.

Mưu sinh ngày Tết

.
08:44, Thứ Ba, 12/02/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Tết là thời điểm nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm làm việc vất vả. Nhưng với nhiều người, đặc biệt là người nghèo, đây lại là dịp để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống.

Trong dòng người đi đón giao thừa, du xuân..., chúng tôi bắt gặp nhiều cảnh đời vất vả, nhọc nhằn mưu sinh. Hơn 3 năm nay, anh Nguyễn Văn Thanh, quê ở Thanh Hóa, luôn gắn bó với chiếc xe đạp bán đồ chơi trẻ con và những quả bóng bay rực rỡ màu sắc.

Anh tâm sự: "Gia đình tôi chẳng năm nào có Tết. Thường ngày, vợ chồng chúng tôi ở nhà làm ruộng, mấy ngày Tết mới là dịp để tôi kiếm thêm thu nhập cho con ăn học. Năm nay, cả gia đình từ Thanh Hóa vào đây làm ăn trong dịp Tết. Ngày Tết, ai cũng muốn ở nhà quây quần bên người thân, nhưng vì cuộc sống quá vất vả nên tôi mới phải xa nhà mưu sinh".

Với nhiều người, Tết là dịp để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Với nhiều người, Tết là dịp để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Mỗi ngày Tết, gia đình anh chị kiếm được từ 200.000 đến 300.000 đồng. Cũng giống như anh Thanh, vì cuộc sống mưu sinh, chị Lê Thị Lan, ở Đồng Phú, thành phố Đồng Hới tranh thủ mấy ngày Tết mua thêm bóng bay về bán. Để bán được bóng với giá từ 15 đến 25 nghìn đồng/quả, chị thường đứng ở những nơi người dân đi lại nhiều, như: chùa chiền, mặt đường lớn...

Từ chiều mùng 1 Tết, trước cổng chợ, ngã ba, ngã tư thành phố Đồng Hới đã có khá nhiều hàng quán bán đồ ăn vặt, bún, bánh lọc, bánh canh... mở bán đón khách. Quán bún của chị Phạm Thúy Liên, trên đường Tố Hữu, thành phố Đồng Hới mở ngay chiều mồng 1 Tết. Chị cho biết, do các hàng khác nghỉ nhiều nên lượng bún bán ra của chị tăng vọt từ 7-10 kg/ngày lên 20 kg bún trong ngày Tết.

Cả gia đình chị thay nhau bán hàng liên tục từ 6 giờ sáng đến tận đêm. Nhọc nhằn, vất vả một chút nhưng nhờ đó, gia đình chị cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng/ngày. Chị chia sẻ: "Nhìn các gia đình đưa con đi du xuân, tôi thương con, thương mình đến ứa nước mắt. Nhưng rồi cảm giác đó cũng qua nhanh, tôi phải gạt đi tất cả để còn kiếm tiền, cố gắng chăm lo cho các con có tương lai tươi sáng..."

Tại bến xe buýt (trên đường Tố Hữu, thành phố Đồng Hới) từ sớm ngày mùng 2 Tết, một số bác chạy xe ôm cũng tranh thủ kiếm thêm chút tiền trong thời điểm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

Ông Phạm Văn Vũ, 52 tuổi (phường  Nam Lý, TP. Đồng Hới), có thâm niên làm nghề chạy xe ôm 10 năm nay chia sẻ: "Từ ngày mùng 2 Tết, tôi đã chạy xe ôm rồi. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nhà cũng có xe ô tô hoặc lựa chọn đi taxi cho tiện lợi nên chúng tôi cũng ít khách lắm. Ngày nhiều nhất cũng được 2-3 trăm nghìn, ngày ít thì vài chục nghìn.

Cuộc sống còn khó khăn nên tôi cũng phải ráng thêm, được chút nào hay chút ấy, ít còn hơn không. Thêm nữa, chở khách đi chơi ngày Tết cũng là dịp dạo chơi du xuân".

Giữa dòng người đông đúc, hân hoan đón mừng năm mới, mấy ai để tâm đến những phận người đang lặng lẽ mưu sinh. Với họ, ngày Tết cũng chẳng khác ngày thường, ước mong được quây quần bên gia đình, nấu nồi bánh chưng hay ăn bữa tất niên luôn là nỗi khát khao, hy vọng...

Phạm Hà
 

,