.
Chuyện quản lý:

Chung tay vì người nghèo!

Thứ Bảy, 02/12/2017, 15:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác xóa đói giảm nghèo bền vững luôn được tỉnh quan tâm thực hiện với những chương trình, chính sách cụ thể nhằm khai thác tiềm năng lợi thế, nguồn lực lao động để phát triển kinh tế-xã hội của các miền đất khó khăn (đến cuối năm 2015, toàn tỉnh còn 5,17% hộ nghèo, ngang mức bình quân của cả nước-P.V).

Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã chỉ rõ: “Giải quyết việc làm hàng năm cho 3,1-3,2 vạn lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2-3% năm (theo chuẩn giai đoạn 2011-2015)”.

Mô hình rau sạch góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Mô hình rau sạch góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Để thực hiện thành công mục tiêu này, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc một cách tích cực với nhiều giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ, đồng hành với người nghèo trong toàn tỉnh. Bên cạnh chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm, giai đoạn 2016-2020,  mới đây, trên cơ sở thực hiện Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 21-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện phong trào này (giai đoạn 2017-2020) trên địa bàn tỉnh.

Với mục đích giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ lao động thất nghiệp xuống mức thấp nhất, toàn tỉnh sẽ phấn đấu giảm bình quân tỷ lệ hộ nghèo từ 2-2,5%/năm, riêng các xã nghèo phấn đấu giảm từ 4-5%/năm (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020).

Quyết tâm đến năm 2020, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước (toàn quốc phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân khoảng 1-1,5%/năm). Như vậy, ngoài các chính sách đầu tư đã thực hiện đồng bộ trên địa bàn, phong trào thi đua nói trên lại tiếp tục gắn với các phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...

Nhưng làm thế nào để hoàn thành mục tiêu an sinh xã hội này theo hướng chất lượng, thiết thực nhất? Thiết nghĩ phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ tận tụy, gương mẫu, trách nhiệm, dám “đồng cam cộng khổ” với người nghèo, đồng thời huy động mọi nguồn lực trong xã hội để cải thiện sinh kế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo trên địa bàn tỉnh. Qua đó, người nghèo mới thực sự không bị bỏ lại ở phía sau trong sự phát triển, vận động liên tục của xã hội.

Minh Văn