.
"Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội":

Giảm nghèo bền vững tiếp cận đa chiều: Bảo đảm công khai, minh bạch và chính xác

.
09:03, Thứ Ba, 28/05/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Từ năm 2016, tỉnh ta thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Đây là phương pháp tiếp cận mới, tiến bộ và có tính nhân văn, tác động toàn diện hơn đến người nghèo, nhằm hạn chế việc bỏ sót các đối tượng. Trên cơ sở đó, các cấp chính quyền xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, chương trình, chính sách an sinh xã hội, kinh tế, giảm nghèo sát với tình hình thực tế của địa phương và mang lại hiệu quả cao.
 
Theo ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), từ ngày 5-1-2016, Quyết định 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 chính thức có hiệu lực. Thay vì xem xét nghèo thu nhập, những ai không được khám, chữa bệnh, không được đến trường, không được tiếp cận thông tin… cũng được xác định là nghèo.
 
Tiêu chí đo lường nghèo được xây dựng dựa trên cơ sở các tiêu chí về thu nhập, bao gồm: chuẩn mức sống tối thiểu về thu nhập, chuẩn nghèo về thu nhập; mức độ thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo 10 chỉ số (tiếp cận dịch vụ y tế, BHYT, trình độ giáo dục người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông và tài sản phục vụ tiếp cận thông tin). 
 
Kết quả rà soát cuối năm 2018 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, toàn tỉnh có 17.298 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 6,98%), 23.392 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 9,45%). Trong đó, hộ nghèo thiếu hụt thu nhập gần 15.850 hộ và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trên 6.000 hộ.
 
Có thể nói, việc xác định mức độ thiếu hụt thông qua phương pháp tiếp cận đa chiều góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ; đồng thời, là cơ sở để các sở, ban, ngành tham mưu cho tỉnh ban hành các giải pháp, chính sách, lộ trình để cải thiện, nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận của người dân về các dịch vụ xã hội cơ bản theo lĩnh vực, địa bàn, bảo đảm sử dụng nguồn lực dành cho giảm nghèo hợp lý, tập trung và hiệu quả.
Xác định mức độ thiếu hụt thông qua phương pháp tiếp cận đa chiều góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ cho người nghèo
Xác định mức độ thiếu hụt thông qua phương pháp tiếp cận đa chiều góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ cho người nghèo.
Qua thực tế trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết đội ngũ cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở sau khi được triển khai chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều đều cho rằng, cách làm mới có nhiều ưu điểm.
 
Ông Nguyễn Hữu Đắc, Trưởng phòng LĐ-TB và XH TP. Đồng Hới cho biết, tính phù hợp các chiều, các chỉ số đo lường và các ngưỡng thiếu hụt cơ bản phù hợp với thực tiễn kinh tế-xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Riêng các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản và ngưỡng thiếu hụt đã được thiết kế cụ thể, dễ hiểu và dễ thực hiện. Vì vậy, các địa phương khi triển khai áp dụng có nhiều thuận lợi trong công tác thu thập thông tin và tính điểm.
 
Đơn cử, hiện TP. Đồng Hới có tổng số 211 hộ nghèo, với 39 hộ thiếu hụt thu nhập và 172 hộ hộ thiếu hụt đa chiều theo 10 chỉ số tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đáng chú ý, hộ nghèo thiếu hụt BHYT cao với 186 hộ (chiếm 88,2%), 127 hộ thiếu nhà tiêu hợp vệ sinh (chiếm 60,2%) và 96 hộ nghèo thiếu hụt chất lượng nhà ở (chiếm 45,5%)…
 
Từ kết quả phân tích hộ nghèo theo mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội, TP. Đồng Hới tập trung triển khai chính sách, như: vay vốn tín dụng ưu đãi, BHYT và hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng một cách thiết thực.
 
Sự việc một số cán bộ lãnh đạo xã Hoàn Trạch (Bố Trạch) đương nhiệm "ghép thân" vào các hộ nghèo để được hưởng các chính sách ưu tiên của Nhà nước xảy ra trong giai đoạn 2011-2013 là một bài học lớn về tính minh bạch, sự thiếu trung thực trong công tác kê khai, rà soát để công nhận hộ nghèo.
 
Bởi vậy, ông Phạm Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân (Quảng Trạch) bày tỏ, về cơ bản việc áp dụng chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều đã đem lại những hiệu quả cao hơn so với giai đoạn trước và khắc phục những nhược điểm của việc áp dụng chuẩn nghèo thu nhập trước đây.
 
Minh chứng rõ nét, ở giai đoạn trước rất khó xác định chính xác, đầy đủ các khoản chi tiêu và thu nhập của các hộ do giấu thu nhập hoặc không cung cấp đủ thông tin thu nhập. Hay kết quả xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo còn bị chi phối bởi các yếu tố thân quen, dòng họ trong cộng đồng dân cư… dẫn đến xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo không thật sự chính xác, không công bằng, khách quan giữa các hộ dân.
 
Khi chuyển sang áp dụng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều đã giúp cho việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo rõ ràng, công bằng, minh bạch hơn. Mặt khác, việc đánh giá được định lượng bằng các điểm số cụ thể nên giúp công tác rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương dễ dàng và chính xác.
 
Rõ ràng, việc kết hợp giữa xác định thu nhập của hộ gia đình thông qua đánh giá các đặc điểm về nhân lực, tài sản và xem xét mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đã phản ánh, rà soát hộ nghèo một cách toàn diện.
 
Đặc biệt, quá trình triển khai áp dụng phương pháp tiếp cận đa chiều tại cơ sở đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Đây còn là cơ sở để bảo đảm những chính sách ưu đãi của Nhà nước được đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần giảm nghèo hiệu quả và bền vững hơn.
 
“Tại tỉnh ta, sau gần 3 năm tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều đã bảo đảm được tính minh bạch, chính xác và không phát sinh các khó khăn, vướng mắc lớn…”, Phó giám đốc Sở LĐ-TB và XH Trịnh Đình Dương khẳng định.
Thùy Lâm
,