.
Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVII:

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trả lời kiến nghị của cử tri

Thứ Ba, 12/12/2017, 08:21 [GMT+7]

* Ông Phạm Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời một số kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực nông nghiệp:

Cử tri huyện Bố Trạch phản ánh, hiện nay, một số tàu giã cào các tỉnh đến đánh bắt trên địa phận các xã gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và sản xuất của ngư dân trong vùng, đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý tình trạng trên. Cử tri xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy đề nghị tỉnh chỉ đạo kiểm tra xử lý các tàu có công suất lớn đánh bắt hải sản trong phạm vi 20 hải lý.

Cả nước có gần 20.000 chiếc giã cào có công suất từ 90 CV trở lên, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía nam và nam miền Trung. Theo quy định của Chính phủ, tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên khai thác tại vùng khơi và vùng biển cả, ngoài các tàu làm nghề lưới vây cá nổi nhỏ, nghề khai thác nhuyễn thể không bị giới hạn công suất khi hoạt động khai thác trong vùng biển ven bờ và vùng lộng.

Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt, một số chủ tàu cá hoạt động nghề giã cào đã không chấp hành các quy định của pháp luật, hoạt động khai thác tại vùng biển ven bờ làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản, làm mất ngư lưới cụ và tài sản của bà con ngư dân, gây bức xúc trong nhân dân như ý kiến của cử tri.

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Công an để tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm. Năm 2017, lực lượng chức năng đã tổ chức trên 20 đợt tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý 33 tàu cá ngoại tỉnh hoạt động nghề giã cào vi phạm khai thác sai tuyến, đã xử phát trên 614 triệu đồng; qua đó, góp phần hạn chế vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ của tỉnh. Tuy nhiên, tại một số  thời điểm cá áp lộng, số lượng tàu giã cào ngoài tỉnh hoạt động nhiều, trong khi đó, lực lượng thanh tra thủy sản mỏng nên không thể ngăn chặn triệt để các vụ việc vi phạm.

Thời gian tới, đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tuần tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá tại vùng biển theo thẩm quyền được phân cấp tại Quyết định số 29/2013/QĐ- UBND tỉnh về ban hành quy chế quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng nước nội địa tỉnh Quảng Bình, trường hợp không đủ phương tiện thì phối hợp lực lượng thanh tra thủy sản để tổ chức thực hiện.

* Ông Trần Thuynh, Giám đốc sở Tài chính trả lời bằng văn bản kiến nghị của cử tri huyện Tuyên Hóa về việc quan tâm hỗ trợ kinh phí BHYT, BHXH cùng các chế độ hỗ trợ khác cho lực lượng công an viên các xã, thị trấn như sau:

Theo quy định tại Nghị định 29/2013/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, mức khoán quỹ lương hàng tháng để hỗ trợ cho các xã, phường, thị trấn đã bao gồm 3% BHYT. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, có hiệu lực từ 1-1-2016, đối tượng những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (trong đó bao gồm lực lượng công an viên) là đối tượng đóng BHXH bắt buộc. Theo đó, trong quỹ lương khoán cho các xã đã bao gồm 14% BHXH.

Hiện nay, lực lượng công an viên đã được hỗ trợ đóng BHXH, BHYT, do đó, khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập đúng tuyến sẽ được thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo quy định.

Về nhiệm vụ chi hỗ trợ hoạt động cho lực lượng công an viên đã được phân cấp cho ngân sách các xã, thị trấn. Do đó, tùy tình hình ngân sách của các xã để có hỗ trợ  lực lượng công an xã cho phù hợp. Mặt khác, hiện nay, Chính phủ đang dự thảo sửa đổi Nghị định 29, sau khi có văn bản chính thức, Sở Tài chính sẽ phối hợp Sở Nội vụ báo cáo UBND tỉnh mức hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế.

