.

Quảng Trạch: Tạo đột phá trong xuất khẩu lao động

.
09:07, Chủ Nhật, 10/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là động lực quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững và thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển..., những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các địa phương ở huyện Quảng Trạch đã vào cuộc rất tích cực, tạo nhiều đột phá trong công tác XKLĐ.

Thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Trước đây, hộ bà Hoàng Thị Phước, thôn Trung Minh thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Quảng Châu. Nhà chỉ có vài sào ruộng, chồng mất sớm, một mình phải gồng gánh nuôi 4 đứa con nên gia đình bà Phước nhiều năm thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Vì nghèo, toàn bộ các con của bà Phước đều học xong cấp 3 là nghỉ học để kiếm kế sinh nhai.

Với số tiền có được từ XKLĐ, anh Đàm Minh Hiền gửi về cho mẹ Hoàng Thị Phước (thôn Trung Minh, xã Quảng Châu) xây dựng ngôi biêt thự tiền tỷ. 	Tải
Với số tiền có được từ XKLĐ, anh Đàm Minh Hiền gửi về cho mẹ Hoàng Thị Phước (thôn Trung Minh, xã Quảng Châu) xây dựng ngôi biêt thự tiền tỷ.

Tuy nhiên, do cơ hội việc làm ở địa phương không nhiều, Đàm Quang Tính (con trai đầu của bà Phước) quyết định vào tận miền Nam làm thuê. Khác với người anh cả, sau khi học xong cấp 3, Đàm Minh Hiền (con trai thứ 3) lấy vợ rồi táo bạo bàn với mẹ thế chấp toàn bộ tài sản để hai vợ chồng cùng tham gia XKLĐ ở Đài Loan. Tài sản gia đình thế chấp không đủ, Hiền nhờ mẹ vay mượn thêm...

Bà Phước tâm sự: "Nhờ chí thú làm ăn và khéo tiết kiệm, chỉ hơn một năm sau, hai vợ chồng Hiền đã trả hết tiền vay ngân hàng. Không những thế, vợ chồng Hiền còn tạo điều kiện giúp cho vợ chồng anh trai Đàm Đức Hạnh (con thứ 2) và vợ chồng Đàm Thái Hòa (em út) cùng sang lao động ở Đài Loan.

Từ nghèo khó, nhờ tham gia XKLĐ, hiện nay, các con tôi đều tự tay xây dựng hoặc mua nhà, đất ở trị giá tiền tỷ ngay tại quê hương. Các con tâm sự, khi nào mỗi đứa tích góp được thêm dăm ba tỷ đồng thì mới đưa toàn bộ gia đình trở về quê hương đầu tư làm ăn.

Để tỏ lòng biết ơn người thân và bà con thôn xóm giúp đỡ mình lúc khó khăn, các con còn hỗ trợ, giúp đỡ khoảng 20 người thân trong xã tham gia XKLĐ hợp pháp tại Đài Loan với mức thu nhập hàng tháng từ 15 đến 30 triệu đồng".

Gia đình bà Phước là một minh chứng điển hình cho hàng trăm trường hợp ở huyện Quảng Trạch nhờ tham gia XKLĐ mà trở nên khá giả trong những năm gần đây. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thị trường XKLĐ được người dân Quảng Trạch ưa chuộng là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Đức, Nga, Lào... Mức thu nhập bình quân hiện đạt từ 15 đến 40 triệu đồng/người/tháng, thậm chí có một số lao động có thu nhập từ 80 triệu đồng/tháng trở lên.

Xuất khẩu lao động đang tăng trưởng mạnh

Dẫn chúng tôi đi xem những ngôi biệt thự tiền tỷ được xây dựng từ những đồng vốn XKLĐ ở xã Quảng Châu, ông Đàm Quang Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Châu phấn khởi cho hay: "Vốn là xã thuần nông, nhưng năm 2018, xã Quảng Châu vẫn quyết tâm đặt mục tiêu đưa 27 trường hợp đi XKLĐ.

Nhưng kết quả thật bất ngờ, trong năm, toàn xã có tới 112 trường hợp tham gia XKLĐ, nâng tổng số người đi lao động ở nước ngoài đến thời điểm này là hơn 350 người. Số tiền hàng tháng được người dân XKLĐ gửi về cho địa phương là không hề nhỏ, người ít thì khoảng 15 triệu/tháng, người nhiều hơn 40 triệu đồng/tháng".

