.

Khó khăn trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

.
11:08, Thứ Bảy, 30/03/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên trong chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Vì vậy, thời gian qua, Quảng Bình đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách về giảm nghèo và có những tác động tích cực đến đời sống, kinh tế các hộ nghèo, giúp họ tiếp cận thuận tiện hơn với các chính sách trợ giúp của Nhà nước. Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức…
 
Theo kết quả rà soát của Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh vào đầu năm 2019 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020), toàn tỉnh đã giảm 2,5% hộ nghèo (từ 9,48% đầu năm 2018 xuống còn 6,98% đầu năm 2019 và 2,58% hộ cận nghèo (từ 12% đầu năm 2018 xuống còn 9,45% đầu năm 2019).
 
Qua đó cho thấy, số hộ nghèo, cận nghèo trên toàn tỉnh còn rất lớn nên công tác giảm nghèo là việc không thể thực hiện một sớm một chiều, nhất là với tỉnh còn nhiều khó khăn. Điều đáng lưu ý, tỷ lệ hộ nghèo cao chủ yếu tập trung tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Rõ nét hơn, hiện nay, tỉnh ta có hộ nghèo thuộc dân tộc thiểu số là 4.290 hộ (chiếm 24,79% tổng số hộ nghèo); các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao là Tuyên Hóa với trên 3.500 hộ nghèo và 4.400 hộ cận nghèo; huyện Minh Hóa trên 3.330 hộ nghèo và 5.470 hộ cận nghèo. Trong khi đó, việc thay đổi suy nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số hết sức khó khăn.
Công tác rà soát, xác định nguyên nhân hộ nghèo chuẩn xác sẽ góp phần xây dựng kế hoạch giảm nghèo phù hợp.
Công tác rà soát, xác định nguyên nhân hộ nghèo chuẩn xác sẽ góp phần xây dựng kế hoạch giảm nghèo phù hợp.
Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm qua các năm nhưng không bền vững và nguy cơ tái nghèo cao, số hộ cận nghèo còn nhiều. Cụ thể, trong năm 2018, toàn tỉnh có khoảng 7.340 hộ thoát nghèo nhưng trên 1.400 hộ tái nghèo và phát sinh nghèo; khoảng 12.200 hộ thoát cận nghèo nhưng trên 6.100 hộ tái cận nghèo và phát sinh cận nghèo, trong đó tập trung chủ yếu ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và những nơi thường xuyên hứng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt.
 
Vì vậy, vấn đề đặt ra là trong bối cảnh hiện nay, để đạt hiệu quả trong công tác giảm nghèo, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với chiến lược bài bản và dài hạn.
 
Mặt khác, theo ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, phân loại hộ nghèo theo nhóm đối tượng thì hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội còn cao với gần 6.100 hộ (chiếm 35,2% tổng số hộ nghèo).
 
Phần lớn họ nằm trong các đối tượng yếu thế, như: hộ có nhiều người khuyết tật, già cả, neo đơn, ốm đau dài ngày... không có khả năng lao động nên việc tác động các giải pháp giảm nghèo cho những hộ này là không khả thi. Vì vậy, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội sẽ ngày càng khó khăn.
 
Theo ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, thông qua các chương trình kiểm tra, giám sát tại các địa phương thấy rằng, nhận thức của người dân về giảm nghèo chưa đầy đủ. Một bộ phận người dân vẫn tồn tại tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ và chính sách đãi ngộ của Nhà nước hơn là chủ động tìm cách thoát nghèo.
 
Do đó, công tác triển khai thực hiện một số chính sách giảm nghèo ở các địa phương chưa phát huy hiệu quả. Minh chứng, toàn tỉnh có 17.298 hộ nghèo, trong đó, trên 3.300 hộ thiếu vốn sản xuất, hơn 3.000 hộ thiếu đất canh tác, 2.680 hộ thiếu phương tiện sản xuất, gần 2.000 hộ có lao động nhưng không có việc làm, khoảng 2.500 hộ không biết cách làm ăn, không có tay nghề…
 
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, hạn chế nhất trong công tác giảm nghèo hiện nay là kế hoạch thực hiện của cấp huyện, xã còn chung chung, chưa sát với thực tế và chưa có giải pháp đối với từng đối tượng cụ thể nên chưa xác định được nội dung trọng tâm trong quá trình thực hiện.
 
Đơn cử, để phát huy nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, giảm nghèo bền vững thì trước hết các địa phương phải xác định được hộ nghèo vì nguyên nhân gì, như: nghèo thu nhập, nghèo thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản… từ đó mới thiết kế được những giải pháp phù hợp.
 
Nhưng nhìn nhận thực tế, việc đánh giá, xác định nguyên nhân nghèo trong phiếu điều tra, rà soát của địa phương còn thiếu chuẩn xác, nên chưa phản ánh đúng nguyên nhân, thực trạng nghèo của các hộ, dẫn đến việc xây dựng và áp dụng các giải pháp tác động hỗ trợ giảm nghèo chưa phù hợp, hiệu quả mang lại không cao. Thêm vào đó, các địa phương chưa chú trọng đến hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
 
Ngoài ra, theo phản ánh của các địa phương, việc ban hành văn bản hướng dẫn về thực hiện các chương trình, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện công tác giảm nghèo tại cấp cơ sở; nguồn vốn đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn còn hạn chế, công tác lồng ghép nguồn lực thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao, thiếu bền vững, trong khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, huyện còn ít. Điều này kéo theo việc chậm triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội…
 
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2019, mục tiêu cụ thể của tỉnh là giảm 2% hộ nghèo và 3% hộ cận nghèo, trong đó các địa phương phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 2% có Quảng Ninh (2,3%), Tuyên Hóa (4,4%) và Minh Hóa (7,3%). Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh ta đang tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm: sản xuất, dạy nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, cận nghèo; về y tế; về giáo dục; hỗ trợ nhà ở; trợ giúp pháp lý; văn hóa thông tin…
 
Cùng với đó là các dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, như: 30a, 135, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo… Song song, các địa phương cần tập trung khắc phục triệt để những tồn tại và bất cập nhằm góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững.
 
Thùy Lâm
,