.

Tăng cường quản lý an toàn hồ, đập trước mùa mưa bão

.
09:31, Thứ Năm, 16/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Với hệ thống hồ đập có sức chứa hàng trăm triệu m3 nước, thời gian qua, công tác quản lý an toàn hồ, đập trước mùa mưa bão luôn được tỉnh ta quan tâm hàng đầu, đặc biệt trong giai đoạn biến đổi khí hậu thất thường như hiện nay.

Trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn hồ, đập, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định 12/2017/QĐ-UBND ngày 9-5-2017 phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn hồ, đập của các đơn vị, địa phương.

Theo đó, Công ty TNHH MTV KTCTTL đã quản lý 17 hồ chứa nước lớn có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên. Qua theo dõi, khảo sát của cơ quan chức năng, phần lớn các hồ đập do Công ty TNHH MTV KTCTTL quản lý đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn tích nước, phòng lũ.

Ông Trần Hồng Quảng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL cho biết: “Đơn vị luôn vận hành tích nước, xã lũ các hồ chứa đúng theo quy trình vận hành đã được UBND tỉnh phê duyệt”.

Theo đoàn kiểm tra tình hình an toàn hồ đập trước mùa mưa bão, một ngày đầu tháng 8 năm 2018, chúng tôi đã có mặt tại hồ Phú Vinh. Mọi công tác gia cố sửa chữa, bảo đảm an toàn hồ đập tại hồ Phú Vinh đều được thực hiện nghiêm túc trước mùa mưa bão theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Phương châm trong vận hành xả lũ hồ chứa chính là ưu tiên hàng đầu cho tính mạng người dân.

Hồ Phú Vinh được đưa vào sử dụng trên 22 năm, phục vụ tưới tiêu cho trên 1.300 ha lúa hai vụ, đồng thời cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Ninh. Hồ có diện tích mặt nước 3,8 km; lưu vực 38 km; trữ lượng nước 22,36 triệu m3. Công trình gồm có hệ thống đập chính dài 1,77 km; 2 đập phụ dài 1,55 km; cao trình đỉnh đập 24,2 m; tràn xả lũ 3 cửa, lưu lượng xả tối đa 380m3/ giây.

Với một khối lượng nước khổng lồ như vậy, lại được "treo" ngay trên "đầu" Thành phố Đồng Hới, nếu sự cố xảy ra sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng của nhân dân trong vùng. Điều đó càng đòi hỏi trách nhiệm của những người làm công tác quản lý công trình.

Lực lượng chức năng kiểm tra công tác an toàn trước mùa mưa bão tại đập Phú Vinh.
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác an toàn trước mùa mưa bão tại đập Phú Vinh.

Xác định trong công tác giảm nhẹ, phòng chống thiên tai, việc bảo vệ an toàn hồ, đập trước mùa mưa bão là nhiệm vụ hàng đầu, trước mùa mưa bão hàng năm, Công ty TNHH MTV KTCTTL đã chú trọng công tác kiểm tra an toàn hồ, đập, có phương án PCLB, bảo vệ an toàn đập; phương án PCLB cho vùng hạ du và luôn thực hiện đầy đủ công tác báo cáo hiện trạng an toàn hồ, đập trước ngày 15-5 hàng năm theo quy định của Chính phủ.

Chính vì vậy, trong những năm qua, mặc dù thời tiết biến đổi theo hướng cực đoan, mưa lũ lớn hơn nhiều so với bình quân nhiều năm, nhưng hồ Phú Vinh vẫn bảo đảm an toàn, công tác vận hành xả lũ luôn đúng quy trình, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất tổn thất do ngập lụt cho vùng hạ du công trình.

Thực tế cho thấy, công cuộc xây dựng kiến thiết Quảng Bình gắn liền với hoạt động thủy lợi, xây hồ, đập, kiến thiết đê điều. Bản đồ hệ thống thủy lợi từ miền núi đến đồng bằng, từ đô thị Đồng Hới đến các huyện, thị xã đều có những công trình thủy lợi mang dấu ấn lịch sử về đê điều, hồ đập.

Trước, trong và sau khi hòa bình cho đến hôm nay, trong công cuộc PCTT-TKCN tỉnh Quảng Bình, hệ thống hồ, đập góp phần rất lớn trong việc phục vụ dân sinh phát triển kinh tế, đặc biệt giảm thiểu thiên tai, lũ lụt.

