.

Sẵn sàng cho cuộc tổng điều tra

.
13:22, Thứ Sáu, 22/03/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Ngày 26-6, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 772/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên phạm vi cả nước, bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-4-2019. Đây là cuộc tổng điều tra (TĐT) có quy mô lớn, được thực hiện 10 năm một lần nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở. Để tìm hiểu rõ hơn những nội dung liên quan đến cuộc TĐT này, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Quốc Lợi, Cục trưởng Cục Thống kê, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) TĐT dân số và nhà ở tỉnh năm 2019.
 
* P.V: Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa, nội dung của cuộc TĐT dân số và nhà ở năm 2019?
 
* Ông Trần Quốc Lợi: TĐT dân số và nhà ở năm 2019 thu thập các thông tin cơ bản về dân số và nhà ở nhằm đáp ứng 5 mục đích chính sau: tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu về dân số, nhà ở phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo tình hình phát triển dân số, nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương; đáp ứng nhu cầu thông tin về dân số, nhà ở phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030; phục vụ công tác giám sát thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết; cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia về dân số và xây dựng dàn mẫu chủ phục vụ các cuộc điều tra hộ dân cư.
 
TĐT dân số và nhà ở năm 2019 có ý nghĩa rất lớn. Nhiều số liệu dân số, nhà ở quan trọng sẽ được thống kê chính xác để phục vụ việc đánh giá toàn diện thực trạng, xu hướng phát triển dân số, nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương; cho phép các cấp chính quyền nhìn thấy được bức tranh tổng quát về dân số và nhà ở, làm cơ sở cho công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo tình hình phát triển dân số, nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương.
 
Nội dụng điều tra theo 4 nhóm thông tin: thông tin về dân số; thông tin về lịch sử sinh của phụ nữ vị thành niên từ 10-14 tuổi và phụ nữ từ 15-49 tuổi; thông tin về người chết; thông tin về nhà ở của hộ.
Tập huấn nghiệp vụ và sử dụng công nghệ thông tin trong tổng điều tra dân số, nhà ở năm 2019.
Tập huấn nghiệp vụ và sử dụng công nghệ thông tin trong tổng điều tra dân số, nhà ở năm 2019.
Theo đó, thông tin về dân số, gồm: họ và tên, giới tính, tuổi; mối quan hệ với chủ hộ; dân tộc và tôn giáo; tình hình đi học hiện nay; trình độ học vấn và trình độ nghề, kỹ năng nghề; tình trạng biết đọc và biết viết; tình trạng hôn nhân; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình trạng di cư và lý do di cư; tình trạng khuyết tật; tuổi kết hôn lần đầu; tình trạng lao động việc làm.
 
Thông tin về lịch sử sinh của phụ nữ vị thành niên từ 10-14 tuổi và phụ nữ từ 15-49 tuổi, gồm: tình hình sinh con; số con đã sinh, số con còn sống và số con đã chết; tháng, năm sinh và số con trai, số con gái của lần sinh gần nhất; hỗ trợ của cán bộ y tế trong lần sinh con gần nhất.
 
Thông tin về người chết, gồm: cá nhân của người chết là thành viên hộ; nguyên nhân chết, chết do thai sản.
 
Thông tin về nhà ở của hộ, gồm: tình trạng nhà ở hiện tại; quy mô diện tích nhà ở; kết cấu nhà và loại vật liệu xây dựng chính; năm đưa vào sử dụng; tình trạng sử hữu nhà ở; loại năng lượng chính để thắp sáng và nấu ăn; nguồn nước chính sử dụng để ăn uống; loại nhà vệ sinh đang sử dụng và một số tiện nghi sinh hoạt cơ bản của hộ.
 
* P.V: Thưa ông, TĐT sẽ sử dụng phương pháp nào để tiến hành thu thập thông tin?
 
* Ông Trần Quốc Lợi: TĐT sử dụng hai phương pháp để thu thập thông tin, gồm: phỏng vấn trực tiếp và hộ tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của TĐT.
 
Phương pháp phỏng vấn trực tiếp: điều tra viên đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh (gọi là phiếu điều tra CAPI); trường hợp bất khả kháng đối với số ít địa bàn điều tra không thể ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập số liệu thì điều tra viên sử dụng phiếu giấy để ghi chép thông tin (gọi là phiếu điều tra PAPI).
 
Hộ tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của TĐT (gọi là phiếu trực tuyến hay là Webfrom): hộ được cấp tài khoản, mật khẩu để đăng nhập và tự cung cấp thông tin vào phiếu điều tra trên Trang thông tin điện tử TĐT.
 
* P.V: Ông có thể cho biết công việc chuẩn bị cho TĐT ở tỉnh ta đến thời điểm này được thực hiện như thế nào? Có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
 
* Ông Trần Quốc Lợi: Thời gian qua, tỉnh ta đã bắt tay vào công việc chuẩn bị cho cuộc TĐT. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành các công việc sau: thành lập BCĐ và văn phòng giúp việc BCĐ từ cấp tỉnh đến cấp xã; công tác vẽ sơ đồ nền của 159 xã, phường, thị trấn và phân chia địa bàn điều tra; tập huấn công tác quản lý, lập bảng kê hộ; tập huấn nghiệp vụ và sử dụng công nghệ thông tin trong TĐT.
 
Để phục vụ cho cuộc TĐT, toàn tỉnh đã tuyển chọn trên 1.100 điều tra viên và 160 tổ trưởng (chưa kể lực lượng giám sát viên cấp tỉnh và cấp huyện là các thành viên thuộc Văn phòng giúp việc BCĐ tỉnh và cấp huyện).
 
TĐT dân số và nhà ở là cuộc TĐT có khối lượng công việc rất lớn, liên quan đến các cấp, ngành và mỗi người dân, vì vậy cũng có một số thuận lợi nhất định. Đó là lãnh đạo Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cấp huyện, xã đều rất quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, hoàn thành đồng bộ từng khâu công việc ở tất cả các địa bàn điều tra; đồng thời có kế hoạch triển khai cụ thể ở từng địa phương để bảo đảm sự thành công của cuộc TĐT trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Tuy nhiên, TĐT dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc TĐT đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn, từ khâu chuẩn bị xây dựng mạng lưới, đến thu thập thông tin, kiểm tra, nghiệm thu số liệu, xử lý số liệu và cuối cùng là công bố kết quả.
 
Đây là thách thức không nhỏ đối với các cấp chính quyền và BCĐ TĐT các cấp. Mặt khác, hiện chương trình điều tra CAPI chưa hoàn thiện, vẫn còn tồn tại một số lỗi cần khắc phục nên có thể ảnh hưởng đến công tác điều tra.
 
Ngoài ra, điều tra viên lo ngại khi sử dụng thiết bị di động đi điều tra tại địa bàn có thể gặp một số rủi ro, như: bị mất máy, máy hỏng, bị cướp giật... dẫn tới mất dữ liệu sau khi đã thực hiện xong điều tra. Hay một số địa bàn miền núi đi lại khó khăn, không có sóng di động gây ảnh hưởng đến việc điều tra bằng phiều điều tra CAPI...
 
Có thể nói, các bước chuẩn bị cho cuộc TĐT trên địa bàn tỉnh đã được triển khai nghiêm túc, theo đúng phương án của BCĐ Trung ương và kế hoạch của BCĐ tỉnh đề ra. Với sự chuẩn bị chu đáo như trên, tin rằng cuộc TĐT dân số và nhà ở năm 2019 sẽ thành công tốt đẹp.
 
* P.V: Xin cảm ơn ông!
 
 Ngọc Lưu (thực hiện)
,