.

Nén tâm nhang trên đường 16

.
10:01, Thứ Ba, 08/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 1-5-1970, trên tuyến đường 16 qua xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy nối đường Trường Sơn đông lên Trường Sơn tây, máy bay Mỹ ném bom hàng loạt làm hàng trăm bộ đội, thanh niên xung phong bị thương và hy sinh. Gần 50 năm trôi qua, nỗi đau ấy vẫn còn âm ỉ trong lòng đồng đội và người thân của họ. Mới đây, những nhân chứng lịch sử đã có dịp gặp mặt với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các cơ quan chức năng tại xã Mai Thủy (huyện Lệ Thủy) để trao đổi, chia sẻ về sự kiện bi tráng này.

Đầu năm 1970, đế quốc Mỹ tiếp tục leo thang bắn phá miền Bắc. Tuyến lửa Quảng Bình là một trong những địa phương bị địch đánh phá vô cùng ác liệt, đặc biệt là đường 16, bởi đây là một trong bốn tuyến đường ngang vượt Trường Sơn tại Quảng Bình chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì sát giới tuyến quân sự tạm thời và là con đường tiếp cận ngắn nhất với vĩ tuyến 17 nên đường 16 có vai trò rất quan trọng.

Trên tuyến đường có nhiều địa điểm tập kết kho lương thực, thiết bị, là nơi đóng quân của các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP) làm nhiệm vụ nên trở thành những tọa độ lửa bị bắn phá ác liệt thường xuyên. Chỉ nói riêng trong Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1970, máy bay Mỹ đã điên cuồng oanh tạc tuyến đường làm hàng trăm TNXP, bộ đội bị thương và hy sinh.

Ông Nguyễn Đức Nhậm, nguyên Xã đội trưởng xã Mai Thủy nhớ lại: “Ngày đó, các cửa ngõ từ Quảng Bình sang Lào, vô Quảng Trị bị địch đánh phá rất ác liệt. Tại bản Bang có một đơn vị thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ trên đường 16. Chính đơn vị này đã bắn rơi một chiếc máy bay của địch.

Ông Nguyễn Đức Nhậm đang dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Mai Thủy.
Ông Nguyễn Đức Nhậm đang dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Mai Thủy.

Sau đó, Huyện đội và Xã đội Mai Thủy được lệnh tiếp cận và bắt sống giặc lái. Lúc này, trên bầu trời, máy bay Mỹ vẫn liên tục bắn phá. Tại ngã tư Thạch Bàn, lực lượng của ta vẫn dũng cảm đánh trả quyết liệt. Đến trưa, chúng tôi mới tiếp cận được hiện trường để làm nhiệm vụ cứu thương, thu dọn chiến trường. Trong trận chiến đó, đã có 26 đồng chí anh dũng hy sinh!”.

Nhắc lại trận tập kích ngày 1-5-1970, cựu TNXP Nguyễn Xuân Thắng, người từng bị thương vào ngày hôm đó kể: “Buổi sáng, có 3 đơn vị bộ đội và công an vũ trang khoảng 100 người đi qua đường 16 thì bị máy bay Mỹ tập kích khiến nhiều người hy sinh. Họ còn trẻ, đa số người Nam Hà. Chúng tôi trực tiếp mai táng các đồng chí vào ban đêm, khi hết pháo sáng”.

Ông Phan Văn Toại (85 tuổi, dân quân du kích có nhiệm vụ vào mai táng TNXP) kể: “Tôi ở bên trung đội của xã Mai Thủy, được điều lên Bang để thu dọn chiến trường. Trung đội của tôi mai táng 3 người đều là nữ và người ngoài miền Bắc.

Nhận nhiệm vụ 8 giờ sáng 2-5 nhưng đến 16 giờ chúng tôi mới hoàn thành vì địch liên tục đánh phá. Tại bản Làng Ho cũng rất ác liệt khiến hàng chục chiến sỹ hy sinh”. Bà Trương Thị Thư, TNXP thuộc đơn vị C753-N119-P31 đóng trên đường 16 kể lại: “Khi chúng tôi chuẩn bị ăn trưa thì máy bay thả bom khiến đồng đội tôi hy sinh nhiều lắm!".

Từ lời kể các nhân chứng trận tập kích của máy bay Mỹ ngày 1-5-1970 là vô cùng ác liệt, số người chết lên đến cả trăm người. Các liệt sỹ đã được mai táng tại chỗ hoặc đưa ra Bắc theo đường 15 trước đây.

Theo các tài liệu từ các cơ quan chức năng, hiện có 77 ngôi mộ liệt sỹ nằm tại các nghĩa trang ở Quảng Bình cùng có thời gian hy sinh là 1-5-1970. Trong đó, 33 ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sỹ Mai Thủy (huyện Lệ Thủy), 30 ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sỹ xã Vạn Ninh và Nghĩa trang liệt sỹ TNXP xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh), 13 ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc (thành phố Đồng Hới), 1 ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sỹ xã Đức Ninh (thành phố Đồng Hới).

Ông Nguyễn Xuân Chước, nguyên Đại đội trưởng đơn vị TNXP C753-N119-P31, hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn cho biết: “Đơn vị tôi đóng ở km 45 Lâm Xuân trên đường 16, có 180 người chủ yếu ở huyện Quảng Trạch, Bố Trạch. Ngày 1-5-1970, địch đánh từ ngoài Bang đánh vào.

Đến 10 giờ sáng 2-5-1970 thì đánh đến km 45. Lúc đó, đơn vị vừa làm đường vừa chuyển gạo lên xe cho một đơn vị bộ đội trong Nam ra nhận. Cùng thời điểm có một đơn vị công an vũ trang ở ngoài Bắc vào đến. Khi 3 đơn vị tập trung lại một chỗ thì máy bay đến đánh dồn dập. Đơn vị tôi hy sinh 5 người, trong đó có đồng chí Hoàng Thị Đào, Đại đội phó, người xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn.

Bộ đội hy sinh nhiều, bị thương cũng nhiều, tôi cũng bị thương nặng ở hai mắt. Người chết được mai táng tạm thời, sau đó đưa đi nơi khác an táng, người bị thương được đưa ra bệnh viện ở Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh”.

Thông tin của ông Chước hoàn toàn trùng khớp với thông tin lưu trữ tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội khi có 17 liệt sỹ hy sinh đúng đợt này. Các mộ phần của liệt sỹ đang nằm ở Nghĩa trang liệt sỹ TNXP xã Vạn Ninh, Nghĩa trang liệt sỹ xã Mai Thủy...

Những nhân chứng và thân nhân của những người đã hy sinh đều mong muốn có một tượng đài về sự kiện ngày 1-5-1970 để tri ân những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống. Ông Chước chia sẻ: “Tôi rất mong muốn có một khu tưởng niệm tại khu vực Bang để mỗi khi anh em chúng tôi về thăm chiến trường xưa có chỗ hương khói, ôn lại một thời oanh liệt”.

Đồng chí Nguyễn Mậu Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao đã đề nghị huyện Lệ Thủy củng cố hồ sơ để sở trình lên Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch sớm công nhận sự kiện ngày 1-5-1970 tại đường 16 là Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt.

Đồng chí Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết thêm: “Hiện, huyện cũng đã củng cố hồ sơ về sự kiện lịch sử này, nếu được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, huyện sẽ cho xây tượng đài để tri ân, tưởng nhớ những người đã ngã xuống; đồng thời, đưa sự kiện này vào lịch sử Đảng bộ huyện và các địa phương liên quan”.

Xuân Vương

 

,