Người Quảng Bình xa quê:

Nghĩa tình miền đất đỏ

  • 07:23 | Chủ Nhật, 04/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sẽ không ai muốn ly hương nếu không vì những bộn bề mưu sinh buộc họ phải lựa chọn cho mình những cuộc ra đi. Phải đến khi đi dưới tán rừng cao su xanh ngát, rợp bóng xuống con đường đất đỏ, tôi mới hiểu vì sao những người con Quảng Bình chấp nhận ly hương và gắn bó sâu nặng với mảnh đất Bình Phước đến vậy. Miền đất đỏ này đã chăm chút, nuôi dưỡng những cuộc đời, những phận người xa xứ bằng sự phì nhiêu của đất, sự hào sảng của con người vùng Đông Nam bộ, hôm nay và bao đời nay vẫn vậy.
 
Tỷ phú miền cát
 
Ông Trần Ngọc Sỹ (54 tuổi, TP. Đồng Xoài) đã bám trụ nơi mảnh đất Bình Phước này ngót nghét 40 năm. Chừng ấy thời gian lăn lộn mưu sinh nơi đất khách, người đàn ông ấy vẫn giữ cho mình chất giọng đặc trưng và nét hồn hậu vốn có của một người con quê hương Quảng Thuận (TX. Ba Đồn). Nhìn những cánh rừng cao su xanh mướt mắt, những nhà máy chế biến gỗ rộn rã không khí sản xuất, mới thấm thía câu nói của ông: “Mảnh đất này đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của tôi suốt gần 40 năm qua”. Cơ ngơi này là hoa trái ngọt ngào của bao tháng ngày mưu sinh nơi đất khách chát mặn mồ hôi.
 
Ông Sỹ kể, năm 1980, anh em ông theo chân bố mẹ vào Bình Phước lập nghiệp. Cuộc sống ly hương vất vả đủ bề nhưng vẫn tràn ngập niềm tin rằng một ngày mảnh đất này sẽ là nơi chốn tốt đẹp dung chứa những phận người mang trong mình khát vọng đổi đời.
 
Nhưng niềm vui chưa trọn, ước mơ chưa vẹn tròn, bốn năm sau đó, bố mẹ lần lượt ra đi vì căn bệnh sốt rét. Cậu thanh niên 19 tuổi Trần Ngọc Sỹ phải gánh trên vai trọng trách của một người cha, người mẹ nuôi bốn em ăn học. Ông bảo, chẳng hiểu vì sao ngày ấy có đủ nghị lực để vừa đi làm nuôi sống cả gia đình, vừa đi học để mong mỏi một ngày cuộc sống sẽ bớt đi những cực khổ. “Ngày ly hương, cha mẹ đã mang theo anh em tôi với một quyết tâm phải đổi đời bằng chính đôi bàn tay và khối óc. Cha mẹ mất rồi, nhưng những khi chùn lòng nhất, mấy anh em lại tự động viên nhau nghĩ về đấng sinh thành mà cùng cố gắng. Nên bát cơm có những ngày “chan đầy nước mắt”, chúng tôi vẫn phải nắm lấy tay nhau mà vượt qua”, ông Sỹ bồi hồi nhớ lại.
  Một buổi gặp gỡ dưới tán rừng cao su của thành viên Ban liên lạc HĐHQB tỉnh Bình Phước.
Một buổi gặp gỡ dưới tán rừng cao su của thành viên Ban liên lạc HĐHQB tỉnh Bình Phước.
Thế rồi, bằng nghị lực, ý chí và tư duy dám nghĩ, dám làm, cuộc sống mưu sinh nơi đất khách của người đàn ông quê Quảng Thuận ấy dần khởi sắc. Sự khoáng đạt và hào phóng của khí hậu đã mang đến cho mảnh đất vùng Đông Nam bộ sự mỡ màu, tươi tốt và trở thành đất lành cho những phận người xa xứ mưu sinh.
 
Từ mảnh rừng cao su nhỏ lẻ, ông Sỹ mở rộng dần diện tích, đến nay, ông đã sở hữu hơn 30ha cao su. Không dừng lại ở đó, ông mạnh dạn đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng 3 nhà máy chế biến gỗ ván ép và gỗ xẻ xuất khẩu. Mỗi ngày, nhà máy chế biến ván ép có công suất hơn 60m3 thành phẩm. Riêng nhà máy chế biến gỗ xẻ có công suất đến 3.000m3/tháng. Người đàn ông này hiện cũng đang sở hữu nhiều bất động sản, chủ đầu tư của các quán cà phê, siêu thị trên địa bàn TP. Đồng Xoài.
 
