Tuyên Hóa: Thoát nghèo nhờ đề án hỗ trợ bò giống sinh sản

  • 07:34 | Thứ Năm, 15/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với đặc thù huyện miền núi, thường xuyên chịu sự ảnh hưởng và thiệt hại do thiên tai, Tuyên Hóa là địa phương được hưởng lợi từ Đề án số 85/ĐA-BTT về “Hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo bị thiệt hại do lũ lụt năm 2016 và vùng thường xuyên bị thiên tai để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2017-2018” (gọi tắt Đề án 85) của Ủy ban MTTQVN tỉnh. 
 
Sau 2 năm triển khai, đề án đã thực sự đi vào cuộc sống, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo và trở thành một trong những dấu ấn về an sinh xã hội của Mặt trận các cấp huyện Tuyên Hóa.
 
Đề án 85 được khởi động ở huyện Tuyên Hóa từ tháng 8-2017, với 8 xã được bình xét hưởng lợi. Đến nay, toàn huyện có 20 xã, thị trấn được Ủy ban MTTQVN tỉnh hỗ trợ, phân bổ 415 con bò cái giống Brahman cho 415 hộ gia đình nghèo với tổng trị giá trên 6,2 tỷ đồng. Các xã được hỗ trợ số lượng bò giống lớn gồm: Thanh Hóa 56 con, Nam Hóa 46 con, Kim Hóa 40 con, Đồng Hóa 36 con, Sơn Hóa 31 con, Thanh Thạch 30 con…
 
Ông Lê Xuân Hoài, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Tuyên Hóa cho biết: “Căn cứ mục tiêu của đề án, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN huyện đã phân bổ số lượng bò cho các xã, thị trấn, đồng thời triển khai quy trình bình xét tại các khu dân cư. Đối tượng hưởng lợi được bình xét là những hộ nghèo nhưng phải có khả năng lao động, có đất canh tác nông nghiệp để trồng cỏ và có điều kiện chăn nuôi, phát triển kinh tế nhằm sớm thoát nghèo. Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN huyện đã chỉ đạo Mặt trận các xã, thị trấn hướng dẫn công tác chuẩn bị chuồng trại cho các hộ nghèo và tổ chức kiểm tra, rà soát cụ thể các đối tượng. Những hộ nào không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo mục tiêu của đề án đều buộc phải thay thế”.
 
Mỗi hộ gia đình nghèo tham gia Đề án 85 được trao tặng 1 con bò giống trị giá khoảng 15 triệu đồng từ nguồn kinh phí Quỹ Cứu trợ tỉnh và một phần vốn đối ứng của địa phương để làm chuồng trại chăn nuôi. Sau khi nhận bò, hộ nghèo được hoàn toàn sở hữu bò giống và cam kết trong vòng 3 năm phải thoát nghèo. Bên cạnh đó, để theo dõi và quản lý chặt chẽ đàn bò phân bổ, Ủy ban MTTQVN các xã, thị trấn đã thành lập các tổ chăn nuôi, lập sổ theo dõi, cung cấp sim điện thoại miễn phí cho hộ dân để phản ánh tình hình sinh trưởng của đàn bò, đặc biệt là những thông tin liên quan đến bệnh tật, lai tạo, sinh sản...
 Đề án 85 đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần phát triển tổng đàn bò trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.
Đề án 85 đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần phát triển tổng đàn bò trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.
Theo lời giới thiệu của các đồng chí trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN huyện Tuyên Hóa, chúng tôi tìm về xã Văn Hóa, một trong những địa phương triển khai hiệu quả Đề án 85 của huyện. Xã Văn Hóa có tổng diện tích tự nhiên 687.994 ha, 1.091 hộ, với 3.632 khẩu, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Cũng như các địa phương khác trong huyện, năm 2016, xã Văn Hóa phải đối mặt với nhiều khó khăn do rét đậm, rét hại kéo dài và hậu quả nặng nề của 2 đợt lũ lớn vào tháng 10 và tháng 11 đã làm cho đời sống, thu nhập, điều kiện phát triển kinh tế của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tháng 11-2017, Đề án 85 chính thức đến với hộ nghèo của xã Văn Hóa.
 
Trò chuyện với phóng viên, bà Lương Thị Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Văn Hóa chia sẻ: “Toàn xã có 10 hộ nghèo được Ủy ban MTTQVN tỉnh phân bổ 10 con bò giống sinh sản. Các hộ hưởng lợi đề án được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, thú y an toàn nên công tác chăm sóc bò cái sinh sản rất tốt. Đến nay, 10/10 con bò giống phát triển tốt, có trọng lượng từ 150 đến 250kg; trong đó có 8/10 con đã có chửa, 5 con sinh bê. Trong số 10 hộ nghèo được hỗ trợ bò giống nay đã có 9 hộ thoát nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 21,27% (năm 2016) xuống còn 8,35%  (cuối năm 2018. Năm 2016, tỷ lệ đàn bò lai của xã chiếm 80%, đến năm 2019 tăng lên 86%”.
 
Chị Trần Thị Bích Lý, thôn Hà Thâu, là 1 trong 10 hộ nghèo của xã Văn Hóa được hưởng lợi từ Đề án 85 nhớ lại: “Lúc đó con bò giống là nguồn tài sản quý giá nhất của gia đình tôi. Cùng với việc chăm sóc bò giống, tôi đã có thêm động lực để vượt qua đói nghèo, ổn định cuộc sống bằng những việc làm cụ thể, như: tập trung sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thêm lợn, gà… Hiện nay, con bò giống của gia đình tôi đang  sinh trưởng rất tốt và đã sinh được 1 con bê 4 tháng tuổi khỏe mạnh. Gia đình tôi đã thoát nghèo vào cuối năm 2018 và từ nay trở đi đã có việc làm, thu nhập ổn định. Đề án 85 là món quà đầy ý nghĩa đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn như gia đình tôi”.
 
Sau 2 năm thực hiện Đề án 85, số bò giống được hỗ trợ cho địa bàn huyện Tuyên Hóa đang  sinh trưởng tốt và được các hộ dân chăm sóc chu đáo. Qua theo dõi, kiểm tra cho thấy, một số bò giống được cấp đợt 1 năm 2017 đã sinh được bê và trên 20 con đang có chửa từ 1 đến 8 tháng. Trong quá trình triển khai đề án, Mặt trận các xã, thị trấn đã thực hiện công khai, minh bạch, theo đúng quy trình hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh.
 
Đánh giá hiệu quả của Đề án 85, đồng chí Trần Hữu Chức, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuyên Hóa khẳng định: “Đây là một mô hình phát triển kinh tế đặc biệt, không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo mà còn góp phần duy trì và phát triển tổng đàn bò trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, ở các địa phương nói riêng. Bên cạnh đó, đề án còn dựa vào cộng đồng để huy động người dân cùng tham gia, nhằm giải quyết vấn đề lao động tại chỗ mà xã hội còn bức xúc, thể hiện và mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Đối với huyện Tuyên Hóa, Đề án 85 đã thực sự đi vào cuộc sống, được Mặt trận các cấp cụ thể hóa, đưa đến tận người dân thụ hưởng và mang lại hiệu quả kinh tế không nhỏ. Tương lai không xa, các hộ nghèo được hỗ trợ bò giống sinh sản sẽ vươn lên thoát nghèo bền vững”.
 
Hiền Chi