Cuộc chiến chống rác thải nhựa: Bắt đầu từ ý thức của người dân

  • 21:42 | Chủ Nhật, 08/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chống rác thải nhựa đang trở thành vấn đề cần thiết, song để hạn chế tình trạng sử dụng sản phẩm nhựa trong sinh hoạt như hiện nay rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng và ý thức tự giác của mỗi người dân.
 
Sống chung với nhựa
 
Sử dụng các sản phẩm nhựa đã trở thành thói quen trong cuộc sống của mỗi người dân. Từ các quán ăn, siêu thị, chợ, các cửa hàng tạp hóa…, đâu đâu cũng có mặt các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần như: túi nilon, ly nhựa, ống hút, chai nhựa, hộp xốp… Lượng nhựa đó khi thải ra môi trường gần như không tự phân hủy và có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống con người, sinh vật.
 
Đáng lo ngại hơn là nhiều quán ăn, nhất những là những quán vỉa hè thường dùng những hộp xốp nhựa hoặc túi nilon để đựng thực phẩm nóng cho khách hàng. 
 
Bác sỹ Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho hay: Vì rẻ, tiện dụng nên hộp nhựa, túi nilon đang được sử dụng tràn lan, không đúng cách. Hầu hết những túi nilon mua ở chợ, nhất là những loại có màu sắc: vàng, xanh, đỏ… đều không đạt các tiêu chuẩn để đựng thực phẩm vì chúng được làm từ nhựa tái chế, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, rất nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng. 
 
Trong quá trình tái chế, nhựa thủ công sẽ hấp thu các kim loại nặng như cadimi, chì..  Nhựa tái chế càng nhiều lần thì càng độc hại. Nếu thực phẩm ở dạng nóng, chín, ướt, có muối hay mỡ… được đựng, bảo quản trong những loại túi làm bằng nhựa tái chế có khả năng bị nhiễm các chất độc và khi ăn những thực phẩm này, chất độc sẽ tích lũy trong cơ thể con người gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, gan, thận, xương khớp, huyết áp, nội tiết và cả bệnh ung thư…  
Dù rất tiện lợi nhưng những chiếc túi nilon dùng để gói rau này sau khi thải ra môi trường lại trở thành nguồn rác thải độc hại, gây ô nhiễm môi trường.
Dù rất tiện lợi nhưng những chiếc túi nilon dùng để gói rau này sau khi thải ra môi trường lại trở thành nguồn rác thải độc hại, gây ô nhiễm môi trường.
Quá trình thôi nhiễm chất độc từ túi nilon diễn ra mạnh hơn nếu phải chịu tác động lớn của nhiệt. Khi đựng thực phẩm nóng ở 78-80 độ C, túi nilon dễ dàng thôi nhiễm chất độc vào thức ăn. Một trong những chất đó là chất DOP (dioctin phatalat) giống như hormon nữ, rất có hại cho nam giới và trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm.
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những người buôn bán túi nilon ở các chợ như: chợ Đồng Hới, Nam Lý, Ba Đồn… đều không biết nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng của sản phẩm. Giá thành của túi nilon dao động từ 2.000 đến 4.500 đồng/lạng.
 
Dạo quanh một vòng trên địa bàn TP. Đồng Hới cũng như các địa phương khác trong tỉnh, dễ dàng bắt gặp cảnh những người bán hàng rong, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ sử dụng túi nilon, hộp xốp để đựng các thực phẩm chế biến tại chỗ như: xúc xích nướng, bánh xèo, các loại bánh rán, bắp chiên… Nguy cơ mất an toàn thực phẩm diễn ra trước mắt nhưng vì tiện lợi nên họ “cho qua” và cứ thế thành thói quen trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
 
“Khó nhưng có thể”
Mặc dù đã đựng cơm, thức ăn trong các hộp giấy nhưng chủ quán Xưa (đường Lý Thường Kiệt) vẫn phải sử dụng túi nilon để đựng canh vì chưa tìm được sản phẩm thay thế phù hợp.
Mặc dù đã đựng cơm, thức ăn trong các hộp giấy nhưng chủ quán Xưa (đường Lý Thường Kiệt) vẫn phải sử dụng túi nilon để đựng canh vì chưa tìm được sản phẩm thay thế phù hợp.
Trả lời câu hỏi “Làm thế nào để hạn chế, tiến tới loại bỏ hoàn toàn sản phẩm nhựa dùng một lần?”, nhiều người cho rằng đó là việc khó nhưng có thể làm được nếu có sự quyết tâm cao của cơ quan chức năng và ý thức của người dân.
 
Chị Phạm Thúy Hằng ở thị xã Ba Đồn cho biết: Mặc dù đã sử dụng làn đi chợ nhằm hạn chế sử dụng túi nilon nhưng hàng ngày, chị vẫn thải ra môi trường chừng 3 đến 5 túi nilon vì các sản phẩm tươi sống như thịt, cá, tôm… không thể để chung vào làn cùng các loại rau, củ, quả mà phải tách riêng chúng bằng những túi nilon sử dụng một lần. Dẫu rất muốn loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng túi nilon nhưng theo chị Hằng và nhiều người khác thì đây là việc không dễ vì hầu hết các chủ hàng đều sử dụng loại túi này để đựng thực phẩm mà chưa có các sản phẩm thay thế phù hợp.
 
Khi được hỏi vì sao không sử dụng lá chuối để gói các loại bánh trái thay vì đựng vào túi nilon, một chủ hàng bánh ở chợ Nam Lý cho hay: Ngày nay, rất ít người dân ở thành phố trồng chuối nên giá lá khá cao. Hầu hết các gia đình trồng chuối đều đã có nguồn thu mua ổn định là những quán bánh bột lọc, các nhà hàng… nên họ không có đủ để bán cho những cơ sở làm ăn nhỏ lẻ… Điều này cũng lý giải tại sao ở các siêu thị lớn như Siêu thị Coopmart, Siêu thị Vincom có hôm dùng lá chuối gói rau, có hôm lại dùng túi nilon dù đây là những địa chỉ tiên phong trong việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
 
Nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP. Đồng Hới như: cửa hàng thực phẩm An Nông (đường Trần Hưng Đạo), Quán xưa (đường Lý Thường Liệt), cửa hàng thực phẩm Xanh (đường Nguyễn Hữu Cảnh)… đã có những nỗ lực nhất định trong phong trào chống rác thải nhựa nhưng việc loại bỏ hoàn toàn lại chưa thể thực hiện vì chưa tìm được sản phẩm thay thế và nếu có thì mức giá lại khá cao nên người mua phải đắn đo, cân nhắc…
 
Khó nhưng hoàn toàn có thể "nói không" với sản phẩm nhựa dùng một lần nếu có sự quết tâm cao của các cơ quan, đơn vị chức năng và sự đồng tình, hưởng ứng tích cực từ mỗi người dân.Để chống rác thải nhựa, thời gian qua, nhiều tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… đã tích cực hưởng ứng các hoạt động như: thu gom rác thải, vận động người dân sử dụng làn khi đi chợ, dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường để gói, đựng thực phẩm… Ngành y tế cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân viên y tế và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống… tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần trong các đơn vị.
Theo Bộ Tài nguyên-Môi trường, mỗi năm Việt Nam phát thải khoảng 25 triệu rác thải sinh hoạt, trong đó, rác thải nhựa xấp xỉ 2 triệu tấn. Mỗi sản phẩm được làm từ nhựa cần 20-1.000 năm mới có thể phân hủy hoàn toàn. Và trong khi chờ rác thải phân hủy, con người phải sống chung với thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra.
                                                                             Nh.V