.
"Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội":

Phúc Trạch: Điểm sáng về giảm nghèo và giải quyết việc làm

.
08:33, Thứ Sáu, 21/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Thời gian qua, xã Phúc Trạch (Bố Trạch) luôn xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Chính vì vậy, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp đỡ những người có nhu cầu làm việc tại nước ngoài có cơ hội XKLĐ và được đánh giá là địa phương tiêu biểu trong công tác XKLĐ của tỉnh, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Tiến, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch chia sẻ, Phúc Trạch là một trong những xã đặc biệt khó khăn vùng 135 của huyện Bố Trạch với trên 86% dân số sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có 12 thôn thì 4 thôn Phúc Đồng có khả năng phát triển dịch vụ du lịch, các thôn còn lại chủ yếu phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp.
 
Qua tìm hiểu thông tin từ các địa phương có số lượng người đi lao động ở các nước cho thấy, những người đi lao động ở các nước Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Trung Đông... cơ bản đều có việc làm ổn định và thu nhập khá. Đặc biệt, việc XKLĐ tạo được việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần từng bước xóa đói giảm nghèo cho gia đình và địa phương.
 
Vì vậy, 3 năm trở lại đây, địa phương đã chủ động xây dựng đề án giải quyết việc làm và XKLĐ. Cùng với đó, các tổ chức chính trị, đoàn thể trên địa bàn xã đẩy mạnh công tác phổ biến sâu rộng về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về XKLĐ đến mọi người dân. 

Đáng kể, xã chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho một bộ phận người nghèo chưa nhận thức đúng về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo để họ chủ động phát huy nội lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước.

Địa phương phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, các đoàn thể của huyện, các đơn vị XKLĐ, các ngân hàng trên địa bàn làm tốt công tác tư vấn, vay vốn, định hướng... cho các đối tượng tham gia XKLĐ chọn việc làm, thị trường phù hợp với khả năng và hoàn cảnh gia đình.

Các mô hình dịch vụ du lịch ở Phúc Trạch trở thành điểm đến đầy ấn tượng với nhiều du khách.
Các mô hình dịch vụ du lịch ở Phúc Trạch trở thành điểm đến đầy ấn tượng với nhiều du khách.

Thực hiện phương châm “trăm nghe không bằng một thấy”, xã Phúc Trạch tổ chức đoàn gồm các trưởng thôn đi tham quan, học tập ở các địa phương thực hiện hiệu quả công tác XKLĐ trên địa bàn huyện; đồng thời, giới thiệu những cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu có con em đi làm việc ở nước ngoài mang lại hiệu quả kinh tế, giúp gia đình xóa đói giảm nghèo…

Ngoài ra, xã mở các hội nghị “cầu nối” để giới thiệu các cơ sở XKLĐ uy tín, đáng tin cậy đến với người dân. Từ đó, người dân có cơ hội tìm hiểu và được tư vấn, hướng dẫn các thủ tục, quy trình… nhằm bảo đảm điều kiện tốt nhất cho người lao động tham gia XKLĐ. 

Theo thống kê của xã Phúc Trạch, từ năm 2017 đến nay, địa phương có gần 600 lao động tham gia XKLĐ các nước, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Dubai, Lybia, UEA, Ảrập… Riêng năm 2018, xã đã lập hồ sơ 273 người XKLĐ, trong đó, lao động thu nhập cao nhất khoảng 45 triệu/người/tháng và trung bình xấp xỉ 15-17 triệu đồng/người/tháng. Lượng ngoại tệ từ nước ngoài gửi về địa phương đạt trên 100 tỷ đồng trong năm 2018.
 
Có thể nói, XKLĐ đã mở ra hướng đi mới cho việc thoát nghèo và nhiều hộ gia đình có người XKLĐ đã vươn lên thành hộ khá. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Nghị và bà Lê Thị Lịnh ở thôn Phúc Khê. Trước đây, gia đình ông Nghị chủ yếu phát triển nông nghiệp, cuộc sống khó khăn. Sau khi được cán bộ xã tuyên truyền chính sách XKLĐ, con trai ông đã đăng ký đi Đài Loan làm việc.
 
Sau gần 1 năm, con trai ông đã gửi tiền về giúp gia đình trang trải cuộc sống. Hiện, gia đình ông đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định. Hay gia đình anh Phan Văn Định ở thôn Chày Lập, cả hai vợ chồng đều tham gia XKLĐ tại Hàn Quốc để thoát nghèo. Với thu nhập gần 15 triệu đồng/tháng/người, anh chị đã gửi về cho gia đình trả nợ vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và xây dựng nhà ở khang trang.
 
Theo ông Nguyễn Quang Tiến, song song với XKLĐ, xã cũng tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi và phát triển, mở rộng nhiều ngành nghề mới. Nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: lạc lai, ngô lai, các loại giống có năng suất cao đã được nhân rộng.
 
Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng đã chỉ đạo trồng mới nhiều hécta rừng, như: thông nhựa, keo lai, bạch đàn… đem lại thu nhập cao cho bà con. Đặc biệt, các hộ gia đình trong xã đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, các mô hình kinh doanh về dịch vụ du lịch.
 
Đến nay, xã Phúc Trạch có trên 300 lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, như: động Phong Nha-Kẻ Bàng, Công ty Oxalis, động Thiên Đường, suối Nước Mọoc và hang Tối… Nổi bật, các mô hình dịch vụ du lịch tại xã Phúc Trạch cũng có nhiều đổi thay đáng ghi nhận và trở thành điểm đến ấn tượng để nhiều du khách lưu trú và trải nghiệm…
 
Với những nỗ lực đó, công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo của xã Phúc Trạch có những chuyển biến rõ nét. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã từ 39,39% (năm 2016) đã giảm xuống 19,11% (năm 2018) và đến nay còn 12,03%. Xã Phúc Trạch phấn đấu năm 2018, tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 21,6 triệu đồng/người/năm, nhưng đến cuối năm con số đó đã vượt mục tiêu đề ra, trên 29 triệu đồng/người/năm...
 
Thùy Lâm
,