.

Ghi nhận tại Trung tâm Điều dưỡng luân phiên người có công

.
08:31, Thứ Bảy, 16/03/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Trung tâm Điều dưỡng luân phiên người có công tỉnh được thành lập cuối năm 2008. Qua hơn một thập kỷ xây dựng và phát triển, trung tâm đã lớn mạnh về mọi mặt và từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình. Đặc biệt, thời gian qua, đơn vị đã được đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng hiện đại và đội ngũ cán bộ, viên chức được tăng cường. Nhờ đó, công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho đối tượng thương, bệnh binh, người có công trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, góp phần thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với thế hệ cha anh.
 
Chúng tôi đến Trung tâm Điều dưỡng luân phiên người có công vào những ngày giữa tháng 3, khi đơn vị đang triển khai đón đợt điều dưỡng đầu tiên của năm 2019. Không khí ở đây luôn tràn ngập tiếng nói cười của những thương, bệnh binh, người có công.
 
Ông Cao Xuân Thống (75 tuổi), thương binh hạng 4/4, ở thôn 1 Cù Lạc, xã Sơn Trạch (Bố Trạch), chia sẻ: “Đây là lần thứ 5 tôi được đi điều dưỡng ở trung tâm. Ở đây, chúng tôi vừa được nghỉ ngơi, chăm sóc, bồi dưỡng lại vừa có thời gian gặp lại đồng đội, đồng chí để chuyện trò, chia sẻ những vui, buồn trong cuộc sống. Tôi cũng như các đồng đội của mình đều rất phấn khởi và hài lòng...”.
 
Ông Đặng Đình Trọng (78 tuổi), thương binh 2/4, hiện ở thôn Mỹ Đức, xã Sơn Thủy (Lệ Thủy) vui vẻ cho biết: “Vào trung tâm, chúng tôi cảm nhận được không khí thân mật, ấm cúng như gia đình và sự chăm sóc tận tình, chu đáo của các cán bộ, nhân viên nơi đây...”.

Đây có lẽ không chỉ là cảm nhận riêng của ông Thống và ông Trọng mà cũng chính là cảm nhận chung của gần 120 thương, bệnh binh, người có công của huyện Bố Trạch, Lệ Thủy hiện đang điều dưỡng đợt 1 tại trung tâm.

Đối tượng thương, bệnh binh, người có công được chăm sóc, theo dõi sức khỏe khi vào điều dưỡng tại trung tâm.
Đối tượng thương, bệnh binh, người có công được chăm sóc, theo dõi sức khỏe khi vào điều dưỡng tại trung tâm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng luân phiên người có công cho biết, đối tượng người có công đã chịu nhiều thiệt thòi, nên khi tham gia điều dưỡng cần được nghỉ ngơi, chăm sóc.

Vì vậy, tất cả các đợt điều dưỡng được trung tâm triển khai nghiêm túc, đầy đủ, đúng tiêu chuẩn chế độ điều dưỡng (mỗi kỳ nghỉ có 6 ngày) và hoạt động điều dưỡng cũng được đổi mới phong phú, đúng quy trình. Công tác chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần cho thương, bệnh binh, người có công được đơn vị quan tâm và nâng cao chất lượng.

Mọi người khi đến đây đều có ấn tượng tốt đẹp và cảm nhận được sự quan tâm của Nhà nước đối với những người đã có nhiều đóng góp, cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do để có được cuộc sống hòa bình như hôm nay.

Để người có công với cách mạng sau đợt điều dưỡng được cải thiện về tinh thần và thể chất, trung tâm đã từng bước hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ nhằm bảo đảm tốt nhất công tác chăm sóc sức khoẻ cho thương, bệnh binh và người có công. Từ công suất hoạt động 40 giường ban đầu, đến nay, trung tâm đã nâng lên quy mô 120 giường.
 