Không chỉ xã Quảng Châu, những năm gần đây, xã Quảng Thạch đã có sự tăng trưởng "đột biến" trong công tác XKLĐ. Ông Phan Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch cho biết: "Chỉ tính riêng năm 2018, toàn xã có 142 người đi làm việc ở nước ngoài (tăng 130% kế hoạch đặt ra), nâng tổng số người tham gia XKLĐ toàn xã đến nay lên gần 200 người. Thị trường XKLĐ mà con em trong xã tham gia chủ yếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Lào.

Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2019, xã Quảng Thạch có trên 10 trường hợp đi làm việc tại nước ngoài (kế hoạch năm 2019 là 50 người). Rất nhiều trường hợp nhờ tham gia XKLĐ mà xây được biệt thự tiền tỷ ngay tại địa phương. Để có được thành quả này, thời gian qua, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm giúp người dân nắm bắt thông tin chính xác, tham gia vào các lớp đào tạo nghề, vay vốn... để từ đó XKLĐ thành công".

Anh Trịnh Văn Thắng, Phó Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB và XH) huyện Quảng Trạch cho biết: "Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, từ năm 2006 đến nay, huyện Quảng Trạch đã đào tạo nghề và giải quyết công ăn việc làm khá ổn định cho hàng ngàn lao động mỗi năm. Đối với công tác XKLĐ, trong năm 2016, toàn huyện đã đưa 465 trường hợp (chỉ tiêu đề ra 280 người) đi làm việc tại nước ngoài.

Đến hết năm 2017, toàn huyện tiếp tục tạo điều kiện cho 482 trường hợp (chỉ tiêu đề ra 300 người) tham gia XKLĐ. Đặc biệt, đến cuối tháng 10 năm 2018, toàn huyện có 659 người đi XKLĐ, đạt 164,75% kế hoạch đề ra trong năm.

Có thể khẳng định, người lao động đi làm việc tại nước ngoài không chỉ giúp cuộc sống của gia đình thoát nghèo, trở nên khá giả mà còn góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2018 xuống còn 7,01% (giảm 2,11% so với năm 2017)".

Với số tiền có được từ XKLĐ, anh Đàm Minh Hiền gửi về cho mẹ Hoàng Thị Phước (thôn Trung Minh, xã Quảng Châu) xây dựng ngôi biêt thự tiền tỷ.
Với số tiền có được từ XKLĐ, anh Đàm Minh Hiền gửi về cho mẹ Hoàng Thị Phước (thôn Trung Minh, xã Quảng Châu) xây dựng ngôi biêt thự tiền tỷ.

Theo bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng LĐTB và XH huyện Quảng Trạch, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác XKLD, tại một số xã ở huyện vẫn còn tình trạng không theo dõi, quản lý chặt chẽ các lao động đã tham gia xuất cảnh và trở về nước. Một số địa phương chưa thực sự nắm chắc về tình hình tuyển dụng và quản lý lao động trên địa bàn...

Thực tế đến thời điểm này, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Quảng Trạch chưa phát hiện trường hợp lừa đảo XKLĐ hoặc lao động tự phá bỏ hợp đồng tùy tiện.Tuy nhiên, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và nắm bắt được tình trạng tuyển "lậu" trong XKLĐ dẫn đến thất thoát tiền của, lòng tin của người dân diễn ra tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, Phòng LĐTB và XH huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn kịp thời ban hành hành các văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo sâu sát. Bên cạnh đó, Quảng Trạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền về XKLĐ bằng nhiều hình thức, như: thông qua hệ thống loa phát thanh của xã, các buổi họp thôn, xóm...

Đặc biệt, nhằm phát huy hiệu quả công tác XKLĐ, huyện Quảng Trạch còn chỉ đạo các địa phương quan tâm hướng dẫn, tuyên truyền người thân của đối tượng tham gia XKLĐ cần sử dụng nguồn tiền gửi về từ nước ngoài thật hợp lý, hiệu quả; tạo cơ chế chính sách thích hợp để người XKLĐ khi hết thời hạn trở về có điều kiện mở mang ngành nghề, đầu tư sản xuất hiệu quả...

Văn Minh


 

,