Công nhân điện lực Quảng Bình thi công lưới điện sau bão số 10-2017. Ảnh: T.H
Công nhân điện lực Quảng Bình thi công lưới điện sau bão số 10-2017. Ảnh: T.H

* Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT trả lời ý kiến cử tri thuộc lĩnh vực GTVT. Cử tri thành phố Đồng Hới đề nghị tỉnh đầu tư điện chiếu sáng đoạn đường từ đường Hồ Chí Minh đến ngã ba Nông trường Việt Trung; đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Vấn đề này được trả lời như sau: đối với việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng như kiến nghị của cử tri, đề nghị thành phố Đồng Hới chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên môn tổ chức kiểm tra, rà soát và báo cáo UBND tỉnh có kế hoạch xây dựng, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng phù hợp với quy hoạch để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và chỉnh trang đô thị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị và phát triển đô thị bền vững.

Cử tri huyện Quảng Ninh phản ánh, sau cơn bão số 10 năm 2017, hệ thống đèn cảnh báo giao thông tại ngã tư Dinh Mười, xã Gia Ninh đã bị hư hỏng, đề nghị tỉnh chỉ đạo khắc phục sớm. Sở GTVT báo cáo như sau, sau đợt bão số 10 năm 2017, cụm đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại Km 676+ 910 /QL1 đã bị hư hỏng.

Sở GTVT đã báo cáo và được Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận cho phép khắc phục sửa chữa. Việc khắc phục, sửa chữa các hư hỏng của cụm đèn đã được hoàn thành vào đầu tháng 11 năm 2017, vậy Sở GTVT xin được thông báo cho cử tri biết.

* Ông Trần Phong, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời bằng văn bản kiến nghị của cử tri xã Lộc Ninh đề nghị tỉnh chỉ đạo kiểm tra việc gây ô nhiễm môi trường của nhà máy gạch Ceramic tại thôn 6 và thôn 16 xã Lộc Ninh. Vấn đề được trả lời như sau: ngày 14 tháng 11 năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Đồng Hới, UBND xã Lộc Ninh, đại diện ban cán sự và người dân thôn 6, thôn 16 xã Lộc Ninh, tiến hành kiểm tra các nội dung theo kiến nghị của cử tri. Kết quả cho thấy, Dự án “Nhà máy gạch CERAMIC” đã được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Công ty cổ phần Gốm sứ và Xây dựng COSEVCO đã áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường phù hợp với đặc tính của các nguồn thải nhằm bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất nhà máy, như: đầu tư hệ thống thu gom, xử lý bụi, khí thải, nước thải, nước mưa chảy tràn và chất thải rắn theo đúng quy định.

Định kỳ hàng năm, công ty đã thực hiện quy định về giám sát môi trường với tần suất 2 lần/năm, các thông số môi trường được giám sát đều nằm trong giới hạn quy chuẩn Việt Nam về môi trường cho phép. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề trong công tác bảo vệ môi trường, nhà máy cần khắc phục để công tác bảo vệ môi trường được tốt hơn. Về vấn đề ô nhiễm do bụi cuốn phát sinh trên tuyến đường phía Bắc nhà máy, đây là tuyến đường sử dụng chung của nhiều đơn vị hoạt động trên địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu UBND xã Lộc Ninh chủ trì cuộc họp các đơn vị sử dụng chung tuyến đường để phân công trách nhiệm từng đơn vị.

Về vấn đề nước mưa chảy tràn từ nhà máy ảnh hưởng đến khu vực dân cư phía Nam nhà máy, để khắc phục, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty tạo tường bao quanh, tạo hố lắng ở khu vực bãi chứa nguyên liệu để chống nguyên liệu bị cuốn trôi và lắng cặn theo nước mưa ra khu vực bên ngoài.