Có thể kể đến những hồ lớn ảnh hưởng đến hệ sinh thái vùng rộng, như: An Mã ( Lệ Thủy); Rào Đá ( Quảng Ninh); Rào Nan ( Thị xã Ba Đồn); Vực Tròn ( Quảng Trạch); Phú Vinh, Bàu Tró (TP.Đồng Hới)…cùng nhiều hồ, đập khác trải đều khắp toàn tỉnh. 

Một thống kê gần đây của Sở NN và PTNT cho thấy, tỉnh Quảng Bình có trên 150 hồ chứa nước, trong đó có 9 hồ có dung tích trên 10 triệu m3; 8 hồ có dung tích từ 3 đến 10 triệu m3; 25 hồ có dung tích từ trên 1 triệu m3 đến dưới 3 triệu m3.

Cũng từ điều tra của ngành NN và PTNT, đối với tổng số 133 hồ, đập do địa phương quản lý, chưa có tổ chức nào được các cấp chính quyền huyện, xã bàn giao quản lý đích thực, các HTX nông nghiệp, thôn chỉ đảm nhiệm dịch vụ tưới tiêu, còn các hồ, đập không có hồ sơ lưu trữ, thiếu các thông số về hồ chứa, hơn nữa cán bộ quản lý hồ, đập không có trình độ chuyên môn, nên những nội dung quy định của Nghị định 72/2007/ NĐ-CP về quản lý an toàn hồ, đập thực hiện không đầy đủ. Thực trạng hư hỏng, xuống cấp của hệ thống hồ, đập do nguyên nhân khách quan là đáng lo ngại.

Giải thích thực trạng này, các nhà chuyên trách thuộc Chi cục Thủy lợi cho rằng, nhiều hồ, đập nhỏ ở tỉnh Quảng Bình có tuổi đời cao, từng chịu đựng nhiều trận bão, lũ lịch sử. Hơn nữa, có rất nhiều hồ đập được ra đời trong những năm tháng khó khăn, nhiều hồ, đập được thi công bằng thủ công.

Qua thời gian, không ít hồ, đập đã xuống cấp nghiêm trọng. Các hồ, đập do địa phương quản lý đa số xuống cấp, hư hỏng ở nhiều mức độ khác nhau. Nhiều hồ có nguy cơ mất an toàn, nguy cơ xảy ra sự cố vỡ đập trong mùa mưa lũ, như: hồ Đập Làng (huyện Lệ Thủy); hồ Điều Gà (huyện Quảng Ninh); hồ Cây Trám, Cơn Ruộng (huyện Bố Trạch); hồ Khe Cừa, Bưởi Rõi (huyện Quảng Trạch); hồ Khe Cái (huyện Minh Hóa); hồ Cây Trâm, Minh Cầm (huyện Tuyên Hóa)…

Để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ, các đơn vị, địa phương cần quan tâm vấn đề huy động nguồn lực để lắp đặt các trạm thủy văn chuyên dùng tại các hồ chứa nước, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa, gia cố các công trình hư hỏng nặng, nguy cơ mất an toàn. Trong đó,trước mắt, cần khắc phục, sửa chữa các hạng mục công trình đã bị hư hỏng nặng do sự cố bão, lũ năm 2016, 2017 gây ra và các công trình khác có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ 2018.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiến hành thực hiện công tác bảo đảm an toàn hồ, đập bao gồm: khảo sát điều tra các thông số hồ chứa, kiểm định an toàn đập, lập quy trình vận hành, điều tiết.

Đồng thời, cần tiếp tục bố trí kinh phí hàng năm tổ chức đào tạo, tập huấn cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng quản lý cho các đơn vị, cá nhân đang thực hiện công tác quản lý an toàn đập, đặc biệt là các hồ, đập do địa phương quản lý.

Đối với các huyện, thành phố, thị xã, các chủ hồ, đập, tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt, thi công hoàn thiện các hồ, đập đã được UBND tỉnh bố trí kinh phí khắc phục hậu quả năm 2017 và các nguồn hỗ trợ khác để đưa vào vận hành chống lũ năm 2018; triển khai nghiêm túc Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND tỉnh;  tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định tại Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND tỉnh quy định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. 

Ngoài ra, cần tích cực tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân khu vực hồ chứa nước nhận thức được quy định của Nhà nước về phạm vi bảo vệ, công tác quản lý về an toàn đối với hồ, đập.

Trong khi chưa được đầu tư, sửa chữa, các đơn vị, địa phương quản lý công trình chịu trách nhiệm tổ chức theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, tăng cường kiểm tra phát hiện những sự cố bất thường xảy ra để chủ động có biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời xây dựng phương án phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn cho các hồ,đập trước mùa mưa bão.

   Phan Hòa
 

,