.

"Cu Ba-mảng ký ức đỏ trong trái tim tôi"

.
11:07, Thứ Năm, 13/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - “Hơn 50 năm rời xa đất nước Cu Ba nhưng mỗi khi nhớ lại thời trai trẻ, hình ảnh Cu Ba với bưởi, cam xanh tốt, cà phê trĩu hạt, làng Bến Tre trong rặng dừa xanh ngát như “một phần đất Việt phương xa” lại trở về hiện hữu, vẹn nguyên như thể chưa xa.
 
Cu Ba là một phần cuộc sống của tôi, là mảng ký ức đỏ trong trái tim tôi”. Ông Đặng Đức Dục, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, người có thời gian học tập tại đất nước Cu Ba và là người đã sát cánh cùng với các chuyên gia Cu Ba trong suốt quá trình xây Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới tâm sự với chúng tôi như thế.
 
Ông kể: "Tháng 7 năm 1967, ông được Nhà nước ta gửi sang Cu Ba đào tạo chuyên ngành kiến trúc xây dựng. Đó là quãng thời gian đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải học tập thật tốt nhằm trở thành những cán bộ khoa học kỹ thuật có chất lượng để sau này trở về đóng góp công sức, trí tuệ vào việc kiến thiết nước nhà".
 
Cu Ba trong trí nhớ vẹn nguyên của ông Đặng Đức Dục là một đất nước thơ mộng với những con người thân thiện, mộc mạc chân chất. Nơi ông đến là một hòn đảo nhỏ của vùng biển Caribe quanh năm gió mát, cây cối bốn mùa xanh tươi như những lời nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Em ạ, Cu Ba ngọt lịm đường/Mía xanh đồng bãi, biếc đồi nương/Cam ngon, xoài ngọt vàng nông trại. Ong lạc đường hoa, rộn bốn phương..." (Trích trong bài thơ: Từ Cu Ba).
Các chuyên gia y tế Cu Ba trở thành thành viên trong gia đình ông Đặng Đức Dục (người đứng thứ tư từ phải qua).
Các chuyên gia y tế Cu Ba trở thành thành viên trong gia đình ông Đặng Đức Dục (người đứng thứ tư từ phải qua).

Thời gian đầu, những sinh viên Việt Nam được tham gia học tiếng Tây Ban Nha tại một cơ sở đào tạo ở khu phố Siboney thuộc thủ đô La Habana. Đây là khu phố rất đẹp với những ngôi biệt thự sang trọng nằm giữa vườn cây ăn quả xanh mướt.

Sau một năm học tiếng, ông và các sinh viên Việt Nam được bố trí vào học theo các chuyên ngành khác nhau như: y khoa, kiến trúc, nông nghiệp, vô tuyến điện, xây dựng, hóa học, sinh vật…

Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ông là được gặp nữ anh hùng Cu Ba-bà Melba Hernandez, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Cu Ba đoàn kết với Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Cu Ba tại Việt Nam. Bà là người con ưu tú của dân tộc Cu Ba và cũng là người đã dành nửa cuộc đời hoạt động cách mạng của mình để ủng hộ Việt Nam.

Trong buổi gặp gỡ, giao lưu với sinh viên Việt Nam, bà Melba Hernandez đã hỏi: “Cháu nào người Quảng Bình thì giơ cánh tay lên”. Lúc đó, Quảng Bình đang là yết hầu của cuộc chiến tranh ác liệt và bà cũng như nhiều người Cu Ba khác rất ngưỡng mộ tinh thần đấu tranh bất khuất của quân, dân Quảng Bình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bà còn nói: “Đến Việt Nam mà chưa tới Quảng Bình là coi như chưa thăm Việt Nam”.
 
Điều ông Đặng Đức Dục và các sinh viên Việt Nam thời đó ấn tượng nhất ở Cu Ba là hầu hết người dân trên đất nước này đều biết về lịch sử Việt Nam và các trường học, tên đường mang tên các anh hùng của Việt Nam, như: đường Nguyễn Văn Trỗi, đường Võ Thị Thắng và đặc biệt có một ngôi làng mang tên “Làng Bến Tre”.
 
Cứ mỗi lần đón nhận tin chiến thắng từ chiến trường miền Nam Việt Nam đăng trên trang nhất của Báo Granma (như Báo Nhân dân của Việt Nam), các thầy cô giáo và sinh viên Cu Ba lại đến bắt tay chúc mừng sinh viên Việt Nam trong niềm hân hoan cùng sự ngưỡng mộ tận đáy lòng.
 
Và vì thế, những sinh viên Việt Nam ngày ấy đều xem trường học như ngôi nhà của mình, xem đất nước Cu Ba như quê hương mình, xem thầy cô giáo như cha mẹ, bạn bè, anh chị em ruột thịt.
 
Ông Đặng Đức Dục nhớ như in những ngày tháng cùng các chuyên gia Cu Ba xây dựng công trình Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới, món quà của Chủ tịch Phidel Castro tặng cho Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung.
 
Ông kể, trong thời gian đoàn công tác của tỉnh ta do ông Lại Văn Ly (đã mất) Phó Chủ tịch hành chính tỉnh dẫn đầu sang thăm và làm việc với Bộ xây dựng Cu Ba về vấn đề xây bệnh viện, ông vừa tốt nghiệp kiến trúc sư và được đại sứ quán mời đến làm phiên dịch cho đoàn.
 
