.

Thu kinh phí công đoàn ở các doanh nghiệp đạt thấp

.
07:10, Thứ Hai, 21/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Trích nộp kinh phí công đoàn (KPCĐ) là nghĩa vụ của các đơn vị, doanh nghiệp đã được pháp luật quy định. Đây là nguồn tài chính nhằm bảo đảm hoạt động CĐ và chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động. Tuy nhiên, việc trích nộp KPCĐ thời gian qua chưa được các doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành, trong đó có nhiều doanh nghiệp chây ì, cố tình trốn đóng KPCĐ.

Thành lập tổ chức CĐ năm 2011, tuy nhiên, trong nhiều năm liền, Công ty TNHH TM Gianh Thúy vẫn không chịu đóng một khoản KPCĐ nào theo quy định của pháp luật. Không chỉ riêng công ty này, hiện nay, rất nhiều công ty có hàng chục lao động vẫn không chịu thành lập tổ chức CĐ và trích nộp KPCĐ.

Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta chỉ có 1.146/3.762 đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức CĐ. Như vậy, có đến 2.616/3.762 đơn vị, doanh nghiệp chưa có tổ chức CĐ. Đây là một trong những bất lợi khiến công tác thu KPCĐ gặp nhiều khó khăn và chưa đạt kết quả như mong muốn.

Hầu hết nguồn thu KPCĐ đều tập trung chủ yếu ở khu vực hành chính sự nghiệp, còn khu vực sản xuất, kinh doanh, nhất là doanh nghiệp chưa có tổ chức CĐ, việc đóng KPCĐ  vẫn còn ở mức rất thấp.  Nhiều cơ sở CĐ tỷ lệ thu KPCĐ khá thấp như CĐ ngành Công Thương, CĐ Khu kinh tế...

Ông Phan Mạnh Hùng, Chủ tịch CĐ ngành Công Thương cho biết: Tính đến cuối năm 2018, tổng số thu KPCĐ đối với các doanh nghiệp có tổ chức CĐ trực thuộc ngành chỉ đạt hơn 40% kế hoạch giao. Ngoài ra, những doanh nghiệp chưa có tổ chức CĐ do CĐ ngành Công Thương phụ trách vẫn chưa thể thu được KPCĐ.

Kinh phí công đoàn là nguồn tài chính nhằm chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Kinh phí công đoàn là nguồn tài chính nhằm chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Mặc dù đã có quy định về việc đóng kinh phí CĐ nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng nghiêm túc chấp hành. Việc thu KPCĐ chỉ thuận lợi đối với những doanh nghiệp đang có cổ phần nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện đã có tổ chức CĐ.

Với những doanh nghiệp tư nhân, nhất là những doanh nghiệp chưa có tổ chức CĐ, việc thu KPCĐ là rất khó khăn, có nhiều nơi không thể thu được. Tuy nhiên, ở những doanh nghiệp đã có tổ chức CĐ nhưng việc thu KPCĐ cũng gặp khó khăn không kém, như Công ty TNHH Thương mại Gianh Thúy, Công ty TNHH TM Ngọc Châu...

Do nhiều doanh nghiệp chây ì không đóng KPCĐ nên chỉ tiêu thu KPCĐ năm qua không đạt. Bà Ngô Thị Bích Thảo, Trưởng ban Tài chính, LĐLĐ tỉnh cho biết: Tính đến cuối năm 2018, thu KPCĐ qua Kho bạc Nhà nước là 22,2 tỷ đồng, đạt 75,1% kế hoạch; thu KPCĐ tại các đơn vị sản xuất kinh doanh 720 triệu đồng, chỉ đạt 35,46 % kế hoạch. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp chưa có tổ chức CĐ thì việc thu KPCĐ vẫn chưa thực hiện được.

Nguyên nhân của tình trạng này là do thời gian qua, việc thu KPCĐ đối với doanh nghiệp nhỏ có ít lao động không thực hiện được. Hầu hết những doanh nghiệp này đều kinh doanh theo hộ gia đình gây khó khăn trong việc thu KPCĐ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn nên sản xuất bị đình trệ. Không ít doanh nghiệp làm ăn thua lỗ buộc phải dừng hoạt động nên việc thu KPCĐ đối với những đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình trạng này, LĐLĐ tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng thu KPCĐ như phối hợp với Cục Thuế tỉnh và Kho bạc Nhà nước tỉnh để cùng triển khai thực hiện thu KPCĐ. Đặc biệt, đầu năm 2018, LĐLĐ tỉnh đã triển khai thu kinh phí CĐ của các đơn vị sản xuất, kinh doanh thông qua tài khoản Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank).

Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, vướng mắc như một số huyện vẫn chưa có phòng giao dịch của ngân hàng hay các doanh nghiệp chưa có tài khoản ngân hàng đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, CĐ các ngành cũng đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt như liên tục gửi thông báo nhắc nhở, đặc biệt là cử cán bộ chuyên trách trực tiếp xuống từng doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động, tuy nhiên, nhiều chủ doanh nghiệp viện lý do để không gặp.

Thời gian tới, để tăng hiệu quả việc thu KPCĐ, LĐLĐ tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc chấp hành Luật Lao động, Luật Công đoàn tại các doanh nghiệp; chủ động đề xuất với cơ quan thẩm quyền xử phạt các doanh nghiệp vi phạm quy định đóng KPCĐ theo quy định của pháp luật; đồng thời đề xuất với Vietinbank mở chi nhánh tại các huyện nhằm tạo thuận lợi cho các CĐ cơ sở giao dịch và các doanh nghiệp trích nộp KPCĐ theo đúng quy định. Đối với những địa phương chưa có chi nhánh ngân hàng, trước mắt Vietinbank sẽ hỗ trợ chi phí giao dịch ngoài hệ thống.

Ông Phan Mạnh Hùng, Chủ tịch CĐ ngành Công Thương cũng cho biết: Để tăng hiệu quả thu KPCĐ, CĐ ngành sẽ thực hiện một số biện pháp mạnh đối với những đơn vị, doanh nghiệp cố tình không đóng KPCĐ.

CĐ ngành Công Thương sẽ đưa thông tin những đơn vị này lên phương tin thông tin đại chúng, đồng thời, đề nghị Cục Thuế tỉnh đưa vào diện kiểm tra đột xuất; tuyên truyền điều 24C, Nghị định 88/2015NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động...

Đ.Nguyệt
 

,