Công tác vệ sinh môi trường trong mùa mưa bão: Nhanh chóng, kịp thời, chủ động

  • 08:42 | Thứ Sáu, 13/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Với đặc thù của một địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, Quảng Bình luôn chú trọng công tác vệ sinh môi trường trước, trong và sau mưa bão, lũ lụt.

Ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết, để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh do bão, lũ gây ra, ngay trước mùa mưa bão, Sở Tài nguyên-Môi trường đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Tài nguyên-Môi trường các xã, phường, thị trấn, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin dự báo về các hiện tượng thời tiết bất thường để chủ động triển khai biện pháp phòng ngừa có hiệu quả.

Lực lượng Công an tham gia hỗ trợ người dân vệ sinh môi trường sau lũ.
Lực lượng Công an tham gia hỗ trợ người dân vệ sinh môi trường sau lũ.

Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ xác định những khu vực trọng yếu có thể xảy ra lở đất, vỡ đập chứa nước để cảnh báo, cảnh giới hoặc di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng.

Các cơ quan, đoàn thể, trường học, ban quản lý các công trình công cộng, ban quản lý các chợ... chủ động thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển và xử lý triệt để rác thải phát sinh trên địa bàn; chủ động nguồn nhân lực, chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện sẵn sàng triển khai hoạt động thu gom, vệ sinh môi trường nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống của người dân tại các địa phương trong trường hợp có mưa, bão bất thường xảy ra.

Ngoài ra, các địa phương cần bố trí kinh phí để chủ động mua hóa chất (Cloramin B và PAC) nhằm kịp thời cấp phát đủ cho người dân vùng ngập lụt xử lý nước giếng bị nhiễm bẩn do mưa lũ, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tẩy uế, khử khuẩn các khu vực ô nhiễm sau khi nước lũ rút; chuẩn bị phương án kịp thời xử lý, tiêu hủy xác gia súc, gia cầm, động vật chết do lũ lụt gây ra.

Các địa phương cũng tiến hành bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến môi trường trong và sau mỗi đợt mưa lũ, không để xảy ra sự cố môi trường tại các đơn vị, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm và sự cố môi trường cao, như: nhà máy, cơ sở chế biến thủy sản, trang trại chăn nuôi tập trung, chợ, bãi rác, bệnh viện. Riêng đối với các cơ sở sản xuất có công trình hồ chứa chất thải, phải thường xuyên kiểm tra, gia cố đê bao bảo đảm an toàn...

Gần đây nhất, trong các ngày từ 30-8 đến 5-9-2019, do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 và áp thấp nhiệt đới, tất cả các huyện, thị xã, thành phố tại Quảng Bình đều có mưa to đến rất to gây ngập lụt trên diện rộng. Hàng nghìn nhà dân, các công trình trường học, trạm y tế cùng nhiều giếng nước sinh hoạt bị ngập sâu trong nước.

Cùng với đó, các loại rác thải, xác động vật… theo dòng nước lũ đổ về các làng bản chính là nguy cơ tiềm ẩn phát sinh dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường. Với phương châm nước lũ rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó, ngay sau khi nước lũ rút, các cấp ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã kịp thời triển khai các biện pháp xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng lũ.

Trao đổi với phóng viên, anh Trần Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, ngay sau khi lũ rút, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã huy động lực lượng thanh niên xung kích tình nguyện về các vùng lũ.

Đến nay, Tỉnh đoàn đã huy động được 119 đội thanh niên xung kích làm vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy, dọn dẹp rác thải tại các địa bàn bị ngập sâu, trong đó ưu tiên vệ sinh các khu vực trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, xã...; đồng thời phối hợp với lực lượng đoàn viên, thanh niên tại các huyện, thị xã phát huy vai trò của tuổi trẻ, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.

Ông Trần Văn Tuyến, Trưởng ban quản lý các công trình công cộng huyện Quảng Ninh chia sẻ, do ảnh hưởng của bão số 4 và áp thấp nhiệt đới, nhiều xã trên địa bàn huyện Quảng Ninh, như: Tân Ninh, Gia Ninh, An Ninh, Duy Ninh…, bị ngập lụt khá sâu.

Ngay sau khi lũ rút, Ban quản lý các công trình công cộng huyện đã huy động 3 xe ô tô chuyên dụng với tổ vệ sinh môi trường chuyên nghiệp gồm 18 người và đội ngũ nhân công hợp đồng ở hầu hết các thôn tích cực tăng chuyến, tăng giờ làm để tiến hành thu gom rác thải. Với sự chủ động của tổ vệ sinh và sự chung tay của mỗi người dân, đến nay, công tác vệ sinh môi trường tại các khu vực bị ảnh hưởng do lũ đã cơ bản được giải quyết.

Bên cạnh việc thực hiện công tác vệ sinh môi trường, ngành Y tế Quảng Bình cũng đã kịp thời triển khai các biện pháp xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng lũ.

Công tác vệ sinh môi trường ngay sau mưa bão, lũ lụt được triển khai hiệu quả.
Công tác vệ sinh môi trường ngay sau mưa bão, lũ lụt được triển khai hiệu quả.

Ngay khi nước rút, ngành Y tế đã tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương xuống các vùng bị ngập lụt xử lý rác thải, xác súc vật, tập trung thu gom và xử lý gọn để tránh dịch bệnh; cấp phát Cloramin B và hướng dẫn người dân cách khử trùng nguồn nước để có nước sạch sử dụng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hậu, Trạm trưởng Trạm y tế xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, do đặc thù địa bàn nằm ở vùng thấp trũng nên đợt mưa lũ vừa qua, nhiều nhà dân trong xã bị ngập sâu trong nước; riêng Trạm y tế xã ngập hơn 1m.

Sau khi nước rút, đội ngũ cán bộ Trạm kết hợp với đoàn viên, thanh niên và các lực lượng tình nguyện tham gia dọn dẹp bùn đất, lau chùi các vật dụng y tế và phun thuốc khử trùng, bảo đảm môi trường sạch sẽ, an toàn. Song song với đó, Trạm cũng bám sát địa bàn hướng dẫn người dân xử lý các nguồn nước sạch để sử dụng.

“Cùng với công tác vệ sinh môi trường tại chỗ, Sở Tài nguyên-Môi trường cũng đã hướng dẫn các địa phương phối hợp với các đơn vị; đồng thời hiệp đồng với Cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực phía Bắc và các tỉnh miền Trung nhằm chủ động nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện cần thiết để sẵn sàng triển khai các hoạt động ứng phó đối với sự cố chìm đắm tàu thuyền nhằm ngăn chặn sự cố tràn dầu trong mùa mưa bão…”, ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết thêm.

Th.Hải