.
Chuyện quản lý:

Không chỉ là chuyện con trẻ...

.
09:06, Thứ Ba, 28/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao và bức xúc trước việc một nhóm nữ sinh của Trường THPT Kỹ Thuật Lệ Thủy đánh em L.T.L., nữ sinh lớp 10 (Trường THPT Nguyễn Chí Thanh) bị thương.

Theo như lời của em L, trước đó, giữa em và nhóm nữ sinh trong trên không hề xảy ra xích mích, mâu thuẫn gì. Việc L bị đánh là vì em không đồng ý cho nhóm nữ sinh này đánh người bạn đi cùng với mình.

Trước đó, dư luận chắc vẫn chưa quên, khoảng cuối tháng 3-2019, tại Hưng Yên, cũng xảy ra vụ việc một học sinh nữ lớp 9 đã bị một nhóm học sinh nữ cùng lớp đánh “hội đồng” dẫn đến bị thương, ngay chính trong lớp học. Vụ việc này chưa kịp chìm xuống, thì ở ngay trên địa bàn tỉnh ta lại xuất hiện vụ việc nói trên. Câu chuyện một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường.

Điều đáng báo động hơn nữa là xu hướng bạo lực trong học đường đang tăng lên cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng. Theo thống kê của ngành Công an, chỉ trong quý I-2019, trên cả nước có 310 vụ bạo lực học đường, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT. Còn thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm, cả nước có hơn 2.000 vụ bạo lực học đường.

Lý giải về nguyên nhân vì sao lại xảy ra tình trạng nói trên? Có ý kiến cho rằng, đó là do những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội; do giáo dục (giáo dục nhà trường); lại có ý kiến cho rằng do gia đình buông lỏng giáo dục và quản lý con em mình...

Dẫu vì bất cứ nguyên nhân gì, người lớn phải nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quản lý, giáo dục. Bởi, suy cho cùng, để xảy ra những sự việc nêu trên, lỗi không hoàn toàn thuộc về các em (không chỉ các em bị đánh đập, những học sinh gây bạo lực), mà còn thuộc về trách nhiệm của những người trực tiếp quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Bởi nơi nuôi dưỡng, hun đúc nên tính cách, nhân cách của một con người chính là gia đình, nhà trường và xã hội.

Rồi đây, hành vi của những học sinh gây bạo lực này sẽ bị xử lý, tùy theo tính chất, mức độ. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không chỉ dừng lại ở việc phải xử lý các học sinh gây ra bạo lực, mà câu chuyện đặt ra là việc giáo dục, quản lý các em như thế nào? Những người gánh trọng trách quản lý xã hội, quản lý giáo dục và chính những bậc phụ huynh nhìn nhận như thế nào về tình trạng nói trên?

Bởi, nếu những mầm móng bạo lực, những vụ bạo lực không được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa, điều chỉnh hành vi từ sớm, thì về lâu dài nó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, tính cách, lối sống, ứng xử và sự trưởng thành của các em trong tương lai. Một lần nữa, câu chuyện kết hợp đồng bộ giữa “giáo dục gia đình”, “giáo dục nhà trường” và “giáo dục trong xã hội” cần phải khẩn thiết được nhìn nhận, đánh giá lại đúng thực chất và thực hiện một cách nghiêm túc.

Dương Công Hợp

,