.

Bố Trạch: Loay hoay "bài toán" rác thải nông thôn

.
07:48, Thứ Hai, 10/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Rác thải nông thôn đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương, trong đó có huyện Bố Trạch. Mặc dù, thời gian qua, chính quyền huyện Bố Trạch đã có nhiều giải pháp, nhưng công tác thu gom rác thải trên địa bàn huyện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.
 
Tại xã biển Nhân Trạch, đoạn dòng sông Dinh chảy ngang qua xã (sát cửa biển) và khu vực gần chợ, rác thải tồn đọng khá nhiều gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.
 
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân lượng rác thải ngày tăng là do một bộ phận người dân, đặc biệt là các tiểu thương thiếu ý thức, thường vứt rác không đúng nơi quy định… và một phần do rác thải từ các khu vực khác theo dòng chảy về phía trũng. Tình trạng này khiến người dân nơi sống quanh khu vực rất bức xúc.
 
Ông Nguyễn Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch cho biết: Hàng tháng, các thôn thu tiền lệ phí gom rác là 17.000 đồng/hộ, đối với hộ khó khăn thì các thôn xem xét đề xuất miễn giảm. Xã đã hợp đồng với Công ty TNHH xây dựng thương mại tổng hợp Trung Dũng thu gom rác 16 lần với 80 chuyến xe vận chuyển chuyên dụng/tháng.
 
Bên cạnh việc hợp đồng với công ty thu gom rác, xã cũng đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tổ chức tuyên truyền về việc vệ sinh môi trường trong các cuộc họp thôn, họp xóm…
 
Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân thiếu ý thức vứt rác bừa bãi, tồn đọng tại khu vực dân cư, khu công cộng. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường chung.
Nhiều bãi biển của huyện Bố Trạch trở thành nới chứa rác sinh hoạt của người dân.
Nhiều bãi biển của huyện Bố Trạch trở thành nới chứa rác sinh hoạt của người dân.
Không riêng gì xã Nhân Trạch, dọc tuyến quốc lộ 1A đi qua địa bàn các xã Lý Trạch, Đại Trạch, Đồng Trạch, Hải Trạch, Thanh Trạch, Bắc Trạch (huyện Bố Trạch), chúng tôi quan sát thấy có nhiều bãi rác “mọc” lên tự phát.
 
Không chỉ ở các tuyến đường chính, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở một số xã trên địa bàn huyện cũng đang xảy ra tình trạng lấy lề đường làm điểm tập kết rác như ở các xã Hải Trạch, Thượng Trạch, Phúc Trạch... Vỏ chai lọ, bao nilon, bao tải rác vứt bừa bãi bên lề đường, bụi rậm, chân cầu.
 
Nhiều điểm tập kết rác thải sinh hoạt còn có cả xác chết động vật, gây mùi hôi thối nồng nặc, phát sinh ruồi nhặng...
 
Hiện tại, trên địa bàn huyện đã có 25/28 xã đạt tiêu chí về môi trường, còn lại 3 xã Phúc Trạch, Tân Trạch, Thượng Trạch chưa đạt. Mặc dù đã đạt các tiêu chí về môi trường, nhưng thực tế, công tác thu gom rác thải tại các xã này vẫn còn nhiều nan giải.
 
Việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại nhiều xã cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền địa phương.
 
Theo số liệu từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bố Trạch, hiện nay, trên địa bàn huyện có 26/30 xã, thị trấn đã thành lập các tổ thu gom rác thải theo mô hình công ty, HTX hoặc tổ, đội với mức phí thu gom từ 17.000-25.000 đồng/hộ/tháng.
 
Trong đó, có 6/26 tổ đội có xe ép rác chuyên dụng để chở rác, số còn lại sử dụng các xe tự chế để vận chuyển rác đi xử lý. Khối lượng chất thải sinh hoạt được các đơn vị trên thu gom xử lý đạt trên 61tấn/ngày. Khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn huyện ước tính trên 91 tấn/ngày.
 
Theo ông Đỗ Mạnh Tài, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bố Trạch, mặc dù huyện có hỗ trợ kinh phí để triển khai công tác xử lý rác thải nông thôn nhưng do nguồn ngân sách của huyện quá hạn hẹp nên chỉ hỗ trợ một phần kinh phí mua sắm phương tiện, thiết bị thu gom rác, nhất là xe chuyên dụng (6xe/26 công ty).
 
Do đó, nhiều công ty hoặc các tổ, đội phải sử dụng xe tự chế chở rác làm rỉ nước hoặc rơi vãi rác dọc đường gây mất mỹ quan và vệ sinh. Hơn nữa, số hộ tham gia ít nên kinh phí thu từ các hộ gia đình không đủ trả chi phí vận chuyển và lương cho công nhân.
 
Mặt khác, hầu hết rác thải sinh hoạt tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bố Trạch đều được thu gom, vận chuyển đến xử lý tại Nhà máy xử lý rác của Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam tại xã Lý Trạch. Còn các bãi rác tại xã Thanh Trạch cũng như bãi chôn lấp rác thải Phong Nha, xã Sơn Trạch đã đóng cửa từ lâu, nên nhiều tổ, đội công ty gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển rác, hiệu quả xử lý rác chưa cao.
 
Bên cạnh đó, do một bộ phận người dân chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, thường xuyên “tiện đâu vứt đấy”, trong khi, hầu hết rác thải rất khó phân hủy tự nhiên, cần phải xử lý theo quy trình. Rõ ràng, hiện tại, "bài toán" rác thải nông thôn ở huyện Bố Trạch vẫn chưa có lời giải hữu hiệu.
 
Phạm Hà
,