.
Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVII:

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh

Thứ Bảy, 16/12/2017, 16:35 [GMT+7]

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế trả lời một số kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực y tế:

Cử tri huyện Minh Hóa đề nghị tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra và xử lý các quầy thuốc tây không chấp hành việc niêm yết giá thuốc. Thực quy định của Luật Dược số 105/2016/QH13, hàng năm, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo và triển khai cho các cơ sở bán lẻ thuốc liên quan trong toàn tỉnh thực hiện việc niêm yết giá thuốc theo quy định, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra thị trường thuốc chữa bệnh trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã và định kỳ, đột xuất thanh tra, kiểm tra công tác quản lý giá thuốc tại các cơ sở bán lẻ trên địa bàn toàn tỉnh.

Qua các đợt kiểm tra, nhìn chung, các cơ sở được kiểm tra đều niêm yết giá bán lẻ thuốc lên bao bì đúng quy định, rất ít số mặt hàng chưa được niêm yết đã được đoàn kiểm tra nhắc nhở và xử lý tùy theo mức độ vi phạm. Riêng tại địa bàn huyện Minh Hóa, hiện có 1 nhà thuốc, 21 quầy thuốc, 8 đại lý thuốc. Năm 2017, Sở đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 2 đợt; đình chỉ quầy thuốc Minh Điện do chưa có giấy phép hoạt động.

Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng Y tế cấp huyện tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước về giá thuốc trên địa bàn. Sở Y tế đề nghị cử tri, người mua thuốc tiếp tục phản ánh và có những thông tin cụ thể để cơ quan quản lý kịp thời xử lý, chấn chỉnh các vi phạm của các cơ sở kinh doanh thuốc nếu có.

Cử tri thị trấn Nông trường Việt Trung, các xã Cự Nẫm, Tây Trạch, Vạn Trạch và một số xã khác thuộc huyện Bố Trạch đề nghị tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh việc cung ứng thuốc và công tác khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế tại các trạm y tế (thuốc thiếu số lượng, thiếu chủng loại, không đủ cung ứng cho bệnh nhân).

Từ đầu năm đến ngày 20-11-2017, Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch đã có 4 đợt cấp phát thuốc cho các trạm y tế. Tổng kinh phí đã sử dụng tại 30 xã, thị trấn huyện Bố Trạch trong 9 tháng đầu năm gần 3,6 tỷ đồng, vượt trên 250 triệu đồng so với kinh phí định mức tối đa (20%) quỹ điều trị ngoại trú (hơn 3,3 tỷ đồng).

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn xảy ra tình trạng thiếu một số thuốc danh mục BHYT thanh toán tại một số trạm y tế vào các thời điểm nhất định trong năm. Việc thiếu thuốc là do thông tuyến điều trị khám ban đầu, nên tại một số xã, lượng bệnh nhân tăng cao, cùng với giá dịch vụ kỹ thuật tăng cao (thực hiện theo Thông tư 37)... nên hầu hết các trạm y tế xã, thị trấn tại huyện Bố Trạch đến tại thời điểm này đã âm quỹ. Bên cạnh đó, các trạm y tế chưa kịp thời báo cáo với bệnh viện để có sự điều tiết giữa các trạm y tế...

Để bảo đảm công tác khám chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường đáp ứng yêu cầu của người dân, trong thời gian tới (khi định mức kinh phí khám chữa bệnh tại trạm y tế chưa thay đổi), Sở Y tế sẽ tăng cường chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và các trạm y tế không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chú trong việc kê đơn phù hợp với tình trạng bệnh và phân tuyến chuyên môn kỹ thuật; đồng thời có những biện pháp nhằm giám sát việc khám bệnh, kê đơn tại trạm y tế, tránh trường hợp kê đơn thuốc không phù hợp với tình trạng bệnh; chỉ đạo các trạm y tế chủ động cân đối nguồn kinh phí, kịp thời lập dự trù thuốc bổ sung, báo cáo bệnh viện để đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh tại đơn vị, nhằm thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học lồng ghép giáo dục kỹ năng sống với các hoạt động tập thể.
Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học lồng ghép giáo dục kỹ năng sống với các hoạt động tập thể.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến hồ sơ thương binh sau năm 1995; chế độ cho người cao tuổi; chế độ cho người tham gia dân công hỏa tuyến...

