.

Ra đi để trở về

.
09:49, Thứ Sáu, 08/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Sau khi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) trở về, nhiều thanh niên tỉnh ta đã trở thành chủ những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có tiếng trên địa bàn. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
 
Đi để tìm kiếm cơ hội…
 
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Tây Trạch (Bố Trạch), tuổi thơ anh Nguyễn Ngọc Lãm gắn liền với chuỗi ngày lấm lem bùn đất, theo bố mẹ ra đồng chăn trâu, cắt cỏ. Học xong không có việc làm, anh ở nhà phụ giúp gia đình làm kinh tế, quanh năm bám lấy đồng ruộng nhưng cũng không thoát khỏi đói nghèo. Được bạn bè giới thiệu, anh Lãm qua Đài Loan làm việc trong một công ty sản xuất linh kiện điện tử. 
 
Hết hạn hợp đồng, anh trở về quê hương với một ít tiền dành dụm được sau 3 năm bôn ba ở xứ người. Ở nhà một thời gian, lâm vào cảnh thất nghiệp, anh Lãm trở ra Hà Nội học nấu ăn. Sau đó, anh quyết định “xuất ngoại”’ lần thứ hai để qua Singapore làm việc.
 
Có sẵn nghề trong tay, anh tranh thủ học hỏi kinh nghiệm, cách thức chế biến và nhanh chóng trở thành một phụ bếp giỏi, được bạn bè, đồng nghiệp ở nước bạn yêu mến.
Sau 10 năm đi XKLĐ tại Hàn Quốc, năm 2017, anh Phan Đăng Doanh đã trở về và mở một xưởng sản xuất gạch ốp lát tại quê nhà.
Sau 10 năm đi XKLĐ tại Hàn Quốc, năm 2017, anh Phan Đăng Doanh đã trở về và mở một xưởng sản xuất gạch ốp lát tại quê nhà.
Cũng sinh ra trong một làng quê nghèo ở huyện Quảng Ninh, nhưng khác với anh Lãm, anh Phan Đăng Doanh chọn con đường nam tiến để tìm kiếm việc làm. Vật lộn ở miền nam một thời gian, anh Doanh quyết định khăn gói về quê lập nghiệp.
 
Để có thể lo cho vợ con có một cuộc sống ổn định ở quê nhà, anh Doanh đăng ký đi XKLĐ tại Hàn Quốc. “Đây chính là cơ hội của cả cuộc đời. Phải đi mới hy vọng về những điều lớn lao hơn”, anh Doanh nhớ lại.
 
Những ngày đầu, anh Doanh gặp rất nhiều khó khăn, phải học cách chống lại cái lạnh, học tiếng để giao tiếp, ứng xử theo lối sống văn hóa của người dân bản địa...Nhờ chịu khó học hỏi, anh nhanh chóng bắt quen với công việc và trở thành một thợ giỏi. Anh được chủ xưởng tin tưởng, ký hợp đồng làm việc dài hạn tại Hàn Quốc với một mức lương khá cao và đã ở đó đến 10 năm. Khi về, anh tích lũy được một số vốn kha khá để lập nghiệp.
 
Phần lớn thanh niên đi XKLĐ đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn đi để làm giàu nhưng với anh Nguyễn Sơn, ở thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh) lại là trường hợp ngoại lệ. Trước khi đi XKLĐ, anh Sơn là một cán bộ đoàn cơ sở và là chủ một cửa hàng sửa chữa điện tử khá đông khách. Cuộc sống của anh lúc đó có thể gọi là ổn với thu nhập khá hàng tháng. Nhưng anh có hoài bão lớn hơn và muốn thử thách chính mình.
 
Xác định đi XKLĐ không chỉ để kiếm tiền mà còn để nâng cao kiến thức, tay nghề, nên anh Sơn chăm chỉ học hỏi và may mắn được nhiều thợ nội thất giỏi ở Đài Loan giúp đỡ, truyền nghề. Anh đã học được ở người Đài Loan đức tính lao động cần cù, chịu khó, làm việc hết mình, không bỏ cuộc.
 