Ông bảo, điều ông thỏa mãn nhất trong hành trình vượt khó làm giàu nơi mảnh đất xa xôi này là trong tổng số 500 công nhân hiện đang làm việc trong các nhà máy, trang trại cao su thì có gần 200 người là con em Quảng Bình. Nhìn những người trẻ quê hương mang trong mình khát vọng lập nghiệp, ông như thấy lại hình ảnh một thời tuổi trẻ đầy gian khó của mình. Và với họ, ông còn dành một tình cảm, sự ưu ái đặc biệt của những người đồng hương. Vậy nên, người đàn ông hào sảng ấy sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tạo công ăn việc làm cho họ, hỗ trợ họ ổn định cuộc sống nơi đất khách. Ông cũng là một trong những người đi đầu trong các hoạt động thiện nguyện của Hội đồng hương Quảng Bình (HĐHQB) tại Bình Phước.
 
“Quê hương luôn trong tim chúng tôi”
 
Ngày gặp mặt, ông Trương Sóng Bồi, Chủ tịch HĐHQB tại Bình Phước cứ nắm lấy tay những người khách phương xa là chúng tôi mà vồn vã bảo: "Quê hương luôn ở trong tim chúng tôi nên gặp ai ở Quảng Bình, chúng tôi cũng đều quý cả. Tình cảm ấy cũng là sợi dây thiêng liêng kết nối những người con Quảng Bình nơi đất khách thành một khối đoàn kết, thống nhất và yêu thương nhau dẫu cuộc sống còn nhiều nỗi lo cơm áo đè nặng".
 
Thành lập từ năm 2004, HĐHQB tại Bình Phước đến nay đã quy tụ được hơn 250 hộ với gần 1.600 nhân khẩu. Trong số họ, có người đã gắn bó với miền đất đỏ này gần nửa thế kỷ, cũng không ít người chỉ mới vào lập nghiệp vài ba năm. Người đã có chỗ đứng tại quê mới, người còn vất vả mưu sinh kiếm cơm qua ngày, nhưng giữa họ, cái tình đồng hương chân thành và thân thiết lắm.
 
Ông Bồi bảo, người Quảng Bình vốn nặng nghĩa tình. Nơi đất khách, quê người, được gặp gỡ, chuyện trò với những người cùng chung giọng nói, chung tình yêu với một vùng đất, nghĩa tình ấy càng thêm sâu nặng. Vậy nên, 15 năm qua, HĐHQB tại Bình Phước vẫn hoạt động sôi nổi, hỗ trợ nhau cùng phát triển kinh tế, giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Ông Trần Ngọc Sỹ (ở giữa, bên trái) tại nhà máy chế biến gỗ của mình.
Ông Trần Ngọc Sỹ (ở giữa, bên trái) tại nhà máy chế biến gỗ của mình.
Với bản tính cần cù, chịu khó của những người con miền cát Quảng Bình, cùng với sự màu mỡ của miền đất đỏ Bình Phước, phần lớn người Quảng Bình đã thành danh, có chỗ đứng vững chắc nơi vùng đất Đông Nam bộ này. Nhiều người trở thành lãnh đạo tỉnh, cán bộ chủ chốt của các cơ quan, ban, ngành, người làm doanh nhân.
 
Ông Bồi chân tình bảo: “Phần lớn cuộc sống của anh em Quảng Bình ở đây đều ổn định, nhất là những người lập nghiệp đã lâu năm. Nên những năm trở lại đây, việc tìm những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong HĐH để hỗ trợ thực sự rất khó. Các hoạt động từ thiện, hướng về quê hương trong những dịp thiên tai, bão lũ đều được hội viên hưởng ứng nhiệt tình là vì lẽ đó”. Họ cũng tích cực tham gia các hoạt động từ thiện và đóng góp tài năng, công sức cùng xây dựng quê mới Bình Phước.
 
Ông Trần Quốc Lâm hiện là Giám đốc Công ty TNHH xây dựng-thương mại Lâm Kiến An nổi tiếng ở TP. Đồng Xoài đồng thời sở hữu một trang trại cao su, cây ăn quả rộng hơn 50ha. Giàu có, thành đạt là thế nhưng người đàn ông này vẫn giữ lối sống mộc mạc, chân chất và hơn 10 năm qua, ông vẫn dành toàn bộ số tiền trợ cấp thương binh của mình tặng lại cho những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.
 
Cuộc sống mưu sinh nơi xa xứ không hề đơn giản. Nhưng với truyền thống cần cù, chịu khó, người Quảng Bình tại Bình Phước đã vượt qua khó khăn, tạo dựng cho mình chỗ đứng vững chắc, hỗ trợ nhau cùng vươn lên. “Suốt mấy chục năm qua, chúng tôi vẫn tự nhắc nhở nhau rằng, dù làm gì vẫn phải luôn phát huy truyền thống, tố chất, bản lĩnh của người Quảng Bình trên quê mới Bình Phước. Nghĩ về quê hương giúp chúng tôi có thêm động lực để vượt qua khó khăn”, ông Hoàng Kim Vinh, nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước tự hào chia sẻ.
 
Diệu Hương