Hiện, ngoài việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe phục vụ 24/24 giờ cho đối tượng, nhân viên y tế tại trung tâm đã thực hiện các bài tập nâng cao sức khỏe, kết hợp với các máy móc thiết bị vật lý trị liệu phục hồi chức năng hiện đại, góp phần phục hồi sức khỏe, giúp cho người có công cảm thoải mái tinh thần, vui vẻ, phấn khởi hơn sau mỗi đợt điều dưỡng, như: ghế massage toàn thân, máy massage chân, máy rung chân, giường massage kích thích phức hợp cá nhân, xe đạp tập thể lực, dụng cụ tập thể dục ngoài trời, bể tắm sục khí massage bằng hệ thống nước đẩy hai chiều, phòng xông đá muối Himalaya…
 
Thực tế, đa số đối tượng người có công đến điều dưỡng đều đã lớn tuổi, sức khỏe yếu, trong cơ thể mang nhiều vết thương của chiến tranh để lại. Vì vậy, ngoài công tác đón tiếp, chăm sóc, phục vụ với thái độ niềm nở, ân cần, chu đáo, trung tâm còn chú trọng xây dựng thực đơn với nhiều món ăn phong phú, đa dạng, thường xuyên thay đổi các món ăn phù hợp với khẩu vị vùng miền nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, số lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, trung tâm còn tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để đối tượng rèn luyện sức khỏe, tạo không khí vui tươi, gần gũi giữa đối tượng người có công về điều dưỡng với cán bộ, nhân viên trung tâm.

Trung tâm Điều dưỡng luân phiên người có công đầu tư máy móc thiết bị vật lý trị liệu phục hồi chức năng hiện đại để phục vụ các đối tượng ngày một tốt hơn.
Trung tâm Điều dưỡng luân phiên người có công đầu tư máy móc thiết bị vật lý trị liệu phục hồi chức năng hiện đại để phục vụ các đối tượng ngày một tốt hơn.

Đặc biệt, ngoài đẩy mạnh công tác chuyên môn, trung tâm còn lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động về nguồn thiết thực, ý nghĩa, như: tổ chức thăm viếng, dâng hương tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị, tượng đài Mẹ Suốt, xem phim tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Cùng với việc nâng cao chất lượng điều dưỡng cho người có công, trung tâm luôn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp trong khuôn viên. Từng khu sinh hoạt, gồm: nhà bếp, phòng ăn, khu vệ sinh, phòng sinh hoạt chung, phòng điều dưỡng, phòng nghỉ... đều được bố trí khoa học, duy trì sạch sẽ và ngăn nắp.

Theo thống kê, trong năm 2018, trung tâm đã thực hiện được 27 đợt điều dưỡng với gần 2.300 đối tượng người có công trong tỉnh tham gia. Trong đó, huyện Minh Hóa 98 đối tượng, Tuyên Hóa 197 đối tượng, Quảng Trạch 371 đối tượng, TX. Ba Đồn 278 đối tượng, Bố Trạch 465 đối tượng, Đồng Hới 210 đối tượng, Quảng Ninh 295 đối tượng và huyện Lệ Thủy 359 đối tượng. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp tổ chức 6 đợt điều dưỡng cho gần 600 người có công ở các tỉnh bạn, như: Kon Tum, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam…
 
Theo ông Phạm Ngọc Sơn, kết quả đạt được là nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể cán bộ, đảng viên và người lao động trong đơn vị. Đội ngũ cán bộ, nhân viên thường xuyên tự rèn luyện về chuẩn mực đạo đức, lối sống, trong ứng xử, giao tiếp nhằm hoàn thiện bản thân và phục vụ chu đáo, tận tình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho đối tượng trong quá trình điều dưỡng.
 
Đồng thời, khi đón tiếp các đoàn về điều dưỡng, trung tâm đều lên kế hoạch các hoạt động theo ngày cụ thể, hợp lý để thương, bệnh binh, người có công cảm thấy gần gũi, thoải mái và được chia sẻ.
 
Chính nhờ đó, công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người có công tại trung tâm luôn được đánh giá cao về mọi mặt, từ cơ sở vật chất đến tinh thần, thái độ phục vụ và chất lượng điều dưỡng. Đơn vị đã vinh dự 5 năm liên tục (2014-2018) được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”…
 
Có thể nói, hoạt động của Trung tâm Điều dưỡng luân phiên người có công đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm, tấm lòng tri ân đối với các gia đình liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Từ những kết quả đạt được, đơn vị đã góp phần cùng với các ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa.
 
Thùy Lâm
,