.

Văn hoá giao thông: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!"

.
08:04, Thứ Ba, 13/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông  (ATGT) 9 tháng năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hoá giao thông trong việc giảm thiểu và đẩy lùi tai nạn giao thông. Ở Quảng Bình, văn hoá giao thông vẫn là vấn đề nóng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, mặc dù các ban, ngành hữu quan đã tốn không ít tâm huyết.

Những hành vi thiếu văn hoá khi tham gia giao thông thường xuyên lặp đi lặp lại đã trở thành chuyện thường ngày mà với điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Có mặt tại các ngã ba, ngã tư có hệ thống đèn tín hiệu giao thông, chỉ trong khoảng vài phút, ai cũng có thể chứng kiến cảnh người điều khiển xe mô tô, xe đạp và cả xe ô tô, thản nhiên vượt đèn đỏ.

Phổ biến nhất trong số này vẫn là các em học sinh với phương tiện là xe đạp điện. Những chiếc xe đạp điện không phát ra âm thanh, không còi, phóng với tốc độ nhanh là những chiếc “bẫy” nguy hiểm dẫn đến tai nạn giao thông.

Mới đây, một em học sinh lớp 8, Trường THCS Đồng Phú (thành phố Đồng Hới), trong khi băng qua ngã tư Lý Thường Kiệt - Trần Quang Khải, đã vượt đèn đỏ ngay trước mũi xe ô tô. Rất may người điều khiển ô tô đã kịp quan sát và dừng lại kịp thời nên em học sinh nọ chỉ bị ngã và xây xát, xe máy điện bị hư hỏng nhẹ. Toàn bộ sự việc được camera hành trình ghi lại và nhiều người xem đều cảm thấy thót tim trước sự liều lĩnh này.

Lực lượng chức năng xử lý xe ô tô vi phạm trên tuyến đường Trần Quang Khải (thành phố Đồng Hới).
Lực lượng chức năng xử lý xe ô tô vi phạm trên tuyến đường Trần Quang Khải (thành phố Đồng Hới).

Cũng tại các ngã ba, ngã tư, khi đèn đỏ đếm ngược còn khoảng 2-3 giây, nhiều người tham gia giao thông đang chờ đèn xanh đã vội vàng bấm còi inh ỏi và tăng tốc sang đường.

Đây chính là thời điểm vô cùng nguy hiểm khi ở phía bên kia đèn vàng đang bật lên và nhiều người thay vì đi chậm và quan sát thì lại tranh thủ vượt nhanh trước khi đèn tín hiệu chuyển sang đỏ. Sự vội vàng, bất chấp quy định về ATGT của những người này đã và đang tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và ùn tắc giao thông.

Chị Phạm Thị Hòa, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới chia sẻ: Tôi không thể hiểu được việc có những người sẵn sàng mất nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày cho việc xem điện thoại, nhưng lại thiếu kiên nhẫn khi chờ đèn tín hiệu giao thông dù chỉ vài giây. Sự vội vàng đó đã và đang là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn, mà câu “nhanh một phút, chậm cả đời” là hoàn thành chính xác trong những trường hợp như thế này!”.

Cùng với hành vi vượt đèn đỏ tại các ngã ba, ngã tư, tình trạng dừng, đỗ xe ô tô ở những đoạn đường cấm, đỗ lấn chiếm lòng đường làm khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông cũng diễn ra khá phổ biến.

Tại thành phố Đồng Hới, nhất là ở khu vực có các trường học, quán ăn, quán cà phê, chợ… với số lượng ô tô ngày càng tăng nhanh, chỉ cần vài chiếc ô tô đỗ trái đường, lấn đường, thậm chí đỗ ngay góc cua qua ngã ba, ngã tư, giao thông ở những điểm này trở nên lộn xộn và nguy hiểm dù lưu lượng người tham gia không quá cao. Nhiều người dân khi đi qua đây đã bất bình ghi lại những hình ảnh thiếu văn hoá giao thông và đăng tải trên mạng xã hội để phê phán. Mặc dù vậy, những hình ảnh phản cảm này vẫn có xu hướng gia tăng.

Còn tại các trường học, tình trạng phụ huynh đỗ xe cả hai bên đường đã trở thành “chuyện thường ngày ở… trường”. Những con đường vốn dĩ chỉ đủ cho hai xe ô tô tránh nhau, nay được các phụ huynh “sáng tạo” đỗ cả hai bên đường, giờ chỉ còn một lối nhỏ dành cho người đi xe mô tô.

Và trong khi xe mô tô đang chen lên để vượt qua thì xuất hiện chiếc ô tô thứ 3, thứ 4…, thế là con đường lập tức bị vô hiệu hoá, xe ô tô, mô tô và cả xe đạp tiến không được, lùi không xong. Ai cũng có đủ lý do để vội vã và kiên quyết không nhường đường để rồi cuối cùng tất cả tạo nên một vụ kẹt xe cục bộ mà nếu chỉ cần có chút ý thức, điểm ùn tắc sẽ nhanh chóng được giải toả.

Sau khi Quốc lộ 1 được nâng cấp, các dải phân cách bê tông xuất hiện đã và đang tạo sự an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, tai nạn giao thông trên tuyến đường này cũng có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, với cư dân sống hai bên đường, việc sang đường trở nên bất tiện. Do đó, thay vì đi đúng quy định, sang đường ở những điểm cho phép, họ liền trèo qua dải phân cách cho nhanh. Và để tạo thuận lợi cho việc “vượt chướng ngại vật”, họ sẵn sàng phá bỏ những tấm rào chắn bên trên.

Tình trạng ô tô đang lưu thông ở làn sát dải phân cách bỗng dưng xuất hiện một người đang trèo lên dải phân cách và thản nhiên sang đường đã gây ra nhiều tình huống “đứng tim”. Nên ở những đoạn đường cho phép tốc độ 80km/giờ, nhiều người điều khiển mô tô vẫn không dám đi đúng tốc độ được cho phép bởi sự xuất hiện rất bất ngờ của những người dân thiếu ý thức. Và cũng ở những đoạn đường này, tình trạng người điều khiển xe đạp, xe mô tô đi ngược đường vẫn thường xuyên xảy ra.

Văn hoá giao thông luôn là một yếu tố then chốt trong các giải pháp kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông. Hình thành và duy trì văn hoá giao thông luôn phải được bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất.  Khi đề cập đến điều này, có không ít người vẫn cho rằng đây là việc nhỏ và tặc lưỡi “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Do đó, để hình thành và duy trì văn hoá giao thông, bên cạnh công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm, thì mỗi một cá nhân cần tự mình nâng cao ý thức, đặc biệt là đối với các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, bởi những hành vi dù nhỏ, cũng sẽ là tấm gương để con em và học sinh học tập. Không tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông, câu “nhanh một phút, chậm cả đời’ vẫn sẽ luôn là bài học đắt giá đối với mọi người, mọi nhà.

Ngọc Mai

 

,