Chuyện của người trở về trên những container sang Anh

  • 22:55 | Thứ Bảy, 02/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thu nhập tốt và những viễn cảnh "đổi đời" khiến nhiều người đánh liều vay tiền để xuất khẩu lao động "chui" sang Anh. Người may mắn thì kiếm được chút vốn liếng về quê, còn bị bắt sớm thì để lại khoản nợ khổng lồ cho gia đình, bất hạnh hơn thì bỏ mạng nơi xứ người...
 
Hiểm nguy rình rập
 
Những ngày này, câu chuyện 39 người tử vong trong thùng container ở Anh khiến ai cũng bàng hoàng. Khi nghe truyền thông đưa tin và được biết những nạn nhân trong đó, nghi là có người Việt Nam. Nhiều người đã liên hệ với phóng viên kể lại những giây phút kinh hoàng trên chuyến xe container để sang Anh.
 
Hơn 10 năm trước, ông Trần Thanh Văn (SN 1963), ở tiểu khu 4, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch đánh liều vay mượn tiền người thân, cầm cố thẻ đỏ, chồng gần 500 triệu cho "cò" để vượt biên sang Anh với hy vọng đổi đời.
 
Theo lời kể của ông Văn, nếu đồng ý đi thì phải đưa trước khoảng một nửa số tiền cho đường dây dắt mối, sau đó sẽ được họ sắp xếp đưa sang Anh. Thời điểm 2008, với một tấm hộ chiếu trên tay, điểm đến đầu tiên của ông Văn là Cộng hòa Séc. Tại đây, ông được một người đàn ông Việt (trong đường dây đưa người vượt biên) dẫn về nhà ăn ở, chờ thời điểm thích hợp để sang Anh. Tuy nhiên hành trình đến Anh không hề đơn giản như lời “mồi chài” của những kẻ cầm đầu trong đường dây.
 
Sau 6 tháng sống tại Cộng hòa Séc, ông Văn được đưa “chui” sang Đức bằng chuyến tàu lửa. Tại đất Đức, không người thân, không việc làm, ông phải đi bán thuốc lá "lậu" để kiếm sống qua ngày. "Quãng thời gian này, tôi sống trong nơm nớp lo sợ bị cảnh sát Đức bắt. Bị bắt đồng nghĩa bị trục xuất về nước", ông Văn cho hay.
 
Khoảng hai tháng sau, cũng bằng tàu lửa ông Văn được đưa sang Pháp, tập kết tại một bãi hàng hóa nằm trong rừng. Nơi đây, có hàng trăm lao động đến từ nhiều nước khác nhau được cai quản bởi các băng nhóm xã hội đen. Người Việt cũng có rất nhiều, chủ yếu nói giọng miền Bắc và miền Trung. Ông Văn kể, thời gian ở bãi tập kết là mệt mỏi nhất, những lao động bất hợp pháp như ông phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Sợ nhất là bị tấn công tình dục bởi các băng nhóm xã hội đen, đặc biệt là phụ nữ. Nhiều lần ông cũng như những người lao động khác chứng kiến cảnh phụ nữ bị hãm hiếp nhưng đành bất lực, không dám lên tiếng vì sợ bị đánh, bị đuổi khỏi bãi.
 
Tại bãi tập kết, để tránh bị cảnh sát Pháp phát hiện, ông Văn cũng như nhiều lao động hằng ngày phải lánh vào rừng sâu để trốn, đến nửa đêm mới được phép xuất hiện ở bến bãi nơi có hàng trăm chiếc container chở hàng hóa. Tại đây, chờ sơ hở của các tài xế, các lao động sẽ bị ép và nhồi nhét lên các gầm thùng xe container có biển đăng ký ở nước Anh (có xe thùng bằng bạt, có xe thùng hàng đông lạnh).
Ông Trần Thanh Văn (bên trái, ở tiểu khu 4, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch lại câu chuyện vượt biên sang Anh
Ông Trần Thanh Văn (bên trái, ở tiểu khu 4, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch lại câu chuyện vượt biên sang Anh
“Nếu ai sợ mà không lên thì xem ra mất cơ hội sang Anh vì các băng nhóm này chỉ sắp xếp cho 1 người/chuyến. Nếu không chịu lên thì lần sau chúng sẽ không xếp chuyến nữa. Tâm lý dân mình sang đó, ai cũng bỏ một đống tiền để đi, giờ nếu không nghe lời chúng thì xem ra mất trắng nên đành cắn răng làm theo dù biết là hiểm nguy”, ông Văn chia sẻ.
 