Cử tri huyện Quảng Trạch đề nghị tỉnh kiểm tra hồ sơ thương binh của các thương binh làm hồ sơ sau năm 1995 để phát hiện các trường hợp lợi dụng chính sách của Nhà nước làm chế độ thương binh giả. Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tổ chức thanh tra thường xuyên theo kế hoạch và đột xuất theo sự vụ, sự việc có liên quan, Sở LĐ-TB-XH sẽ tham mưu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra liên ngành để cùng với các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị cử tri nếu phát hiện được đối tượng thương binh giả thì kịp thời phản ánh về Sở LĐ-TB-XH hoặc các cơ quan chức năng có liên quan để sớm được làm rõ.

Cử tri thị xã Ba Đồn đề nghị tỉnh xem xét để những người cao tuổi (80 tuổi trở lên) đang hưởng chế độ tuất thường được hưởng thêm trợ cấp người cao tuổi. Theo quy định của Nhà nước, trường hợp người cao tuổi (80 tuổi trở lên) đang hưởng chế độ tuất thường và không thuộc diện hộ nghèo... chưa có quy định của Nhà nước được hưởng thêm trợ cấp xã hội hàng tháng của người cao tuổi.

Còn vấn đề cử tri huyện Lệ Thủy đề nghị tỉnh kịp thời giải quyết chế độ dân công hỏa tuyến cho người có công, Sở LĐ-TB-XH trả lời vấn đề này thuộc trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra và trả lời cho cử tri được rõ.

Ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo trả lời bằng văn bản kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực giáo dục.

Cử tri đề nghị tỉnh có kế hoạch bổ sung một số môn học về kỹ năng sống (giáo dục giới tính, kỹ năng bơi lội,...) vào các trường học nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng cơ bản để ứng phó với các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra trong cuộc sống”. Những năm học gần đây, trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ các cấp học, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã hướng dẫn để các Sở GD-ĐT đưa giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) vào nhà trường.

Tại tỉnh ta, việc GDKNS đối với học sinh đã được thực hiện dưới nhiều hình thức, với nhiều nội dung khác nhau và bước đầu đã có kết quả. Cụ thể: đối với cấp học mầm non, chú trọng GDKNS để giúp trẻ được an toàn, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thích ứng được với những điều kiện sống thay đổi; biết kiểm soát và thể hiện cảm xúc, giàu tình thương yêu và lòng biết ơn; mạnh dạn, tự tin, nói năng linh hoạt, lắng nghe và hòa nhã, ham hiểu biết, sáng tạo... thông qua các hoạt động học tập, vui chơi mọi lúc mọi nơi trong trường học.

Đối với cấp tiểu học, tỉnh ta đã thực hiện những hoạt động như: giáo dục về an toàn giao thông, phòng chống tai nạn đuối nước, giáo dục giới tính và phòng tránh xâm hại ở trẻ em, nhằm hình thành kỹ năng cơ bản cho học sinh để ứng phó với các tình huống nguy hiểm xảy ra trong cuộc sống.

Trong đó, tập trung vào tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông, Sở GD-ĐT đã ban hành Chương trình về Bơi an toàn và phòng chống đuối nước cho HS giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Đến nay, ngoài 2 bể bơi tại Trường tiểu học Đồng Phú (Đồng Hới) và tiểu học thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh), các phòng GD-ĐT đã triển khai tốt việc xây bể bơi và tổ chức dạy bơi (huyện Lệ thủy đã đưa vào sử dụng 4 bể bơi tại 4 trường tiểu học và đang triển khai tiếp 2 bể bơi; TP. Đồng Hới đang xây dựng bể bơi tại Trường tiểu học số 2 Bảo Ninh), các phòng GD-ĐT còn lại đang tiếp tiếp tham mưu với UBND cấp huyện về kế hoạch xây bể bơi trong thời gian tới. Đồng thời, phối hợp với dự án “Bơi an toàn” để dạy bơi cho HSTH, THCS tại Trường tiểu học Đồng Phú, Trường TH thị trấn Quán Hàu.

