.

Vượt qua nỗi đau, làm kinh tế giỏi

.
08:41, Thứ Bảy, 22/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Chiến tranh đã qua nhưng hậu quả của chất độc da cam (CĐDC) vẫn còn đè nặng lên cuộc sống của nhiều gia đình. Vượt qua nỗi đau, nhiều nạn nhân CĐDC nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Họ là tấm gương tiếp thêm nghị lực cho những người cùng cảnh ngộ. Ông Đào Văn Hộ, 75 tuổi, ở thôn 5, xã Nghĩa Ninh, TP.Đồng Hới là một điển hình như thế.
 
Tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ Đào Văn Hộ lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Hết thời hạn nghĩa vụ, ông được đơn vị cho xuất ngũ vào tháng 8-1964. Đầu tháng 6-1965, ông tiếp tục tái ngũ vào đơn vị K814 đóng quân ở Quảng Trị để cùng với các đơn vị bạn chiến đấu.
 
Khi đất nước hòa bình, trở về địa phương, ông lập gia đình và sinh được 5 người con, không may, do bị nhiễm CĐDC, 1 người bị bệnh và mất, 1 người bình thường, 3 người còn lại đều phát triển không bình thường, bị tật nguyền, kém trí nhớ.
Ông Đào Văn Hộ là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế.
Ông Đào Văn Hộ là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế.
Mang trong mình nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần do di chứng CĐDC để lại, con cái bệnh tật cần tiền chạy chữa thuốc thang, nên vợ chồng ông luôn nỗ lực hết mình, làm đủ mọi việc nhưng vẫn không đủ ăn. Không lùi bước trước khó khăn, nhiều đêm, ông suy nghĩ và bàn với vợ tìm cách làm kinh tế, nuôi sống gia đình. 
 
Từ những đồng vốn ít ỏi, được đồng đội, bạn bè cho vay mượn thêm, ông đã mạnh dạn mua 2 con bò và làm đơn xin UBND xã Nghĩa Ninh đấu thầu 7 hecta đất trống đồi núi trọc để trồng rừng theo Dự án 327.
 
Có đất, ông đã đầu tư trồng bạch đàn, tràm và một số cây ăn quả khác. Nhờ cố gắng chăm sóc, sau 5 năm, 7 ha rừng đã cho ông nguồn thu nhập 50 đến 60 triệu đồng. Để tăng thu nhập, ông xin xã đấu thầu thêm 3 ha đất lúa vùng trũng để  trồng lúa kết hợp với nuôi cá, hàng năm cho thu hoạch 20 tấn lúa và cá.
 
Bên cạnh đó, ông còn nuôi hàng chục con lợn và hàng trăm con gà cho thu nhập 20 đến 30 triệu mỗi năm. Từ hai bàn tay trắng, ông đã tích cóp và mua được máy móc phục vụ nông nghiệp, như: máy cày, máy phay, máy bơm, vừa để phục vụ gia đình vừa giúp đỡ bà con cày cấy mỗi dịp mùa vụ. Với mô hình phát triển kinh tế của mình, hàng năm, gia đình ông thu trên 100 triệu đồng.
 
Giờ đây, tuy cuộc sống gia đình đã ổn định, nhưng ông vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi mà vẫn nỗ lực để có tiền lo cho các con. “Tuy gánh chịu nỗi đau lớn, nhưng gia đình tôi đã được Nhà nước quan tâm, trợ cấp hàng tháng, các ban ngành, đoàn thể, địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, Tết. Tôi nghĩ không chỉ gia đình mình mà rất nhiều gia đình khác cũng đang gánh chịu di chứng của cuộc chiến tranh nhưng không vì thế mà tôi đầu hàng số phận”, ông Hộ cho hay.
 
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hộ còn tham gia nhiều hoạt động của xã và thành phố. Trước đây, ông nằm trong Ban chấp hành hội NNCĐDC thành phố Đồng Hới, nhưng vì sức khỏe yếu, ông xin về lại địa phương và được bầu làm Chủ tịch Hội NNCĐDC xã Nghĩa Ninh.
 
Trên cương vị mới, ông luôn nỗ lực tận tụy, hết mình vì những người đồng cảnh ngộ. Ông đi từng nhà, từng cơ quan, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương để kêu gọi, vận động sự quan tâm hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần nhằm giúp các nạn nhân.
 
Bình quân mỗi năm, ông cùng với BCH Hội vận động được số tiền hơn 45 triệu đồng cho Quỹ "Vì nạn nhân chất độc da cam". Từ nguồn quỹ này, Hội NNCĐDC của xã đã cho hội viên vay với lãi suất thấp và phục vụ cho việc thăm hỏi, hỗ trợ xây dựng, sửa sang lại nhà cửa cho các nạn nhân.
 
Ông cho hay, hiện nay, trên địa bàn xã Nghĩa Ninh có 27 NNCĐDC, có 9 nạn nhân được vay vốn với mức 5 triệu đồng/người từ nguồn quỹ của hội.
 
Với những nỗ lực trên, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” giai đoạn 2010-2015 và Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất kinh doanh, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương năm 2017.
 
Ông Bùi Công Thọe, Chủ tịch Hội NNCĐDC thành phố Đồng Hới cho biết, ông Đào Văn Hộ không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn hết lòng vì các nạn nhân chất độc da cam khác, là tấm gương điển hình cho nhiều người học tập và noi theo.
 
Phạm Hà
 
 
,