Giảm nghèo đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi:

Hỗ trợ có điều kiện để đồng bào tự vươn lên

  • 14:44 | Thứ Bảy, 28/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, công tác giảm nghèo đối với vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực; đời sống đồng bào DTTS và hạ tầng vùng miền núi được cải thiện rõ rệt, nhưng vẫn chưa thực sự mang tính bền vững do nhiều nguyên nhân. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của cả hệ thống chính trị thì cần các giải pháp phải phù hợp, thiết thực và khoa học.
 
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, thời gian qua, nhiều chương trình, chính sách lớn về phát triển kinh tế-xã hội cho vùng DTTS, miền núi được triển khai thực hiện, như: Chương trình 135, Quyết định 755/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo đời sống khó khăn, Quyết định 102/2009/QĐ-TTg về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo các xã khó khăn, Quyết định 18/2011/QĐ-TTg về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, Nghị quyết 30a của Chính phủ đối với huyện nghèo Minh Hóa...
 
Nhờ đó, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS tỉnh ta được đầu tư tương đối đồng bộ từ “điện, đường, trường, trạm”, tạo diện mạo mới và điều kiện quan trọng cho vùng DTTS phát triển. Đặc biệt, một bộ phận đồng bào đã chuyển đổi tập quán sản xuất từ sản xuất nương rẫy sang thâm canh lúa nước, các loại lương thực, thực phẩm. Các tộc người, như: Rục, Khùa, Mày, Ma Coong, Mã Liềng... trước đây chỉ biết “phát, đốt, cốt, trỉa”, thì nay đã biết cách thâm canh lúa nước. Nhiều hộ xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, cải tạo vườn đồi, trồng rừng kinh tế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Số hộ đồng bào DTTS làm ăn khá, giỏi ngày càng tăng. Toàn tỉnh hiện có hơn 750 hộ đồng bào DTTS làm ăn khá, giỏi, trong đó, khoảng 540 hộ thu nhập trên 30 triệu đồng/năm, hơn 220 hộ thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm. Đây là những điểm sáng trong công tác giảm nghèo vùng DTTS, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào. 
 Nhiều hộ vùng DTTS và miền núi xây dựng mô hình kinh tế thu nhập cao.
Nhiều hộ vùng DTTS và miền núi xây dựng mô hình kinh tế thu nhập cao.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác giảm nghèo vẫn chưa thực sự mang tính bền vững ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng DTTS và miền núi của tỉnh hiện còn trên 9.800 hộ (chiếm tỷ lệ 57,11% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và cao hơn 8 lần so với tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh); trên 10.500 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 45,27% tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh, cao hơn 10 lần so với tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh). 
 
Thẳng thắn nhìn nhận, ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết, Nhà nước có nhiều chính sách giảm nghèo đa dạng tác động đến nhiều mặt trong đời sống của đồng bào các DTTS, nhưng các chính sách dường như hướng tới sự trợ cấp nhiều hơn là sự hỗ trợ để đồng bào tự vươn lên và không gắn với trách nhiệm của người được thụ hưởng. Do vậy, một số bà con DTTS hình thành tính thụ động, trông chờ và xảy ra tình trạng không được hưởng trợ cấp thì cũng không tự định hướng được khả năng sản xuất để ổn định cuộc sống. Vì lý do đó, nhiều hộ gia đình DTTS mới thoát nghèo chỉ gặp biến cố nhỏ (ốm đau đột xuất, bị thiên tai, bão lũ, mất mùa…) lại tiếp tục rơi vào diện tái nghèo.
 
Cùng với đó, đời sống và phong tục, tập quán của đồng bào DTTS, miền núi còn nhiều hạn chế nên việc thay đổi suy nghĩ, cách làm gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, việc hướng dẫn đồng bào DTTS áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất gặp trở ngại do trình độ dân trí; việc tiếp cận các dịch vụ việc làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài chưa khả quan; đào tạo nghề chuyển dịch việc làm sang lĩnh vực phi nông nghiệp có nhiều bất cập…
Quan tâm hỗ trợ có điều kiện để đồng bào DTTS có ý chí tự vươn lên giảm nghèo bền vững.
Quan tâm hỗ trợ có điều kiện để đồng bào DTTS có ý chí tự vươn lên giảm nghèo bền vững.
Từ những tồn tại đó, theo ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, không nên hỗ trợ cho đồng bào DTTS nghèo theo cách cho không. Thay vào đó, động viên đồng bào vay vốn để tự sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập bền vững. Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, các huyện, xã miền núi xác định đối tượng ưu tiên trọng tâm trên cơ sở phân tích nguyên nhân nghèo của từng hộ để có hình thức hỗ trợ phù hợp. Đặc biệt, phát huy vai trò, vị trí của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là công tác xóa đói giảm nghèo nhằm khắc phục tính tự ti, trông chờ, ỷ lại… Mặt khác, giải pháp để thực sự nâng cao trình độ dân trí là nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh vùng DTTS và miền núi, xem đây là điều kiện cần thiết cho giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào DTTS.
 
Để mục tiêu giảm nghèo được bền vững ở vùng đồng bào DTTS, bên cạnh việc đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện các chương trình, dự án thì ý chí chủ động thoát nghèo trong đồng bào DTTS cũng cần được khơi dậy. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ, đồng hành cùng đồng bào DTTS bằng “cần câu” chứ không phải “con cá”. Nhà nước chỉ hỗ trợ chính sách, nguồn lực và hướng dẫn, còn chính đồng bào DTTS phải chủ động lao động, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, cùng nhau sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế.
 
Ông Trịnh Đình Dương nhấn mạnh, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi phải thiết thực, theo hướng tích hợp, thu gọn đầu mối quản lý và hỗ trợ có điều kiện theo phương châm “giảm cho không, tăng cho vay” để đồng bào DTTS có điều kiện và ý chí tự vươn lên giảm nghèo bền vững.
Thùy Lâm