật và hầu hết NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng theo nhu cầu và mức độ bệnh tật; 90,6% trẻ em khuyết tật có khả năng học tập được hỗ trợ tham gia giáo dục dưới các hình thức khác nhau; 100% NKT được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu...
 
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đời sống của một số NKT còn gặp nhiều khó khăn, nhất là NKT đặc biệt nặng sống ở nông thôn. Tại một vài địa phương, thực trạng NKT chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng vẫn còn xảy ra… Trong khi đó, một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ, xem công tác chăm sóc, hỗ trợ NKT là hoạt động nhân đạo, từ thiện, trách nhiệm của ngành LĐ-TB-XH... Đây là những vấn đề mà các địa phương, các ngành, đơn vị liên quan cần quan tâm và nỗ lực thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
 
Thùy Lâm