Tuy nhiên không phải chuyến nhảy container nào cũng thành công sang được đất Anh. Ông Văn được đưa sang Pháp khoảng nửa tháng, thì phải mất 12 lần mới qua được Anh, vì mỗi chuyến xe có thể mang biển số Anh nhưng chở hàng đi các nước khác. Mỗi chuyến như thế, người lao động phải lần tìm đường về bãi tập kết. "Có khi đi nguyên ngày mới tìm về được bãi, chưa kịp nghỉ thì phải chuẩn bị cho chuyến nhảy xe trong đêm.", ông Văn cho hay.
 
Lần nhảy xe thứ 12, ông Văn cùng một thanh niên khác quê ở Nghệ An bị ép phải nằm dưới một chiếc gầm của xe container kín mịt. Mỗi người được phát cho 1 túi nilon trùm kín người. Trên đường đi, khi thấy xe dừng lại thì tất cả số lao động trốn trên xe hoặc dưới gầm phải nắm chặt túi nilon ngưng thở để tránh máy tầm nhiệt, chó nghiệp vụ cho đến khi xe qua được trạm. Mỗi trạm kiểm soát như vậy chừng 2-3 phút. "Đến trạm kiểm soát thứ 3, vì xe dừng lâu quá, nằm trong túi nilon tôi suýt chết ngạt. Xuống xe không đi nổi nữa, phải nằm ở góc cây hơn 30 phút mới tỉnh táo lại", ông Văn nhớ lại.
 
Đến Anh trót lọt, ông Văn được đẩy vào các căn nhà kín, thắp điện suốt ngày để trồng cần sa. Một năm sau, ông bị Cảnh sát Anh phát hiện và bị bắt vào tù cho đến khi trục xuất về nước.
 
Hai năm tha hương, ông Văn may mắn hơn nhiều người khác khi kiếm đủ số tiền đã bỏ ra và dư dả một ít để cất nhà, nhưng với ông, đây có lẽ là quãng đời ám ảnh nhất.
 
Sinh con trong tù
 
Qua nhiều năm, nhưng khi nhắc lại quãng thời gian tìm đường sang Anh, chị T.B.N (xin được giấu tên), SN 1984, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới, vẫn chưa hết bàng hoàng. Năm 2008, nghe lời "mồi chài" của một đường dây đưa người xuất khẩu lao động "chui" sang Anh, chị vay mượn anh em, bạn bè, cầm cố 2 chiếc thẻ đỏ cho ngân hàng để đủ tiền sang Anh.
 
Theo lời chị N. kể, hầu hết các lao động đều được làm hộ chiếu đưa qua các nước châu Âu, rồi qua Pháp và tìm cách vượt biên sang Anh. Và họ đều biết sang Anh để làm gì. Các đường dây đưa người có hai loại, loại "VIP" được giấu trên xe (tài xế biết có người trên xe) và được chở trực tiếp qua Anh, loại "Cỏ" thì được sắp xếp trốn chui dưới các gầm xe container, hoặc trong lốp xe. Loại này, thường không xác định được hành trình của xe nên may mắn thì sang được Anh, còn không thì phải đi lại nhiều lần. Gói loại "VIP" thường nhiều tiền gấp rưỡi loại "Cỏ".
 