Đồng thời, sở đề nghị xã Lộc Ninh sớm có phương án xây dựng hệ thống thoát nước mưa chảy tràn cho khu vực dân cư phía Nam nhà máy nhằm tránh gây ngập úng cho khu dân cư trong mùa mưa lũ. Tại thời điểm kiểm tra, kết quả cho thấy các tiêu chí đo đều có giá trị nằm trong giới hạn quy chuẩn Việt Nam cho phép.

Công ty còn cam kết đầu tư thêm 1 tháp lọc phun sương để xử lý khí thải nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động của khí thải đến môi trường xung quanh. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát công tác bảo vệ môi trường của nhà máy, bảo đảm quá trình hoạt động của nhà máy không gây ảnh hưởng đến môi trường khu vực.

* Ông Thái Hồng Quân, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình trả lời kiến nghị của cử tri các xã Sơn Thủy, Xuân Thủy, Ngư Thủy Nam về việc di dời các cột điện nằm trên đường giao thông nông thôn và sớm khảo sát để đầu tư xây dựng đường dây hạ thế. Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (HANT) của các địa phương bàn giao, ngành Điện lực thực hiện đầu tư cải tạo nhằm cấp điện an toàn liên tục cho nhân dân.

Trên thực tế, thời gian qua, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, việc mở rộng đường giao thông nông thôn làm cho một số cột điện nằm trong phạm vi của đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Vì vậy, công ty đã di dời cột điện sang vị trí mới trên cơ sở có sự thống nhất và cam kết giải tỏa hành lang an toàn lưới điện của địa phương với khối lượng gần 100 vị trí cột.

Thực tế, do khối lượng lớn nên không thể cùng một lúc di chuyển toàn bộ số cột theo yêu cầu, công ty chia ra nhiều giai đoạn phù hợp với tiến độ giải tỏa hành lang an toàn lưới điện của địa phương và lịch cắt điện chung của đơn vị.

Về đề nghị sớm khảo sát để đầu tư xây dựng đường dây hạ thế cho khu dân cư xóm Mới, xã Ngư Thủy Nam, Công ty có ý kiến như sau: từ những năm 1999- 2000, ngành Điện đã có dự án đầu tư xây dựng lưới điện HANT tại xã Ngư Thủy Nam từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, sau này, địa phương thực hiện quy hoạch dân cư giãn dân sang khu tái định cư mới, nên xảy ra hiện trạng trục chính đường dây hạ thế đã có trước đây nay cách xa nhà dân, bán kính cấp điện lớn. Qua đây, công ty đề nghị chính quyền địa phương trước khi quy hoạch khu dân cư cần có sự phối hợp với ngành Điện để có phương án tối ưu trong cấp điện cho nhân dân.

Hiện tại, do nguồn vốn hạn chế, công ty phải tập trung vốn cho việc đầu tư, cải tạo sau tiếp nhận, gia cường lưới điện sau bão lụt. Về kiến nghị của cử tri, công ty sẽ phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, xem xét đưa vào kế hoạch vốn đầu tư xây dựng năm 2019.

* Ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Bình trả lời bằng văn bản kiến nghị của cử tri các huyện Minh Hóa, Quảng Trạch về chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất tiền vay đối với các hộ gia đình có vay vốn tại các ngân hàng nhưng bị thiệt hại do cơn bão số 10 năm 2017.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngay sau bão số 10, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Bình đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời có biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do cơn bão số 10 gây ra.

Theo đó, yêu cầu các TCTD triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng được vay mới khôi phục sản xuất sau cơn bão số 10. Thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và quyết định của Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, theo báo cáo của các TCTD, đến ngày 30-11-2017, số khách hàng bị thiệt hại là 1.199 khách hàng với dư nợ bị thiệt hại là 81.562 triệu đồng.

Trong đó, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 81 khách hàng với dư nợ là 5.811 triệu đồng; cho vay mới 187 khách hàng với 37.347 triệu đồng. Hiện nay, các TCTD đang rà soát để tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn sau bão.

Phan Hòa (lược ghi)