.

Độc đáo 'câu đòi'

.
15:19, Thứ Bảy, 15/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - “Câu đòi” là một loại hình đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Hải Thành, tuy là kiêm nghề, sản lượng không cao nhưng giá trị kinh tế rất lớn bởi đối tượng của nghề câu này chủ yếu là cá thu.
 
Ở trên vùng biển Đồng Hới, cá thu có khá nhiều, phân bố ở khắp các làn nước từ khơi vào lộng và thường xuất hiện vào thời kỳ biển lặng từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch. Đây cũng chính là mùa khai thác hải sản vụ nam khi có nhiều đàn cá mực áp lộng.
 
Hiểu rõ đặc tính sinh thái của cá thu là bơi rất khỏe, tốc độ lớn, hàm răng sắc nhọn chuyên đuổi bắt các loại cá sống để ăn thịt nên ngư dân ta đã chế tác ra phương thức chạy "câu đòi" để bắt chúng.
 
Câu đòi là hình thức vừa chạy tàu tốc độ cao vừa kéo dây câu theo sau, biến con cá chết thành con "mồi sống” để đánh lừa loài cá thu háu ăn này. Vì vậy trong câu đòi yêu cầu kỹ thuật “kết mồi” phải cao, bảo đảm con cá chết khi thả xuống biển làm mồi phải biết “vẫy đuôi, vẫy vy” như con cá sống đang bơi và sẽ không bị quay tròn làm xoắn dây câu.
 
Để làm được điều đó, người ta dùng dao thật sắc xẻ con cá mồi (bạc má, nục, mối…) từ lưng dọc theo xương sống đến tận đuôi cá chia thành ba phần: phần giữa gồm xương sống và đuôi cùng hai phần thịt hai bên được chia đều để khi kéo đi trong nước. Cả ba phần này sẽ hoạt động mềm, dẻo như đuôi và vây cá đang bơi.
 
Bên cạnh đó câu đòi cũng cần nắm vững hai yếu tố “ngồi lâu-câu bền”. Người câu phải kiên trì nhẫn nại và lưỡi câu, dây câu cũng phải đủ lớn phù hợp với sức kéo của con tàu. Thông thường, người ta dùng cước từ số 8 đến số 12.
Những chiếc thuyền của ngư dân rẽ sóng ra khơi.
Những chiếc thuyền của ngư dân rẽ sóng ra khơi.
Ngày trước, trên vùng biển Đồng Hới, ngư dân trong vùng thường thả nhiều chà dạo làm nơi cư trú cho các loài cá nục, trích… Các loại cá lớn, như: thu, ngừ, nghéo, mú… cũng tập trung đến để bắt mồi kiếm ăn.
 
Mỗi tháng hai kỳ sinh con nước. Mỗi ngày cũng hai lần trở nước từ triều ròng sang lên và ngược lại. Đây là thời điểm các loài cá mực đi tìm mồi để ăn.
 
Nắm bắt được các yếu tố trên, ngư dân Hải Thành thường kết hợp khi chạy tàu từ ngư trường về bờ hoặc từ bờ ra ngư trường kết mồi thả câu đòi để bắt cá thu nhằm nâng cao đời sống. Cũng có một số ngày “tốt nước” cá hay ăn, người ta chạy câu đòi suốt từ sáng đến chiều, bắt được nhiều cá, thu hàng chục triệu đồng.
 
Mấy năm gần đây, do nghề giã cào phát triển cùng với một số phương thức đánh bắt mang tính hủy diệt như xung điện, nổ mìn khiến cho ngư dân ta không thả được chà dạo, các loài cá cũng không còn áp lộng làm tổ.
 
Tuy nhiên, ngư dân Hải Thành vẫn bám nghề, bám biển, tranh thủ thời tiết thuận lợi ra biển chạy câu đòi tìm bắt các loại cá kinh tế sống trên vùng biển có rạn đá ngầm ven bờ để nâng cao sản lượng.
 
Điển hình như hai chiếc thuyền nhỏ của hai ông Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Văn Tiến ở tổ dân phố 7. Chỉ trong tháng 8 vừa qua, họ đã tranh thủ đêm ra biển câu mực, ngày chạy ra câu đòi, bắt được 4 con cá thu lớn có tổng trọng lượng trên 45kg và hàng chục con cá nhòng to, mỗi con nặng từ 3-7kg, tổng thu nhập trên 25 triệu đồng.
 
Dù là nghề phụ, mang tính thời vụ nhưng câu đòi, câu thu đã góp phần cải thiện, nâng cao đáng kể đời sống ngư dân. Vì vậy, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần khuyến khích ngư dân tuyên truyền cho các thế hệ con cháu gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của ông cha.
                                                                           
Trần Ngọc Phơn
,