Chung tay thực hiện an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

  • 08:03 | Thứ Năm, 21/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) và Ủy ban MTTQVN tỉnh đã phối hợp thực hiện hiệu quả các chương trình an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Qua đó, các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao đời sống của nhân dân...
 
Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 13-7-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020 đề ra mục tiêu: phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 2-2,5%, riêng các xã nghèo phấn đấu giảm từ 4-5% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020) và quyết tâm đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước.
 
Theo ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, để phấn đấu đạt mục tiêu trên, bên cạnh sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tập trung đầu tư nguồn lực mạnh của các cấp từ tỉnh đến cơ sở thì công tác phối hợp giữa Sở LĐ-TB-XH và Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh về việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân; vận động thay đổi suy nghĩ, cách làm, thói quen của người dân trong trong thực hiện công tác giảm nghèo; phối hợp thực hiện hiệu quả Quỹ "Vì người nghèo"… có vai trò rất quan trọng.
 
Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh xây dựng kế hoạch về triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững hàng năm và chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các văn bản có liên quan về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, Mặt trận các cấp xác định và xây dựng nội dung, phương pháp tuyên truyền phải làm rõ vị trí, vai trò của người nghèo, người cận nghèo đối với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo; ý chí, sự nỗ lực vươn lên của người nghèo là điều kiện cơ bản, là yếu tố quyết định thành công của công cuộc giảm nghèo... Trên cơ sở đó, công tác tuyên truyền giảm nghèo được 2 đơn vị triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng trong nhân dân.
Sở LĐ-TB-XH và Ủy ban MTTQVN tỉnh phối hợp xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho hộ nghèo góp phần giảm nghèo bền vững.
Sở LĐ-TB-XH và Ủy ban MTTQVN tỉnh phối hợp xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho hộ nghèo góp phần giảm nghèo bền vững.
Cụ thể, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, trang thông tin điện tử của Mặt trận và các tổ chức thành viên; thông qua các hội nghị, các buổi họp thôn, bản, tổ dân phố; qua các cuộc họp chi đoàn, chi hội; treo băng rôn, pa nô, áp phích, tranh cổ động; trên hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở; phát huy vai trò của các dòng họ, người tiêu biểu, người có uy tín ở cộng đồng khu dân cư… Thông qua công tác tuyên truyền đã nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; đồng thời, khơi dậy ý chí chủ động tự vươn lên của người nghèo, nhất là thay đổi suy nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc, hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn.
 
Sở LĐ-TB-XH và Ủy ban MTTQVN tỉnh còn phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả, phù hợp với từng địa phương nhằm nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa về thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Đến nay, Mặt trận các cấp đã triển khai xây dựng và duy trì trên 400 mô hình về thực hiện các nội dung của công tác giảm nghèo bền vững gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Điển hình, như các mô hình: “Hỗ trợ thoát nghèo có địa chỉ”, “Nói không với chất cấm trong sản xuất và chế biến”, “Khu dân cư hài hòa xóa đói, giảm nghèo bảo vệ môi trường và thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ”, “Làng quê đáng sống”, “Khu phố văn minh đô thị”…
 
Ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết, công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm đã được Ủy ban MTTQVN tỉnh và Sở LĐ-TB-XH phối hợp chặt chẽ, thực hiện bảo đảm đúng quy trình, dân chủ, công khai, minh bạch và phản ánh đúng thực trạng đời sống nhân dân ở từng địa phương. Nhờ đó, thời gian qua, công tác kiểm tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã hạn chế được tình trạng nể nang, dòng họ, tách hộ, ghép khẩu, luân phiên vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo... để hưởng chính sách. Đặc biệt, Mặt trận các cấp đã phát động rộng rãi phong trào thi đua gắn công tác giảm nghèo với nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”... nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…
 
Có thể nói, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, phải kể đến sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, địa phương, trong đó, có sự phối hợp tích cực giữa Sở LĐ-TB-XH và Ủy ban MTTQVN tỉnh đã mang lại một số kết quả quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững. Từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh ta giảm bình quân mỗi năm 2,48%, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,42% (đầu năm 2016) xuống còn 6,98% (đầu năm 2019).
 
Thùy Lâm