.
Chuyện quản lý:

"Rừng vàng", ai quản?

.
08:33, Thứ Bảy, 16/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Hẳn chúng ta còn nhớ gần 7 năm trước, trên các phương tiện truyền thông đại chúng tràn ngập thông tin về những diễn biến xung quanh vụ 3 cây gỗ huê ở vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) bị lâm tặc đốn hạ, vận chuyển ra cửa rừng hàng chục mét khối gỗ để tiêu thụ, gây nên tình trạng “tranh mua, tranh bán” ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Và, cuối cùng những cá nhân có liên quan đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có hai vị lãnh đạo của VQG PN-KB và 14 cán bộ thuộc Hạt Kiểm lâm PN-KB vì đã có sai phạm.

Mới đây, lại thêm một vụ phá rừng ở vùng lõi VQG PN-KB gây chấn động dư luận trong và ngoài tỉnh. Đó là lâm tặc như có phép “tàng hình” thoải mái vào ra trên tuyến đường độc đạo, vượt qua 4 trạm kiểm soát lâm sản để tự do chặt hạ hơn 70m3 gỗ, trong đó có gần 46m3 gỗ mun quý hiếm, đồng thời vận chuyển trót lọt một số gỗ về xuôi.    

Một góc gỗ mun quý hiếm bị lâm tặc đốn hạ ở vùng lõi VQG PN-KB.
Một góc gỗ mun quý hiếm bị lâm tặc đốn hạ ở vùng lõi VQG PN-KB.

Có thể nói, từ khi được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới đến nay, VQG PN-KB đã có ít nhất 2 lần bị tổn thương nghiêm trọng bởi hành vi vi phạm pháp luật về công tác bảo tồn.

Ở khu vực này, lực lượng quản lý và bảo vệ rừng luôn được củng cố và tăng cường nhưng thường xuyên “bị động” vì xem ra lâm tặc vào ra khai thác gỗ ở VQG PN-KB như chốn không người (?!)

Thực tế, VQG PN-KB được ghi nhận vì sự đặc biệt về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học, nhưng thời gian qua phải thường xuyên đối mặt với ý thức xâm hại của con người, đó là hoạt động khai thác đá; săn bắt, mua bán động vật hoang dã trái phép; chặt phá rừng bừa bãi…

Dường như ở đây, những kẻ làm ăn phi pháp đã hình thành một hệ thống hoàn chỉnh về khai thác, vận chuyển, mua bán và tiêu thụ những sản vật quý hiếm của VQG PN-KB. Trong “đường dây” đó thấp thoáng bóng dáng sự liên quan của một số cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá ở khu vực này.

Có lẽ, sự “xung đột” giữa công tác bảo tồn và lợi ích kinh tế của một số người dân ở vùng đệm ở các VQG nói chung luôn là vấn đề “nóng” và những vụ việc xảy ra ở PN-KB cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó.

Do vậy, chúng ta phải khẩn trương thực hiện hoàn thành quy hoạch khu vực phụ cận VQG PN-KB, sàng lọc đội ngũ cán bộ, đồng thời triển khai các phương án bảo đảm sinh kế cho người dân, kết hợp thực thi nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về bảo tồn, bảo vệ rừng.

Có như vậy, mới giảm thiểu sự can thiệp tiêu cực của con người vào Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB!

Trần Minh Văn
 

,