Hiện nay đã có hơn 2.000 HS biết bơi và có hơn 60 giáo viên được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Sở đã ban hành công văn số 1877 về việc tiếp tục triển khai chương trình “Giáo dục an toàn dưới nước” cho 228 cơ sở giáo dục có học sinh tiểu học nhằm tăng cường kỹ năng sống sót trong môi trường nước, phòng tránh tai nạn đuối nước, kỹ năng cứu hộ cho học sinh tiểu học trong toàn tỉnh.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT phối hợp với Tổ chức CRS đưa nội dung giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn dạy tích hợp vào các môn học và lồng ghép vào hoạt động ngoài giờ lên lớp; phối hợp với Tổ chức Plan Quảng Bình thực hiện dự án trường học an toàn vùng đặc biệt khó khăn và vùng đô thị nhằm giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu có hiệu quả.

Đối với cấp THCS, THPT, các trường tập trung rèn luyện cho học sinh các kỹ năng cần thiết như: tự nhận thức; quản lý thời gian; giao tiếp hiệu quả; lắng nghe tích cực; giải quyết mâu thuẫn; phòng tránh bạo lực học đường; tăng cường các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước cho học sinh. Hàng năm, Sở GD-ĐT tổ chức nhiều lớp tập huấn về phương pháp dạy bơi, cứu đuối, công tác phòng, tránh tai nạn đuối nước cho học sinh đối với giáo viên cốt cán trong toàn tỉnh, mỗi lớp từ 100 đến 150 học viên.

Riêng năm học 2017-2018, Sở đã tổ chức 3 lớp cho 121 giáo viên thể dục đang giảng dạy ở các trường THCS, THPT trong toàn tỉnh về phương pháp dạy bơi, cứu đuối, công tác phòng, tránh tai nạn đuối nước cho học sinh. Sở đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các trường phổ thông trực thuộc tích cực đưa nội dung giảng dạy bơi lội, phương pháp cứu đuối vào giảng dạy trong trường học (cả chính khóa và ngoại khóa) ở những nơi có điều kiện.

Bên cạnh đó, Sở thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chú trọng nội dung tuyên truyền, giáo dục hướng dẫn học sinh kỹ năng nhận biết nguy cơ về đuối nước, biết chủ động phòng, tránh; khuyến khích nhà trường, cơ sở giáo dục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư bể bơi trong trường học, tổ chức dạy bơi cho học sinh trong và ngoài nhà trường; chỉ đạo các nhà trường phổ thông hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy tiết học cuối (trước khi học sinh tan trường) thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn các em thực hiện quy định an toàn từ nhà đến trường và từ trường về nhà; khuyến cáo các em tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước..., tự ý hoặc rủ nhau tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng.

Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên giảng dạy các môn học đạo đức, giáo dục công dân (GDCD), thể dục, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý, tổng phụ trách đội, giáo viên làm công tác Đoàn, giáo viên chủ nhiệm lớp trong các nhà trường; chỉ đạo các trường thực hiện dạy tích hợp GDKNS thông qua các bài học, môn học Đạo đức, GDCD, đặc biệt là lồng ghép GDKNS vào các chủ đề của hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm và các hoạt động giáo dục khác bảo đảm thiết thực, hiệu quả, nội dung giáo dục dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi;vận dụng thực hành GDKNS qua các bài tập trắc nghiệm, lồng ghép thực hành ở các hoạt động tập thể như: chào cờ, sinh hoạt lớp đầu buổi, cuối tuần, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo...

Sở GD-ĐT yêu cầu việc tổ chức GDKNS cho học sinh phải bảo đảm an toàn, nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, phát huy tính tự quản, chủ động, sáng tạo của học sinh. Cần căn cứ điều kiện của nhà trường, thực tế của địa phương và đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi, khả năng, nhu cầu của học sinh để tổ chức các hoạt động GDKNS, tránh việc tổ chức hình thức, quá tải, khiên cưỡng; không gây áp lực, không ép buộc học sinh tham gia.

Nội Hà (lược ghi)