.

Thơm nồng mứt Tết

.
12:09, Thứ Bảy, 10/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Giữa se se lạnh của những ngày cuối năm, bắt gặp một làn hương nồng ấm quen thuộc từ gian bếp nhỏ nhà ai đó là lúc xuân đã gần kề. Mùa xuân với nhiều người là mùa của  mùi đường cô đặc ngọt ngào vây quyện để tạo nên mứt tết, món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt những khi Tết đến, xuân về.

Nói đến mứt tết không thể không kể đến món mứt gừng-thứ mứt  không chỉ người dân Quảng Bình mà hầu như mỗi người dân Việt Nam đều ưa chuộng, xem đây là món truyền thống gắn liền với Tết Việt bên cạnh bánh chưng, bánh dày. Với đặc trưng của gừng là có vị cay, nóng nhưng lại nhiều tác dụng trong việc bảo vệ sức khỏe, có lẽ vì thế mà  ông cha xưa đã biết tạo ra món ngon từ gừng với hương vị cay nồng, rất phù hợp khi sử dụng trong tiết trời se lạnh.

Từ giữa tháng chạp, chị Phạm Thị Viễng ở phường Nam Lý (TP. Đồng Hới) luôn tất bật với việc làm mứt tết. Đã gần hai chục năm nay, chị gắn bó với công việc này bằng niềm say mê của một người nội trợ muốn tự tay mình tạo ra những món ngon phục vụ gia đình và những người thân trong những ngày đầu xuân, năm mới. Là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc làm mứt, nhất là mứt gừng, chị Viễng và nhiều người nội trợ khác đều chọn gừng từ các vùng đất như Trường Thủy, Sen Thủy, Mỹ Thủy, Hoa Thủy (Lệ Thủy), Cự Nẫm (Bố Trạch) và một số địa phương khác trong tỉnh để sử dụng. Theo chị, “gừng ta” tuy củ nhỏ nhưng khi tạo nên mứt thường thơm và ngon hơn so với gừng nhập từ các địa phương khác. Gừng sau khi mua về được các mẹ, các chị rửa thật sạch, cạo vỏ rồi bào thành từng nhát mỏng. Những người muốn giảm độ cay và muốn mứt có màu trắng ngà thì đem gừng luộc qua, sau đó ngâm nước chanh rồi rửa nhiều lần với nước lã, để ráo. Gừng được trộn với đường trắng theo tỷ lệ phù hợp  rồi đặt lên chảo rim cho đến khi đường kết tinh thành thứ bột trắng li ti bám đều vào từng miếng gừng là đã cho ra thành phẩm mứt.

Mứt dừa, món ăn phổ biến trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Mứt dừa, món ăn phổ biến trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Vào những dịp cuối năm, mứt ngoại nhập được bày bán rất nhiều tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, chợ truyền thống, song nhiều khách hàng vẫn muốn chọn mua những loại mứt tết truyền thống được tạo nên từ chính đôi bàn tay khéo léo của những người dân quê. Thế nên, làm mứt còn được xem là nghề có tính thời vụ của nhiều người. Mứt gừng được bán với mức giá giao động từ 70.000đ đến 90.000đ/1kg, người làm mứt cũng thu được chút lãi tuy không đáng là bao nhưng với họ đó là niềm vui vì được hoà mình trong hương vị Tết quê, được phục vụ gia đình, còn chuyện bán buôn chỉ là “lấy công làm lãi”.

Không chỉ có mứt gừng, mứt dừa cũng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi các đặc trưng như dẻo ngọt, có thể tạo ra nhiều màu sắc, kiểu dáng phong phú lại thơm ngon, bổ dưỡng và trẻ con cũng có thể ăn được. Để làm được mứt dừa ngon, dẻo và thơm, chị Phùng Minh Lợi, ở xã Nghĩa Ninh chia sẻ: Lựa chọn nguyên liệu là khâu quan trọng nhất, phải chọn phần cơm dừa có độ mềm vừa phải, bởi nếu làm từ phần cơm dừa cứng thì mứt sẽ thiếu vị ngọt, thơm tự nhiên, còn làm từ phần cơm quá mềm thì khi sên trên bếp, đường sẽ không thấm đều và dễ bị gãy. Thế nên người ta luôn lựa chọn những phần cơm phù hợp rồi xả với nước sạch nhiều lần và cắt ra từng miếng mỏng. Khi những sợi dừa đã ráo nước thì đem ướp với đường cát cho ngấm rồi sên trên bếp cho đến khi đường bám đều là thành mứt. Đây cũng là công đoạn khó nhất, đòi hỏi người làm phải thật khéo tay, nếu không, dừa không thấm đường, dễ bị khét. Nhiều người còn khéo léo quấn từng sợi dừa khi đang ở độ dẻo và dần khô thành những bông hoa hồng tinh xảo. Màu sắc của mứt dừa cũng khá phong phú: là màu trắng tinh nguyên của dừa và đường cát, là màu xanh do dừa được ngâm bằng lá dứa hoặc lá ngót hay màu cam khi ngâm với cà rốt, màu đỏ khi ngâm với gấc, màu vàng chanh khi hòa quyện cùng quả chanh dây, màu nâu khi trộn lẫn với ca cao... Những sự kết hợp đó đã tạo ra món mứt dừa ngon, đẹp mắt và rất đảm bảo vệ sinh, phù hợp với thị hiếu của nhiều người tiêu dùng.

Ngoài ra, nhiều chị em còn tạo nên những món mứt bắt mắt từ củ cà rốt, bí đao, vỏ bưởi, xoài xanh, khế chua, quả me, quả cam, quả chuối, quả quất...

Mứt là thứ không thể thiếu trong ngày Tết. Và vì thế, ngay từ những ngày cuối đông, giữa cái rét ngọt, nghe thoang thoảng đâu đó làn hương nồng ấm của mứt gừng, sự thanh nhẹ của mứt dừa, mứt quất... là mùa xuân đã về, mùa cửa sự đoàn viên sum họp. Và đó cũng là dịp để người ta mời nhau chút mứt ngọt ngào thay cho lời cầu chúc  mọi điều hanh thông, thuận lợi trong năm mới.

Nhật Văn

,