Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Đồng Hới: Những chuyển biến tích cực

  • 11:07 | Thứ Tư, 04/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với phương châm “học đi đôi với hành”, "đào tạo gắn với nhu cầu xã hội”, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Đồng Hới thời gian qua bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều lao động nông thôn đã có việc làm và thu nhập ổn định sau khi tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn do địa phương phối hợp với các ban, ngành tổ chức.   
 
Là một lao động phổ thông, sau khi lập gia đình, chị Nguyễn Thị Hồng, ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh chỉ ở nhà chăm con và buôn bán lặt vặt. Năm 2018, chị đăng ký tham gia lớp nghiệp vụ nhà hàng do thành phố phối hợp với Trường cao đẳng nghề Quảng Bình tổ chức. Sau 3 tháng đào tạo, chị Hồng được cấp chứng chỉ nghề và được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để mở quán giải khát ngay tại nhà.
 
Chị Hồng chia sẻ: “Nhờ những kiến thức và kỹ năng tích lũy được từ khóa học, tôi đã xây dựng cho quán mình một thực đơn rất phong phú các loại đồ uống, biết cách pha chế, chất lượng và trình bày bắt mắt, tinh thần, thái độ phục vụ chuyên nghiệp hơn. Sau gần một năm mở quán, không chỉ khách địa phương mà còn có rất nhiều khách du lịch cũng đã đến với quán. Thu nhập của gia đình nhờ vậy được nâng lên đáng kể”.
  Thành phố Đồng Hới thực hiện liên kết giữa giữa địa phương, cơ sở đào tạo và lao động nông thôn nhằm bảo đảm việc làm cho người lao động.
Thành phố Đồng Hới thực hiện liên kết giữa giữa địa phương, cơ sở đào tạo và lao động nông thôn nhằm bảo đảm việc làm cho người lao động.
Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, những năm qua, TP. Đồng Hới đã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ học nghề; tiến hành rà soát nhu cầu đăng ký học nghề và xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm; khảo sát, đánh giá, lựa chọn các đơn vị dạy nghề đủ năng lực, điều kiện dạy nghề để hợp đồng đào tạo.
 
Đồng thời, thành phố thực hiện liên kết giữa nhà trường, Nhà nước và doanh nghiệp, giữa địa phương, cơ sở đào tạo và lao động nông thôn nhằm bảo đảm việc làm cho người lao động. Nội dung, phương pháp và thời gian dạy nghề được thành phố lựa chọn khoa học, hợp lý. Trong đó, đã chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng thực hành nghề và phát huy tính tích cực, tự giác, năng động, bảo đảm tính hệ thống, có khă năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm của người học nghề… nên tạo được sự hứng thú, lôi cuốn đối với học viên.
 
Bà Trần Phương Thúy,Trưởng khoa Du lịch-Dịch vụ, Trường cao đẳng nghề Quảng Bình, cho biết: “Thực hiện chương trình phối hợp đào tạo nghề ngắn hạn với UBND TP. Đồng Hới, những năm qua, nhà trường đã cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để nâng cao chất lượng đào tạo; bố trí những giáo viên giàu kinh nghiệm đứng lớp. Đặc biệt, trường luôn chú trọng việc học đi đôi với hành, thường xuyên cho học viên thực hành trên máy và đi thực tế cơ sở. Ví dụ với lớp nghiệp vụ nhà hàng, chúng tôi đã liên hệ cho học viên đi học hỏi ở các nhà hàng, khách sạn lớn như: Sun Spa resort, Bao Ninh Beach resort; lớp may công nghiệp thì đến xưởng may của Tấn Phát… Nhiều học viên đang học nhưng cũng đã tìm được việc làm thêm...”
 
Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Đồng Hới, cho biết: “Trong giai đoạn 2016-2019, UBND TP. Đồng Hới đã đào tạo nghề cho 3.441 lao động nông thôn ở các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, bao gồm các nghề: lắp đặt điện cho cơ sở sản xuất nhỏ, may công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, kỹ thuật nuôi ong, nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, đan vá lưới... với tổng kinh phí đào tạo gần 12 tỷ đồng. Theo thống kê, tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo chiếm trên 70%.”
 
Trong quá trình thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của thành phố, kết quả đáng ghi nhận nhất là người dân đã từng bước thay đổi nhận thức về nghề nghiệp và việc làm. Những hoạt động nhỏ lẻ, manh mún trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây được thay thế bởi các mô hình phát triển kinh tế có quy mô với lực lượng lao động đều đã qua đào tạo và được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, các chương trình dạy nghề... Nhờ vậy, hiệu quả sản xuất, kinh doanh đạt khá, thu nhập cũng được nâng cao.
 
Thời gian tới, với những giải pháp tích cực và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, TP. Đồng Hới sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phấn  đấu đáp ứng được nguồn nhân lực để thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
                                                                             Ly Na