.

Thương cảnh mẹ già nuôi 3 con trai tâm thần

.
08:22, Thứ Ba, 25/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Suốt 30 năm nay, người mẹ già ấy vẫn từng ngày còng lưng nuôi 3 người con trai bị tâm thần, chỉ biết đập phá, hò hét và khi cơn bệnh nổi lên thì bỏ nhà đi lang thang. Đó là hoàn cảnh của bà Mai Thị Lợi (62 tuổi), thôn 2 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa.
 
Về thôn 2 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa hỏi thăm nhà bà Lợi thì ai cũng biết. Ở xã vùng cao biên giới này chẳng được mấy nhà khá giả, hầu hết là đủ ăn và diện hộ nghèo, cận nghèo vẫn chiếm đa số. Nhưng vừa nghèo vừa khổ như hoàn cảnh nhà bà Lợi thì ai cũng phải thở dài thương cảm.
 
Bà Lợi tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ, được chắp vá từ những tấm ván gỗ và tôn sắt đã mục rỉ. Kể về hoàn cảnh của gia đình, nước mắt cứ trào ra trên khuôn mặt người mẹ khắc khổ.
 
Suốt 30 năm nay, sống cùng những tiếng kêu khóc, gào thét đều đặn mỗi ngày của 3 đứa con tâm thần, bà chưa được một giờ thanh thản. Có lẽ vì vậy mà dù chỉ hơn 60 tuổi nhưng đầu tóc của bà đã bạc trắng nhiều năm nay.
Người con trai đầu của bà Lợi phải xích, nhốt ròng rã hơn 16 năm nay.
Người con trai đầu của bà Lợi phải xích, nhốt ròng rã hơn 16 năm nay.
Năm 1989, chồng mất, gia đình nhà chồng cũng không đủ ăn, bà Mai Thị Lợi lặng lẽ bồng bế 5 người con (đứa lớn gần 10 tuổi, đứa nhỏ nhất hơn 1 tuổi) về nương nhờ nhà mẹ đẻ ở xã Thanh Hóa.
 
Các con gái của bà lớn lên bình thường và đã có gia đình riêng, còn người 3 con trai gồm Nguyễn Văn Kiên (SN 1984), Nguyễn Văn Cường (SN 1986) và Nguyễn Văn Hùng (SN 1988) từ nhỏ đã có vấn đề về trí não, càng lớn bệnh càng nặng.
 
Bà Lợi chia sẻ, đời bà khổ nhất là không biết vì sao các con trai cứ lần lượt bị bệnh tâm thần, không phá phách thì cũng lầm lì, cáu gắt, nói không nghe lời. Và khổ hơn nữa là phải tự tay xích các con lại, đứa lâu nhất đến nay cũng đã 16 năm ròng rã. Thấy nhà đông người, lại thấy mẹ khóc, anh Kiên đang bị xích ở góc nhà vừa kéo dây xích, vừa cười hềnh hệch man dại, trên người không một mảnh vải che thân.
 
“Trong 3 đứa con trai thì Kiên bị nặng nhất, lúc nhỏ nó rất dại nên chỉ học đến lớp 2 là nghỉ. Càng lớn, bệnh tình càng trở nên trầm trọng, nó không nghe lời ai, toàn đi lang thang khắp nơi, phá phách, hò hét, thỉnh thoảng còn đánh người nên năm 2003 tôi đành phải nhốt nó lại.
 
Hai năm nay, xin được cái xích sắt còn đỡ, hồi xưa cái dây xích bé tí nên mỗi lần lên cơn nó lại bứt đứt rồi chạy ra ngoài, cả xóm phải hò nhau vây lại bắt nó về giúp tôi chứ không gặp ai nó cũng đánh.”, bà Lợi kể trong nghẹn ngào.
 
Trong góc nhà, bà Lợi nhờ người quây ít tấm ván lại để nhốt con. Tới bữa ăn chỉ dám đứng xa đưa cơm vào, thích thì anh Kiên ăn, không thích thì ném văng tung tóe ra nhà, cái tô đựng cơm cũng móp méo không còn ra hình thù gì sau những lần bị ném. “Có lần Kiên túm được tóc tôi, nó giật cho sứt cả đám, còn giật tay và đánh thâm tím mình mẩy của mẹ thì xảy ra như cơm bữa.”, bà Lợi cho biết.
 
Bị xích 16 năm, cũng chừng ấy năm anh Kiên không mặc áo quần, cứ đưa vào là anh xé tan tành. Mùa này còn đỡ, những ngày đông giá rét thấy con ngồi co ro nhưng cứ đưa chăn vào là anh điên cuồng ngồi xé khiến bà Lợi đau như cắt từng khúc ruột. Anh Kiển cũng tiểu tiện luôn tại chỗ, trước đây bà phải múc nước để dội rửa, nay nhà có bơm nên mỗi ngày bà đều cầm vòi xịt, những lần như thế anh lại múa may, hò hét điên dại.
Ngôi nhà của mấy mẹ con bà Lợi.
Ngôi nhà của mấy mẹ con bà Lợi.

Còn người con út tên Hùng thì những năm gần đây có đỡ hơn nhờ có thuốc an thần. Trước đây, mỗi lần phát bệnh, Hùng lại bỏ nhà đi lang thang nhiều ngày. Tìm về nhà thì đập phá, hò hét như anh Kiên. Có đợt, căn nhà nhỏ phải chia làm 3 gian, 2 gian dùng để xích nhốt hai người con. Nay, cứ mỗi khi Hùng có triệu chứng phát bệnh thì dùng thuốc, sau đó, anh ngủ li bì nên đỡ phá phách.

Trong 3 anh em thì trường hợp của anh Cường là nhẹ nhất, nhưng thực tế lại khiến bà Lợi lo lắng nhất. Hơn 30 tuổi nhưng tính tình của anh Cường như đứa trẻ lên 5. Có khi nói rất nghe lời, nhưng khi không thích thì mặc kệ. Bà Lợi bảo: "Thằng Cường hay đi ra ngoài, sợ có người không biết chọc giận nó. Với tính tình thất thường không bị người khác đánh thì cũng đánh nhầm ngươi ta, có ngày mang họa".
 
Gia đình bà Lợi có 1 sào đất ruộng và 2 sào đất hoa màu, tuổi đã cao nhưng bà vẫn cố gắng làm thêm để mẹ con có gạo ăn. Trời nắng nhưng ngày hai buổi, bà vẫn phải quần quật giữa đồng. Có bữa Cường ra ruộng giúp mẹ thu hoạch lúa, nhưng không hiểu phật ý điều gì, vứt cả xe bò chở lúa ven đường rồi bỏ đi đâu không biết. Trưa nắng như đổ lửa, bà gục xuống ruộng khóc một mình...
 
"Nhiều khi chỉ muốn chết đi, nhưng nhìn lại đám con điên điên dại dại, khóc cười ngây ngô tôi lại không đành lòng. Giờ sức khỏe ngày càng yếu, không biết khi nằm xuống các con sẽ như thế nào nữa...”, nói đến đây, nước mắt lại trào ra trên khuôn mặt khắc khổ của người mẹ già...
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: bà Mai Thị Lợi, thôn 2 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, SĐT: 0399.986.471

X.Phú

 

,