Gỡ "nút thắt" phát triển nhà ở cho công nhân

  • 09:11 | Thứ Bảy, 28/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Với 2 khu kinh tế (KKT) và 8 khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng, hệ thống các KKT, KCN Quảng Bình thu hút, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Tuy nhiên, để người lao động nơi đây thực sự được “an cư”, vẫn cần sự chung tay từ nhiều phía.

Do điều kiện xa nhà, chị Phan Thị Thủy (Quảng Trạch) và 2 người bạn hiện đang làm việc tại KCN Tây Bắc Đồng Hới thuê chung một căn nhà trọ chất lượng thấp với mức giá 500.000 đồng/tháng bao gồm cả tiền điện nước.

Với diện tích chừng 16m2, ngoài công trình phụ khép kín, căn phòng chỉ đủ kê một chiếc giường, một chiếc bàn và một ít vật dụng tối thiểu phục vụ sinh hoạt. Khu nhà trọ có chừng hơn chục phòng, mùa mưa thì ẩm ướt, mùa hè thì nóng bức, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.

Xây dựng nhà ở cho công nhân là việc không thể giải quyết
Xây dựng nhà ở cho công nhân là việc không thể giải quyết "một sớm một chiều".

Chị Thủy chia sẻ, được “an cư” trong những ngôi nhà khang trang với đầy đủ các dịch vụ tiện ích là ước mơ lớn của chị và nhiều công nhân lao động đang làm việc tại các KCN trên địa bàn. Nhưng, với thu nhập như hiện tại, giải pháp thuê trọ bình dân là tiện lợi hơn cả.

Thực tế, những năm trước, nắm bắt nhu cầu của công nhân lao động, Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Đại Phong đã đầu tư xây dựng 1 khu nhà ở cho công nhân gần KCN Tây Bắc Đồng Hới với tổng số 204 phòng, đáp ứng được 816 chỗ ở.

Tuy nhiên, do việc đầu tư xây dựng nhà ở công nhân của Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Đại Phong sử dụng vốn của doanh nghiệp và chưa được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước nên giá thành khá cao. Bên cạnh đó, do xa nơi làm việc lại không bảo đảm điều kiện an ninh trật tự nên hiện nay khu chung cư chỉ có vài chục công nhân ở, số phòng còn lại hiện để trống, gây lãng phí lớn.

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Văn Tuần, Trưởng phòng Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng cho biết, thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách đã được Nhà nước ban hành nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở, đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng có thu nhập thấp nói chung và công nhân lao động tại các KCN nói riêng.

Tuy vậy, tại Quảng Bình, việc phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp vẫn chưa đạt được nhiều kết quả do công tác này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn khá dài.

Trên thực tế, quá trình quy hoạch KCN, KKT bao giờ cũng dành một phần vốn đất nhất định nằm ngoài khu vực sản xuất kinh doanh để xây dựng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh đều chưa có công trình phúc lợi xã hội. Nguyên nhân là do ngân sách địa phương còn hạn chế; cơ chế khuyến khích thu hút sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào lĩnh vực này dù có nhiều ưu đãi song vẫn chưa thực sự hấp dẫn.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp, Ban quản lý KKT tỉnh cho rằng, "bài toán" nhà ở công nhân tại KCN là vấn đề khó có thể giải quyết trong "một sớm một chiều".

Do đó, trước mắt, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan lập phương án về quy hoạch quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN. Kỳ vọng rằng, với những cơ chế hấp dẫn về thu hút vốn đầu tư, vấn đề này sẽ dần được tháo gỡ.

Th.H