Chị N. thuộc diện "Cỏ", thời điểm đó cũng chồng đủ tiền vé gần 500 triệu đồng. Gần 1 năm ở đất Pháp, chị N. không nhớ rõ mình đã nhảy bao nhiêu chuyến xe container để tìm đường sang Anh. Có những chuyến đi không đúng lộ trình, chị phải lội bộ giữa trời tuyết lạnh âm hàng chục độ về lại bãi tập kết. Thậm chí phải qua đêm ở góc phố, gầm cầu nào đó hay chui vào thùng rác để nằm cho đỡ lạnh. "Nếu bị cảnh sát Pháp bắt giữ thì cũng được thả sau 24 giờ, vì họ biết đích đến của mình không phải ở Pháp", chị N. cho hay.
 
Chị tâm sự, có lần, đến 9 giờ tối chị về đến trại tập kết thì hai gót chân đã tứa máu vì đi bộ cả ngày. Thời tiết lạnh buốt, chân đau nhức như muốn ngất đi. Những lúc như vậy, chị muốn trình diện cảnh sát nhờ Đại sứ quán giúp để được về nhà. Nhưng nghĩ đến số nợ lớn ở quê nhà chị đành cắn răng, kiên trì bám trụ để sang được đất Anh.
 
Cuối năm 2009, sau hàng trăm lần chui gầm xe container, chị N. cũng trót lọt qua được đất Anh. Khi nhảy xuống xe, vì ở Pháp quá lâu, mất số liên lạc với người đưa đường, không biết đi đâu, chị N. trốn vào rừng. Sau một ngày ròng rã, chị lạc vào một trang trại nuôi đà điểu và may mắn gặp được một người Việt cũng thuộc diện lao động chui ở Anh. Người này đưa chị về căn nhà được phân cho mình để trồng cần sa và giới thiệu cho chủ trại. Sau đó, chị N. cũng được phân cho một căn nhà gần đó để trồng cần sa. Ở đất khách, hai người nảy sinh tình cảm với nhau.
 
Chị N. cho biết, trong căn nhà được thắp điện suốt ngày, thức ăn được chủ nhà đóng đủ cả tháng. Buổi sáng sớm mở cửa ra ngoài một chút cho đỡ ngột ngạt rồi lại vào nhà. Đến mùa thu hoạch thì chủ nhà cho người tới lấy và trả tiền công cho mình gửi về quê. Nhưng nhiều khi chưa kịp thu hoạch thì đã bị cướp. Thời gian ở Anh, trại cần sa do chị N. trồng bị cướp 3 lần, mỗi lần như thế chủ nhà sẽ chuyển mình đến một căn nhà khác và bắt đầu trồng lại.
Chị chia sẻ, chỉ cần nghe tiếng đập cửa là biết ngay sẽ có chuyện. Nếu bị cướp mà chống trả, nhẹ thì bị đánh đập, có khi còn bị chúng giết chết. Bon cướp lấy xong hàng rồi đi ngay. Nhưng nếu là cảnh sát thì coi như xong.
 
Gần một năm ở Anh, sau nhiều lần chuyển nhà, chị N. bị bắt. Vào tù, chị mới phát hiện mình có thai được hơn 2 tháng. Khi chưa hết án phạt 1 năm thì chị sinh được một bé trai ngay trong trại tù. Bé được 3 tháng tuổi, hai mẹ con bị trục xuất về nước, gánh thêm khoản nợ hơn 150 triệu đồng chưa trả được. Phải mất 5 năm sau, khi bươn chải đủ nghề chị mới hoàn trả được số tiền vay mượn của người thân, bạn bè để đi Anh...
 
"Hành trình sang được đất Anh là không đơn giản, nhiều người hy vọng chịu vất vả vài năm để kiếm được một số tiền về quê sống yên ổn, đủ đầy. Nhưng khi qua được rồi cũng phải đối mặt với bao hiểm nguy rình rập. Đằng sau những căn nhà khang trang mọc lên ở quê là biết bao tủi hờn, máu, nước mắt, là sự đánh đổi bằng chính mạng sống của những người đi lao động chui ở nước Anh khiến nhiều người lầm tưởng...", ông Văn chia sẻ. 
 
X.Phú