Đến tháng 6-1974, ông trở về Quảng Bình làm việc. Chuỗi thời gian thi công xây dựng bệnh viện là những tháng ngày không thể kể hết những gian nan, vất vả mà đội ngũ chuyên gia xây dựng Cu Ba và công nhân lao động của hai nước đã trải qua.
 
Ngày đó, Quảng Bình được xem là “tọa độ lửa” nên đâu đâu cũng đầy bom đạn Mỹ. Để có mặt bằng xây dựng bệnh viện, mọi người phải tiến hành rà phá bom mìn và đã thu được trên 500 quả bom bi các loại cùng nhiều quả bom tấn ngay trên diện tích đất xây dựng công trình.
 
Các chuyên gia Cu Ba đã tiến hành lấy toàn bộ lớp đất màu mang đi nơi khác và thay vào đó là đất được chở từ khu vực chợ Công Đoàn (ngày nay) để tạo độ cứng và chắc cho mặt bằng công trình.
 
Đến đầu năm 1975, mới tiến hành đổ bê tông, đúc cột sắt, tạo dầm và các tấm sàn; đồng thời tập hợp máy móc, vật liệu và tiến hành ghép móng, cột… cho hai hạng mục đầu tiên là nhà bệnh nhân số 1 và số 2.
 
Công việc thi công các hạng mục chính kéo dài đến hết năm 1978 và sau đó tiến hành xây dựng sân vườn, đường bê tông. Từ năm 1979-1981, bắt đầu lắp ghép thiết bị y tế, điện, nước, điều hòa nhiệt độ, lò sấy, lò thiêu, bể nước dự phòng, hệ thống cống rãnh thoát nước và các công trình phụ trợ khác.
 
Với nhiệm vụ được giao là vừa trực tiếp tham gia thi công bệnh viện, vừa làm công tác phiên dịch, đặc biệt hai năm cuối của quá trình xây dựng bệnh viện (1980-1981) ông Đặng Đức Dục còn đảm nhận cương vị Bí thư Đoàn cơ sở công trình bệnh viện nên ông trở thành người bạn, người đồng nghiệp thân thiết của các chuyên gia và công nhân xây dựng Cu Ba.
 
Ông cảm kích tinh thần làm việc hăng say, không ngại khó, ngại khổ và tấm lòng nhân ái của các chuyên gia Cu Ba. Chứng kiến công nhân ta ăn cơm độn sắn, mì hột, “canh sư phạm”, các chuyên gia Cu Ba thường lấy khẩu phần ăn của mình là nước đường, nước cam, bánh mỳ kẹp giăm bông… mang ra công trình cho các công nhân Việt Nam ăn điểm tâm giữa giờ. Họ còn mang sữa, bánh quy đến các nhà trẻ lân cận để cấp phát cho trẻ em. Những cử chỉ, hành động đó đã làm cho ông và những công nhân vô cùng cảm động.
 
Ông nói: “Chúng tôi mang ơn những người bạn Cu Ba. Họ trẻ mãi, đẹp mãi trong trái tim, khối óc của tôi”. Tri ân “mẹ” Melba Hernandez, Chủ tịch Phidel Castro và đất nước Cu Ba, ông luôn dạy cho con cháu mình về lịch sử Cu Ba-Việt Nam, về mối quan hệ đặc biệt giữa hai đất nước.
 
Ông vui mừng khi tỉnh ta đã mời được các chuyên gia y tế Cu Ba sang làm việc tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới và xem đó là cơ hội để ông và nhiều người Quảng Bình hiểu hơn về Cu Ba, đặc biệt là các thành tựu y tế của họ. Ông trở thành bạn, thành chú, thành cha của các bác sĩ Cu Ba đang làm việc tại Quảng Bình.
 
Với vốn ngôn ngữ Tây Ban Nha hiện có, ông sẵn sàng hỗ trợ họ trong việc tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của người dân địa phương và trong đời sống sinh hoạt. Ngôi nhà của ông ở phường Đồng Sơn, T.P Đồng Hới trở thành điểm thư giãn bình yên “như được về nhà” của các chuyên gia y tế Cu Ba.
 
Ông xem cuộc gặp gỡ đó như một cơ duyên để rồi có những buổi cùng nhau quây quần bên mâm cơm đỗ đen, gạo tẻ (món ăn phổ biến ở Cu Ba) và cùng say sưa hát “Guantanamera” (một trong những bài hát nổi tiếng của Cu Ba) nồng nàn như một thời trai trẻ.
 
“Cảm ơn những người bạn Cu Ba đã đến đây để chăm sóc sức khỏe cho người dân Quảng Bình. Sự có mặt của họ đã đưa tôi trở về với những tháng ngày tươi đẹp nhất. Họ và những cán bộ y tế bệnh viện đang cùng nhau gìn giữ biểu tượng của tình đoàn kết như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới là hòn ngọc của tình hữu nghị hai dân tộc Việt Nam-Cu Ba”, ông Đặng Đức Dục chia sẻ.
                                                                               
Nhật Văn
,