.
Chuyện quản lý:

Bài học từ "lạm thu"

Thứ Hai, 11/12/2017, 09:00 [GMT+7]

(QBĐT) - “Lạm thu” trong các trường học đã trở thành một câu chuyện dài kỳ mà năm nào cũng đôi ba lần được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt sôi nổi trên các trang mạng xã hội.

Năm học 2017-2018, câu chuyện “lạm thu” đã trở nên nghiêm trọng và cơ quan chức năng phải vào cuộc, kỷ luật và điều chuyển một hiệu trưởng, đó là bà Cao Thị Mỹ Thuyết, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Dinh (thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch).

Câu chuyện “lạm thu” tại Trường tiểu học Nam Dinh đã âm ỉ từ đầu năm học 2017-2018 khi hàng loạt những khoản thu vô lý được bà Thuyết chỉ đạo giáo viên thực hiện, mặc cho phụ huynh và người dân địa phương bức xúc, không đồng thuận.

Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc và đồng chí Hoàng Đăng Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, những vi phạm của bà Thuyết mới được huyện Bố Trạch làm rõ. Với nhiều sai phạm, sau đó bà Thuyết bị UBND huyện Bố Trạch kỷ luật bằng hình thức khiển trách và tiếp tục được điều chuyển về làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Hải Trạch. Quyết định này đã khiến cho phụ huynh cả hai trường là Trường tiểu học Hải Trạch và Trường tiểu học Nam Dinh bất bình và phản đối quyết liệt.

Ban đại diện Hội Phụ huynh Trường tiểu học Hải Trạch đã làm đơn, trực tiếp đến Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Bố Trạch kiến nghị không điều chuyển bà Thuyết về làm hiệu trưởng tại đây. Trước những phản ứng này, huyện Bố Trạch đã phải tạm dừng phương án điều chuyển bà Thuyết về Trường tiểu học Hải Trạch.

Thông tin từ UBND huyện Bố Trạch cho biết, phương án mới là bà Thuyết sẽ về làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Cự Nẫm, thay thế cho hiệu trưởng trường này về công tác tại Trường tiểu học Hải Trạch. Thầy giáo Doãn Thanh Hiền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hải Trạch sẽ làm hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Dinh.

Việc quyết định điều chuyển cán bộ của UBND huyện Bố Trạch phải thay đổi trước những phản ứng quyết liệt của người dân và các phương tiện thông tin đại chúng có thể sẽ tạo nên một tiền lệ không hay trong công tác cán bộ. Thế nhưng, đây là kết quả tất yếu khi kỷ cương, kỷ luật chưa được xiết chặt để cán bộ, cụ thể ở đây là bà Thuyết, vi phạm các quy định trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao. Nếu những sai phạm, khuyết điểm của bà Thuyết ngay từ đầu được xử lý dứt điểm, nghiêm minh thì câu chuyện sẽ không bị đẩy xa đến thế. Và câu hỏi của dư luận nhân dân về việc sau những sai phạm của mình, bà Thuyết vẫn được giữ nguyên chức hiệu trưởng, thậm chí được điều chuyển về trường có điều kiện dạy và học tốt hơn, liệu có công bằng, khách quan, là hoàn toàn có cơ sở?!

Câu chuyện “lạm thu” tương tự cũng đang xảy ra tại một trường THPT  trên địa bàn huyện Quảng Trạch. Trước những khoản thu vô lý tại trường này, Hội Phụ huynh đã yêu cầu nhà trường tổ chức cuộc họp, trong đó hiệu trưởng phải xác nhận sẽ trả lại một số khoản thu không có trong danh mục. Khi biên bản cuộc họp được hoàn thành, đại diện Hội Phụ huynh đã yêu cầu hiệu trưởng phải ký vào biên bản, trong đó có nội dung thời hạn cụ thể phải trả lại tiền cho học sinh. Nếu trường không thực hiện, phụ huynh sẽ kiến nghị lên cấp trên.

Cuộc họp diễn ra trong không khí căng thẳng và kết quả cuộc họp không chỉ nhận được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh, mà nhiều cán bộ, giáo viên trong trường cũng đồng tình. Chứng kiến những chuyện này, có nhiều ý kiến cho rằng, “lạm thu” đang xảy ra ở nhiều trường học trong tỉnh, chỉ là “chưa bị lộ” mà thôi.

Đến đây thì câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc “lạm thu” khi hình ảnh người thầy trở nên xấu đi trong mắt phụ huynh và học sinh. Và các bậc phụ huynh, những người luôn tâm niệm “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” đã trở nên bức xúc và có những hành động căng thẳng. Cổ nhân có câu “Không có lửa làm sao có khói”, nếu những cán bộ này không sai phạm, hoặc có sai phạm nhưng được quan tâm xử lý nghiêm minh và dứt điểm ngay từ đầu, thì sẽ không xảy ra những mâu thuẫn căng thẳng, ảnh hưởng đến việc dạy và học cũng như niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp.

Phương châm hành động xuyên suốt trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Tỉnh ủy là: “Tăng cường xiết chặt kỷ luật kỷ cương, biến lời nói thành hành động”, gắn với Quy định số 01-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Việc nhỏ, nhưng nếu không xử lý dứt điểm để giữ vững kỷ luật, kỷ cương, thì sẽ dẫn đến những hậu quả lớn, mà lớn nhất là sự mai một lòng tin của nhân dân.

Ngọc Mai