Nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế
(QBĐT) - Chiều 22-12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan-SNV tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động của dự án FLOW/EOWE (nâng cao vai trò phụ nữ trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp).
Toàn cảnh hội nghị tổng kết. |
FLOW/EOWE là dự án đa quốc gia do Tổ chức phát triển Hà Lan-SNV thực hiện tại Việt Nam. Mục tiêu chính của dự án nhằm nâng cao các cơ hội và quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua việc thúc đẩy môi trường thuận lợi cho người phụ nữ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, từ đó thu hẹp khoảnh cách về bất bình đẳng giới ở các tỉnh địa bàn dự án.
Tại Việt Nam, dự án được thực hiện tại 4 tỉnh (gồm Quảng Bình, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận) và cấp trung ương. Dự án được thực hiện với ba nội dung hoạt động chính, gồm: Nâng cao bình đẳng giới ở cấp hộ gia đình và cộng đồng, thông qua điều chỉnh các chuẩn mực về giới, giúp phụ nữ tiếp cận các cơ hội kinh tế một cách bình đẳng; tập trung vào việc tác động và vận động chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế; hỗ trợ và trao quyền cho phụ nữ khởi nghiệp, lãnh đạo và phát triển doanh nghiệp qua việc tiếp cận tốt hơn nguồn lực sản xuất và kỹ thuật công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ nâng cao năng lực và cải thiện cơ chế hoạt động của các HTX, thúc đẩy vai trò lãnh đạo nữ trong HTX nông nghiệp.
Để nâng cao nhận thức và hiểu biết cho chị em phụ nữ về bình đẳng giới, nâng cao năng lực giúp phụ nữ khởi nghiệp, trong khuôn khổ dự án, năm 2017, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các buổi tọa đàm, truyền thông về bình đẳng giới; tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức hỗ trợ doanh nghiệp nữ tiếp cận các nguồn lực kinh doanh…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan-SNV triển khai 5 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác khoai lang năng suất cao và thực hành chế biến khoai lang tại tổ hợp tác Lâm Hường, HTX Hải Ninh; 5 lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm ở huyện Bố Trạch, Lệ Thủy và Quảng Ninh.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm khoai deo và nấm cho các HTX, dự án cũng tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm cho các doanh nghiệp ở Đà Lạt, Ninh Thuận. Dự án cũng hỗ trợ xây dựng lò sấy thủ công, mua máy hút chân không và bao hút chân không cho các HTX sản xuất khoai deo; hỗ trợ bịch phôi nấm cho các tổ hợp tác mới thành lập. Nhờ đó, trong năm 2017, tổ hợp tác Lâm Hường đã sản xuất thành công sản phẩm khoai lang dẻo.
Cùng với việc hỗ trợ sản xuất, dự án cũng luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thiết kế, in ấn bao bì, cataloque, quảng bá thương hiệu sản phẩm…
Lê Mai