Tình trạng tiêm thuốc an thần vào lợn trước khi giết mổ: Cần quản lý chặt
(QBĐT) - Trong thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành trên toàn quốc, các đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt quả tang nhiều cơ sở tiêm các loại thuốc an thần vào lợn trước khi giết mổ. Trước thực trạng đó, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về tiêm thuốc an thần vào lợn trước khi giết mổ trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 700 cơ sở giết mổ gia súc (chủ yếu là lợn),trong đó 4 cơ sở giết mổ tập trung, còn lại là cơ sở nhỏ lẻ theo hình thức hộ gia đình nằm trong các khu dân cư.
Cơ sở giết mổ gia súc tập trung đóng tại phường Bắc Nghĩa (Đồng Hới) cam kết không sử dụng thuốc an thần đối với gia súc trước khi giết mổ. |
Trước thực trạng một số tỉnh, thành phố xuất hiện các cơ sở tiêm thuốc an thần vào lợn trước khi giết mổ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã yêu cầu Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, kiểm tra tại các cơ sở giết mổ lợn trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền sâu rộng trên địa bàn về tác hại của thuốc an thần tiêm vào heo trước khi giết mổ; công bố số điện thoại tiếp nhận tin báo và các biện pháp chế tài xử lý hành vi vi phạm này; thành lập các đoàn liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ có hành vi tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ.
Đặc biệt, cán bộ kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y chú trọng trực tiếp kiểm tra lâm sàng trước khi giết mổ nhằm báo cáo Chi cục khi có biểu hiện nghi sử dụng thuốc an thần để xử lý theo quy định.
Cùng với đó, cơ quan thú y đã phối hợp với với sở, ngành chức năng và chính quyền 111 xã, phường có liên quan lập danh sách, tổ chức cho các cơ sở giết mổ ký cam kết không thực hiện việc tiêm thuốc an thần vào lợn trước khi giết mổ và công bố công khai các cơ sở giết mổ đã ký cam kết trên địa bàn.
Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh có 629 cơ sở giết mổ ký cam kết không sử dụng thuốc an thần đối với gia súc trước khi giết mổ, trong đó Lệ Thủy 123/123 cơ sở; Quảng Ninh 88/88 cơ sở; TP. Đồng Hới 38/38 cơ sở; Bố Trạch 135/201 cơ sở; TX. Ba Đồn 64/76 cơ sở; Quảng Trạch 54/554 cơ sở; Tuyên Hóa 89/89 cơ sở và Minh Hóa 38/38 cơ sở.
Các cơ sở giết mổ ký cam kết với 6 nội dung gồm: không giết mổ, động vật dùng làm thực phẩm trước thời gian ngừng sử dụng thuốc thú y theo hướng dẫn sử dụng; không giết mổ động vật mắc bệnh thuộc danh mục bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh; không giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật để kinh doanh không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; không sản xuất, sơ chế, kinh doanh sản phẩm động vật có chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, thú ý; không ngâm, tẩm hóa chất, đưa nước vào động vật, sản phẩm động vật; không vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Văn Dương, chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm sạch tập trung đóng tại tiểu khu 13, phường Bắc Nghĩa (Đồng Hới) cho biết, trung bình cơ sở thực hiện giết mổ khoảng 45-50 con lợn/ngày và khách hàng chủ yếu từ các phường trên địa bàn thành phố như: Nam Lý, Đồng Phú, Đức Ninh, Bắc Lý, Bắc Nghĩa và Đồng Sơn. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong việc sử dụng các thực phẩm gia súc, gia cầm sạch, bảo đảm chất lượng ATTP, cơ sở luôn tạo điều kiện thuận lợi cho mạng lưới thú y, các cơ quan chức năng thực hiện công tác quản lý giết mổ, kiểm tra vệ sinh thực phẩm.
“Qua quá trình kiểm tra các điểm giết mổ tại các địa phương trong tỉnh, đến thời điểm này, chúng tôi chưa phát hiện có trường hợp nào nghi ngờ có hành vi tiêm thuốc an thần vào lợn trước khi giết mổ... Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý, kiểm tra kiểm soát hoạt động trước khi giết mổ lợn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Trước hết, trên thực tế rất khó xác định lợn có tiêm thuốc an thần hay không bởi việc nhận định bằng cảm quan là không thể, ngoại trừ trường hợp xác nhận có vết tiêm. Một số xét nghiệm có thể phát hiện sự hiện diện của thuốc tồn dư trong thịt, nhưng đòi hỏi trang thiết bị phòng thí nghiệm và mất thời gian cũng như chi phí.
Nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư chưa đạt yêu cầu vệ sinh thú y. |
Trong khi đó, đội ngũ cán bộ thú ý hiện chưa được trang bị vật tư, dụng cụ để phục vụ cho hoạt động kiểm tra và phát hiện nghi ngờ có hành vi tiêm thuốc an thần vào lợn trước khi giết mổ. Hầu hết các cơ sở giết mổ là nhỏ lẻ, có thời gian hoạt động giết mổ diễn ra khoảng từ 2 đến 4 giờ sáng và kết thúc trước 6 giờ sáng nên gây khó khăn cho đội ngũ cán bộ thú y trong công tác giám sát. Mặt khác, theo quy định về quản lý đàn thì gia súc nội tỉnh không được kiểm dịch nên việc truy xuất nguồn gốc ngược gặp không ít vướng mắc...”- ông Trần Công Tám nói.
Với những khó khăn đang đặt ra, để chủ động kiểm soát chặt chẽ và phát hiện vi phạm về tiêm thuốc an thần vào lợn trước khi giết mổ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang tiếp tục tuyên truyền các cơ sở giết mổ nâng cao ý thức trong giết mổ; tổ chức tập huấn cho chủ các cơ sở giết mổvà các cá nhân liên quan về kiến thức ATTP liên quan đến hoạt động giết mổ; tăng cường giám sát, kiểm tra đột xuất hoạt động giết mổ tại các cơ sở và kiểm soát việc kinh doanh các sản phẩm thuốc an thần dùng trong thú y; đối với những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đạt yêu cầu sẽ đưa lên phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết, tránh sử dụng thực phẩm thiếu an toàn.
Khoản 10, Điều 20 Nghị định 90/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định: phạt tiền từ 30-35 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền. |
N.L