Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân sau sự cố môi trường biển: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

  • 08:21 | Thứ Sáu, 30/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau hơn 3 năm sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, tỉnh ta đã không ngừng đẩy mạnh công tác hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động nhằm chuyển đổi sinh kế, từng bước ổn định cuộc sống cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tại các địa phương vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ và điều chỉnh nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn…
 
Kết quả bước đầu
 
Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), từ nguồn kinh phí Trung ương tạm cấp cho tỉnh về bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển, ngành LĐ-TB-XH đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, việc làm và xuất khẩu lao động (XKLĐ) cho người lao động bị ảnh hưởng.
 
Ông Phạm Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, để công tác hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, việc làm và XKLĐ cho người dân bị ảnh hưởng đạt hiệu quả cao, Sở LĐ-TB-XH đã trực tiếp chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển triển khai đồng bộ các giải pháp về tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm thông qua việc tổ chức sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, hội nghị tư vấn việc làm…
 
Đặc biệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Bộ LĐ-TB-XH về việc ưu tiên, tạo điều kiện cho người dân vùng ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tham gia các chương trình hợp tác lao động giữa Việt Nam với các nước, nhất là chương trình hợp tác lao động Việt Nam-Hàn Quốc, Sở LĐ-TB-XH đã phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước triển khai thực hiện chương trình EPS Hàn Quốc dành cho người dân các địa phương ven biển. 
 Sở LĐ-TB-XH đã thông qua việc tổ chức sàn giao dịch để hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động tại các địa phương bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
Sở LĐ-TB-XH đã thông qua việc tổ chức sàn giao dịch để hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động tại các địa phương bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có trên 72.000 lao động được giải quyết việc làm, trong đó, số lao động được giải quyết việc làm tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển trên 29.000 người. Tổng số lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp gần 4.300 người với tổng kinh phí đã hỗ trợ hơn 24,3 tỷ đồng. Cụ thể, hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp (dưới 3 tháng) cho gần 3.700 người với kinh phí 21,7 tỷ đồng (gồm, đào tạo theo hình thức mở lớp hơn 2.400 người và hỗ trợ cho cá nhân tự học nghề 1.300 người); hỗ trợ đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp cho 616 người với kinh phí trên 2,5 tỷ đồng (học trung cấp 155 người và học cao đẳng 461 người).
 
Theo đó, huyện Quảng Trạch là địa phương có số lượng lao động được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cao nhất với trên 1.550 người, tiếp đến huyện Bố Trạch 1.290 người, TP. Đồng Hới 664 người, TX. Ba Đồn 429 người, huyện Quảng Ninh 183 người và huyện Lệ Thủy 158 người. Đáng nói, hầu hết lao động tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp (dưới 3 tháng) chủ yếu học nghề lái xe B2 và hạng C. Còn các ngành nghề đào tạo, như: nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, thú y, trồng trọt, cơ khí, may mặc, sửa chữa điện, điện tử, xây dựng, nhà hàng, khách sạn…, số lượng người tham gia rất hạn chế.
 
Riêng về hỗ trợ XKLĐ, đến thời điểm này, toàn tỉnh mới thực hiện hỗ trợ cho 15 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với kinh phí trên 109 triệu đồng. Trong đó, TX. Ba Đồn 3 người, TP. Đồng Hới 4 người, huyện Quảng Ninh 6 người và Quảng Trạch 2 người.
 
Còn nhiều bất cập, vướng mắc
 
Theo ông Phạm Thành Đồng, ở một số địa phương, công tác khảo sát nhu cầu hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp của lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển cũng như số lao động đã học trước ngày 31-12-2018 còn chưa chính xác. Chính điều này dẫn đến dự kiến số lao động cần chi trả ở một số địa phương quá cao hoặc thấp so với thực tế. Từ đó, việc quản lý và sử dụng kinh phí chi trả hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển ở các địa phương nơi thì cần bổ sung (như: huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và TP. Đồng Hới), nơi lại thừa (như: huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và TX. Ba Đồn).
 
Mặt khác, về việc đào tạo nghề trình độ sơ cấp, theo số liệu khảo sát của các huyện, thị xã, thành phố thì số lao động thuộc các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đăng ký học nghề, chuyển đổi việc làm là rất lớn. Nhưng khi các cơ sở đào tạo nghề xuống địa bàn thực hiện kế hoạch mở lớp thì nhiều lao động đã đi làm ăn xa, số lao động còn lại trên địa bàn rất ít, nhất là lao động trẻ. Do đó, việc mở lớp học nghề gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi phải bố trí học ghép liên xã, liên vùng. Chưa kể, người lao động thuộc đối tượng bị ảnh hưởng tham gia học nghề ở nhiều độ tuổi khác nhau, mức độ tiếp thu cũng khác nhau nên chất lượng đào tạo chưa cao...
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức học thực hành cho người dân đào tạo nghề trình độ sơ cấp.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức học thực hành cho người dân đào tạo nghề trình độ sơ cấp.
Ông Nguyễn Hữu Đắc, Trưởng phòng LĐ-TB-XH TP. Đồng Hới cho biết, đào tạo, chuyển đổi nghề là một trong những chính sách bảo đảm an sinh xã hội sau sự cố môi trường biển nhằm tạo cho người dân có cơ hội học nghề để nâng cao hiệu quả, hiệu suất công việc đang kinh doanh hoặc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh khác. Nhưng thời gian giới hạn hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp gồm cả hệ sơ cấp (dưới 3 tháng), trung cấp, cao đẳng có nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân. Cụ thể, đối với người học nhập học trong thời gian từ tháng 4-2016 đến ngày 31-12-2018, thì được hỗ trợ học phí từ ngày nhập học đến khi kết thúc khóa học. Đối với người học nhập học trước tháng 4-2016 thì được hỗ trợ học phí từ tháng 4-2016 đến khi kết thúc khóa học. Riêng những người nhập học sau 31-12-2018 thì không được hỗ trợ.
 
Ngoài ra, sau sự cố môi trường biển, nhiều ngư dân ven biển có nguyện vọng đi học nghề, nhất là thanh niên. Song quy mô, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh không thể đáp ứng lưu lượng đăng ký tham gia đào tạo nghề “ồ ạt” trong một thời gian nhất định. Vì vậy, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xảy ra tình trạng, như: lớp đào tạo trình độ sơ cấp bố trí giáo viên thỉnh giảng chiếm hơn 40% thời lượng chương trình; lớp học thực hành bố trí 35 học viên/lớp chưa đúng quy định (quy định lớp học thực hành bố trí tối đa 18 người đối với lớp 35 người)…
 
Qua trao đổi với nhiều người dân có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài ở một số địa phương trong tỉnh cho thấy, chính sách hỗ trợ chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tuy đã triển khai đến tận người lao động nhưng quá trình thực hiện thực sự gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, mặc dù trong 2 năm qua, toàn tỉnh có trên 6.500 lao động được XKLĐ nhưng số lượng lao động được nhận hỗ trợ chính sách ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển rất ít ỏi.
 
Nguyên nhân được xác định là do các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi nước ngoài chưa phối hợp, hỗ trợ người lao động trong việc cung cấp các loại giấy tờ, hóa đơn, chứng từ có liên theo quy định để làm hồ sơ đề nghị hưởng chính sách. Bên cạnh đó, thủ tục hồ sơ rườm rà, đòi hỏi quá nhiều giấy tờ liên quan, trong khi đó, nhận thức của người lao động còn nhiều hạn chế nên khó thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục hồ sơ…
 
Thùy Lâm