Mưa lũ cô lập nhiều bản, làng trong tỉnh

  • 15:04 | Thứ Tư, 04/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã gây mưa to đến rất to trên địa bàn tỉnh ta. Mực nước trên các sông đang lên nhanh, nhiều địa phương bị cô lập hoàn toàn. Dự báo những ngày tới, diễn biến thời tiết tiếp tục có mưa to nên chính quyền các địa phương, người dân đang khẩn trương thực hiện các phương án ứng phó.
Khu chăn nuôi trâu bò tập trung của xã Tân Hóa đã ngập sâu trong lũ.
Khu chăn nuôi trâu bò tập trung của xã Tân Hóa đã ngập sâu trong lũ. Ảnh: Phan Phương
Lúc 10 giờ ngày 4-9-2019, lũ trên sông Kiến Giang, sông Gianh, sông Rào Nậy xấp xỉ mức báo động II và đang tiếp tục lên nhanh. Nhà máy thủy điện Hố Hô đã vận hành xả lũ từ hôm qua (3-9) với lưu lượng từ 500 đến 1.000m3/giây. Ngoài 1 người mất tích (ở Minh Hóa) và 1 người bị thương (ở Tuyên Hóa), ngày 3-9, còn có thêm 1 trẻ em 2 tuổi ở phường Quảng Thuận bị đuối nước, đã tìm thấy thi thể. 
 
Mưa lũ đã làm ngập, sạt lở, gây ách tắc giao thông nhiều điểm trên đường 12A, quốc lộ 15 đoạn qua ngầm Bùng nước ngập 2 mét, quốc lộ 9B nước ngập 1 mét tại các ngầm Khe Giữa và ngầm KM41+980.
 
Ngoài ra, tuyến đường vào Đồn Biên phòng Cà Xèng nước ngập sâu 2 mét trên chiều dài 1,5km, cô lập hoàn toàn các bản Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, Ón. Tại xã Dân Hóa, các bản Ka Ai, Tà Rã bị cô lập do nước lũ tràn ngầm Ka Định, Ka Vàng. Tại huyện Bố Trạch, các bản Cồn Roàng, Cóc, Cu Tồn, Tuộc, A ky, Nồng Mới, Nồng Cũ, Bụt, Chăm, Pu, Cờ Đỏ (xã Thượng Trạch) bị chia cắt. Huyện Lệ Thủy có các bản Bạch Đàn, Tân Ly (xã Lâm Thủy) bị chia cắt.
Ngập lụt đường giao thông tại xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa).
Ngập lụt đường giao thông tại xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa).
Quốc lộ 15 C trên địa bàn huyện Tuyên Hóa nhiều đoạn bị chia cắt tại cầu Khe Đènh, cầu tràn xã Thanh Hóa, cầu tràn xã Thanh Thạch; nhiều tuyến đê kè trên sông Gianh bị sạt lở nghiêm trọng.
 
Đến 11 giờ ngày 4-9, huyện Tuyên Hóa đã tổ chức di dời 200 hộ/790 khẩu tại các xã Văn Hóa, Đức Hóa, Tiến Hóa, Châu Hóa, Mai Hóa, Thạch Hóa đến nơi an toàn. Trong chiều nay, nếu mực nước sông Gianh lên cao sẽ tiếp tục di dời thêm 600 hộ/2.274 khẩu.
Nguyễn Hoàng
 
. 14 giờ ngày 4-9, thông tin từ UBND huyện Minh Hóa cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện đã có trên 500 ngôi nhà ở các xã Tân Hóa, Thượng Hóa và Minh Hóa bị ngập sâu, nhiều vùng bị cô lập do mưa lớn kéo dài từ ngày 2-9. 
>>
Đoàn lãnh đạo huyện Minh Hóa về Tân Hóa kiểm tra tình hình và động viên người dân phòng chống lũ
Theo UBND huyện Minh Hóa, khu vực ngập nặng và sâu nhất vẫn là xã Tân Hóa. Xã Tân Hóa nằm trong lòng chảo, bao quanh là núi đá, nơi được xem là “túi đựng nước”, vùng rốn lũ của huyện miền núi Minh Hóa.
 
Ông Ngô Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết, đến thời điểm hiện tại, toàn xã đã có hơn 400 ngôi nhà bị ngập, trong đó có nhiều căn nhà ở thôn Yên Thọ nước ngập sâu trên 2m.
 
Theo ông Đá, với kinh nghiệm “sống chung với lũ” lâu năm và nhờ những ngôi nhà nổi nên hiện tại tất cả con người và tài sản của người dân ở xã Tân Hóa vẫn tuyệt đối an toàn. Từ ngày 2-9, trước tình mưa lũ diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương và người dân Tân Hóa đã chủ động đưa đàn trâu, bò hơn 2.000 con của xã lên vùng cao để tránh lũ. Trong ngày 3 và 4-9, UBND huyện Minh Hóa đã dùng phương tiện chuyên dụng vào các khu vực ngập sâu của xã Tân Hóa để kiểm tra tình hình, động viên người dân phòng, chống lũ. 
...
Người dân Tân Hóa "sống chung với lũ" trong những căn nhà nổi.

Xã Tân Hóa có 670 hộ nhưng hiện đã có gần 400 nhà nổi. Những nhà nổi này được thiết kế đặc biệt bằng những thùng phi, có khả năng tự nâng cao khi nước dâng lên, là nơi để người dân dự trữ lương thực, thực phẩm và trú ngụ an toàn trong những ngày mưa lũ.

