.

Trao sinh kế cho hộ gia đình có trẻ em khuyết tật: Vơi bớt gánh nặng mưu sinh

.
07:35, Thứ Hai, 28/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhờ được hỗ trợ vốn từ dự án “Sáng kiến sinh kế, tăng thu nhập hộ gia đình trẻ em khuyết tật”, nhiều hộ gia đình có trẻ em khuyết tật ở Quảng Ninh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi để phát triển kinh tế. Sau một thời gian, những mô hình chăn nuôi đã giúp nhiều hộ cải thiện cuộc sống, qua đó, tạo điều kiện chăm sóc trẻ khuyết tật tốt hơn.

Dẫn chúng tôi đến thăm những hộ gia đình có trẻ em khuyết tật được hỗ trợ vốn từ dự án, ông Lê Quyết Chiến, Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật, trẻ nạn nhân chất độc da cam xã Hiền Ninh, Quảng Ninh vui mừng cho hay, Quảng Ninh có 10 hộ gia đình có đủ điều kiện được hỗ trợ vốn từ dự án.

Mặc dù số tiền hỗ trợ không nhiều, chỉ 3 triệu đồng/hộ, nhưng sau khi được hỗ trợ vốn, hầu hết các hộ đều đầu tư vào chăn nuôi để phát triển kinh tế và mang lại hiệu quả.

Chị Trần Thị Sáu, một trong 10 hộ gia đình có trẻ em khuyết tật được nhận tiền hỗ trợ của dự án tâm sự, vợ chồng chị có 3 con thì không may 2 cháu bị mắc bệnh tim bẩm sinh và khuyết tật hệ vận động. Do phải thuốc thang chạy chữa cho các con, nên hoàn cảnh kinh tế gia đình chị rất khó khăn. Điều không may lại ập đến, năm 2018, chồng chị bị phát hiện ung thư máu giai đoạn cuối và qua đời.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ dự án, mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Trần Thị Sáu, Hiền Ninh, Quảng Ninh phát huy hiệu quả.
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ dự án, mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Trần Thị Sáu, Hiền Ninh, Quảng Ninh phát huy hiệu quả.

Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị, dự án đã hỗ trợ 3 triệu đồng giúp chị phát triển kinh tế. Sau khi được tập huấn và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn, chị Sáu đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi lợn. Chị vui mừng cho biết: “Ban đầu, tôi chỉ có 3 con lợn thịt, sau đó bán dần để gây giống.

Hiện tại, trong chuồng nhà tôi đã có 2 con lợn nái và 6 con lợn thịt. Nhờ có nguồn thức ăn sẵn trong vườn và cám gạo thừa từ máy xay xát nên chi phí bỏ ra rất ít. Tôi cũng có thêm tiền để thuốc thang điều trị cho các con”.

Không chỉ hộ gia đình của chị Sáu, mà nhiều hộ gia đình có trẻ em khuyết tật khác trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ từ dự án. Ông Lê Quyết Chiến cho biết, Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật, trẻ em nạn nhân chất độc da cam Hiền Ninh đang chăm sóc và phục hồi chức năng cho 60 trẻ em khuyết tật. Những năm qua, các hoạt động của Trung tâm mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ phục hồi của các cháu còn thấp.

Nguyên nhân là do cơ sở vật chất, dụng cụ tập luyện còn thiếu thốn. Đặc biệt, các hộ có con em khuyết tật đại đa số là hộ nghèo, cận nghèo, thiếu vốn sản xuất, kinh tế khó khăn, nên ảnh hưởng đến việc chăm sóc, phục hồi chức năng của trẻ.

Xuất phát từ khó khăn đó, năm 2018, Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam tài trợ thông qua Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh triển khai dự án “Sáng kiến sinh kế, tăng thu nhập hộ gia đình trẻ em khuyết tật”. Tại Quảng Ninh, do nguồn vốn hạn chế, nên mỗi năm, chỉ hỗ trợ từ 10 đến 12 hộ gia đình có trẻ em khuyết tật với số tiền 3 triệu đồng/hộ.

Không chỉ hỗ trợ tiền, Trung tâm còn phối hợp với các cơ quan liên quan mở một lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà và nuôi lợn cho các gia đình. Chính vì vậy, sau khi được hỗ trợ vốn, các hộ đã áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tốt và biết tái sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế.

Ông Mai Xuân Thu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh cho biết, dự án “Sáng kiến sinh kế, tăng thu nhập hộ gia đình trẻ em khuyết tật” do Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam tài trợ được triển khai từ đầu năm 2018 ở huyện Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới. Tổng số tiền 75 triệu đồng được hỗ trợ cho 25 hộ gia đình ở 2 địa phương (TP. Đồng Hới 15 hộ, Quảng Ninh 10 hộ). Mặc dù số tiền hỗ trợ không lớn, nhưng các hộ đều đầu tư phát triển kinh tế rất hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện tại, do nguồn vốn ít nên số hộ gia đình có trẻ em khuyết tật được hỗ trợ vốn từ dự án rất hạn chế.Chính vì vậy, sự quan tâm, hỗ trợ thêm của các đơn vị, nhà hảo tâm là cơ hội để nhiều hộ gia đình có trẻ em khuyết tật gặp hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, qua đó, tạo điều kiện chăm sóc trẻ tốt hơn, sớm hòa nhập cộng đồng.

Đ.N
 

,