Về quê lập nghiệp, giúp người khốn khó
 
Trong căn phòng lấp lánh ánh điện, chúng tôi bị thu hút bởi những thiết bị nội thất hiện đại, tinh tế và đẹp mắt được trưng bày tại cửa hàng của Công ty tư vấn thiết kế và thi công nội thất Nguyễn Sơn, đóng tại đường Trần Hưng Đạo (TP. Đồng Hới).
 
Dù tuổi còn trẻ nhưng anh Sơn đã là chủ của hai cửa hàng và một cơ sở chuyên sản xuất đồ nội thất với doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm. Anh Sơn không ngần ngại chia sẻ: “Nhờ đi XKLĐ, tôi mới có được thành quả như bây giờ”. 
Từ XKLĐ, anh Nguyễn Sơn hiện đã là chủ của một hệ thống cửa hàng bán nội thất thuộc diện lớn nhất nhì TP. Đồng Hới
Từ XKLĐ, anh Nguyễn Sơn hiện đã là chủ của một hệ thống cửa hàng bán nội thất thuộc diện lớn nhất nhì TP. Đồng Hới
Anh kể, sau khi đi XKLĐ trở về, năm 2006 anh bắt tay vào thành lập Công ty Nguyễn Sơn chuyên thiết kế và thi công nội thất với đủ các mặt hàng, như: tủ, bàn, giường, ghế, thiết bị trang trí trong nhà... Nhờ học hỏi được nhiều kinh nghiệm tại Đài Loan, nên Công ty của anh làm ăn khá suôn sẻ và được nhiều người biết đến là địa chỉ kinh doanh nội thất đẹp, uy tín.
 
Hiện tại, Công ty tư vấn thiết kế và thi công nội thất Nguyễn Sơn đang tạo việc làm cho 15 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng. “Tôi đang hoàn tất mọi thủ tục để mở rộng quy mô xưởng sản xuất. Dự kiến năm đầu tiên xưởng đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho thêm 20 lao động trên địa bàn”, anh Sơn cho hay.
 
Cũng với khát khao muốn lập nghiệp trên chính mảnh đất nơi mình sinh ra, anh Phan Đăng Doanh đã nỗ lực làm việc không mệt mỏi tại Hàn Quốc. Trở về sau mười năm xa xứ, anh mở luôn một xưởng sản xuất gạch ốp lát phục vụ cho các công trình xây dựng trên địa bàn. Anh chọn mảng này vì trên địa bàn huyện chưa thấy ai làm.
 
Những ngày đầu khởi nghiệp không tránh khỏi khó khăn, vất vả nhưng với bản lĩnh của mình, anh Doanh đã vững vàng chèo lái con thuyền để gặt hái thành công. Và điều ý nghĩa hơn với anh là sau khi thành lập, cơ sở của anh giúp được thêm cho 15 lao động khác tại địa phương có công việc ổn định. Những lao động này hầu hết cũng có hoàn cảnh hết sức khó khăn trước khi anh nhận vào làm việc.
 
Với anh Lãm cũng thế. Sau những ngày làm phụ bếp ở Singapore, anh trở về và lấy luôn việc “bếp núc” để khởi nghiệp cho mình. “Tôi dùng chính kinh nghiệm có được trong những ngày làm tiệc lưu động tại Singapore để vận dụng tại quê hương mình. Chỉ mới hoạt động trong một thời gian ngắn, nhưng nhà hàng tiệc cưới Đông Dương của gia đình tôi đã có mặt tại khắp các làng quê trong tỉnh, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động và 10-15 lao động thời vụ với mức lương từ 200-300 nghìn đồng/ngày”, anh Nguyễn Ngọc Lãm chia sẻ.
 
Thực tế cho thấy, hiện nay, vẫn còn rất nhiều thanh niên cho rằng XKLĐ chỉ mang đến nguồn thu nhập ổn định trước mắt, khi trở về nhiều người sẽ không biết làm gì, làm ở đâu.
 
Tuy nhiên, nếu nhìn vào những tấm gương như anh Nguyễn Sơn, Phan Đăng Doanh, Nguyễn Ngọc Lãm sẽ thấy rằng XKLĐ mang đến rất nhiều giá trị. Chỉ cần người lao động có quyết tâm và ý chí vượt qua khó khăn thì có thể tận dụng những kinh nghiệm từ XKLĐ để phát triển sự nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
 
Lan Chi
,