Căn nhà bè của ông Trương Xuân Trường ở thôn 2, xã Tân Hóa hiện đang nổi lên theo con nước cách mặt đất hơn 2m. “Hôm 2-9, thấy trời mưa lớn, có khả năng gây lũ lớn nên gia đình tôi đem những vật dụng có giá trị và chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và yên tâm sinh sống trong những ngày mưa lũ này”, ông Trường chia sẻ.

Phan Phương

. Do ảnh hưởng của hai dải áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên đất liền và biển Đông, từ ngày 1-9 đến nay trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Hiện nay nước trên sông Gianh đang tiếp tục lên, nhiều làng mạc, khu vực dân cư đã bị nước lũ cô lập.
Nhiều khu vực trên địa bàn huyện Tuyên Hóa bị chia cắt, cô lập
Nhiều khu vực trên địa bàn huyện Tuyên Hóa bị chia cắt, cô lập
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện Tuyên Hóa, tính đến 11 giờ 30 phút ngày 4-9, lượng mưa đo được tại các trạm Đồng Tâm: 532mm, Mai Hoá: 538mm; đỉnh lũ trên sông Gianh tại trạm Đồng Tâm đạt 12,60m dưới mức báo động II: 0,4m; tại trạm Mai Hóa là 5,33m, trên mức báo động II: 0,33m. Hiện nay, nước trên sông Gianh đang lên nhanh.
Trụ sở UBND xã Văn, Hóa, Tuyên Hóa ngập sâu trong nước
Trụ sở UBND xã Văn Hóa ngập sâu trong nước
Mưa lũ đã làm 1 người dân bị thương ở xã Thạch Hóa bị thương,  22 nhà bị ngập và hơn 1.600 nhà khác bị cô lập. Trong đó, tập trung tại các xã Châu Hóa, Thạch Hóa, Thanh Thạch, Cao Quảng. Nước lũ cũng đã gây sạt lở dọc sông Gianh, đoạn qua thôn Kinh Trừng, xã Đức Hóa dài 50m, ảnh hưởng đến 4 hộ dân. Nhiều đoạn đường trên quốc lộ 15C, cầu tràn Khe Nung xã Thanh Hóa, cầu tràn và đường vào xã Thanh Thạch, cầu Thanh Châu xã Châu Hóa… bị ngập, chia cắt.  
 
Ông Lê Đức Hiến, Chủ tịch UBND xã Văn Hóa cho biết, nếu mưa to cứ tiếp tục kéo dài thì khoảng chiều tối nay, ngày 4-9, xã Văn Hóa sẽ ngập cục bộ và bị cô lập. 
Người dân xã Văn Hóa đưa xe máy, trâu bò lên cầu tránh lũ
Người dân xã Văn Hóa đưa xe máy, trâu bò lên cầu tránh lũ
Hiện huyện Tuyên Hóa đang tích cực rà soát phương án, chuẩn bị, chủ động tổ chức sơ tán nhân dân vùng cửa sông, vùng thấp trũng, gần khe, suối, nhà ở không bảo đảm an toàn và  vùng thường xuyên ngập lụt sâu và có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
 
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện Tuyên Hóa cho biết, toàn huyện đã di dời 402 hộ với 1.520 khẩu đến nơi tránh trú an toàn, nhiều nhất là ở các xã Tiến Hóa, Châu Hóa, Văn Hóa và Đức Hóa.
 
Dự kiến trong ngày hôm nay, các địa phương tiếp tục di dời thêm 600 hộ với 2.274 khẩu. Các địa phương đã chủ động hỗ trợ người dân di chuyển tài sản, gia súc, gia cầm lên các chỗ cao nhằm bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Nhiều khu vực bị cô lập phải đi lại bằng thuyền
Nhiều khu vực bị cô lập phải đi lại bằng thuyền
 
Lãnh đạo huyện Tuyên Hóa đã trực tiếp kiểm tra tình hình mưa lũ, chỉ đạo các địa phương  theo dõi sát diễn biến của thời tiết, phân công cán bộ phụ trách bám nắm địa bàn, nhất là những nơi bị chia cắt, những vùng thường bị ngập sâu; đồng thời chủ động dự trữ nhu yếu phẩm cần thiết đề phòng bị chia cắt lâu dài; tập trung lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với tình hình mưa lũ.
X.Phú
 
. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Lệ Thủy, tính đến 10 giờ sáng ngày 4-9, mưa lũ đã gây thiệt hại ước tính 3,6 tỷ đồng, hàng trăm nhà dân bị ngập.

 

Đường 10 lên xã Lâm Thuỷ bị ngập nên việc đi lại khó khăn
Đường 10 lên xã Lâm Thuỷ bị ngập nên việc đi lại khó khăn

Từ ngày 2-9 đến nay, trên địa bàn xuất hiện mưa to đến rất to. Mưa lũ khiến nước các sông, suối dâng cao khiến nhiều tuyến đường bị ngập nước. Toàn huyện có 450 lượt nhà dân bị ngập nước dưới 1 mét, một nhà ở xã Hồng Thủy bị tốc mái (nhà tạm), có 45 ha rau màu bị thiệt hại trên 70%, 5 ha ngô, sắn bị thiệt hại từ 30 đến 50%, 10 con trâu bò chết và một điểm sạt lở tại đường lên bản Eo Bù, xã Lâm Thủy. 

Hiện UBND huyện, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đang chỉ đạo các địa phương tích cực khắc phục hậu quả của mưa lũ, sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.
X.V