.

Mặn mòi ruốc biển Lý Hòa

Thứ Ba, 14/11/2017, 15:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Làm ruốc là nghề truyền thống đã có từ rất lâu đời ở làng biển Lý Hòa (xã Hải Trạch) chị em phụ nữ coi đây là nghề chính với nguồn thu nhập đáng kể. Để người Lý Hòa có những hũ ruốc thơm ngon, đậm đà, đòi hỏi người làm phải thật tỉ mẩn, khéo léo từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho đến chế biến ra thành phẩm.

Sau sự cố môi trường biển năm 2016, với 2/3 hộ dân sinh sống nhờ biển, Lý Hòa phải lao đao tìm kế mưu sinh. Vượt qua “cơn sóng dữ”, hôm nay, làng biển Lý Hòa đã trở về với cuộc sống bình dị vốn có. Đến Lý Hòa vào đúng dịp mùa ruốc biển, đặc biệt vào những ngày nắng đẹp, trên từng con đường thôn ngõ xóm, đâu đâu cũng sẽ thấy không khí lao động rộn ràng, hồ hởi. Người quảy gánh ruốc còn tươi rói từ biển về, người phơi, người đảo cho kịp nắng. Tất cả diễn ra với nhịp điệu hối hả, tất bật vốn có của ngày mùa làng biển.

Từ những câu chuyện góp nhặt được tại bến cá cùng với lời chỉ dẫn hào hứng, tỉ mỉ của người dân, chúng tôi tìm đến thôn Ngoại Hòa (xã Hải Trạch) gặp gia đình bà Phạm Thị Đềng, người mà bà con ở đây gọi vui là “bà chúa ruốc”. Khi được hỏi về cách sơ chế nguyên liệu, bà Đềng chia sẻ: “Ruốc được kéo lên là phải làm tơi luôn bằng cách chao đi chao lại nước biển cho sạch cát, ốc, rác... Rồi đem ruốc về nhà rửa thêm vài lần bằng nước sạch mới đem đi ướp muối. Ướp muối theo tỷ lệ 10 hoặc 12 ruốc 1 muối, tôi thì thường ướp theo tỷ lệ 10 ruốc 1 muối nên hũ ruốc làm ra sẽ ngọt hơn, đậm đà hơn”. Bà Đềng cũng phấn khởi cho biết thêm: “Từ mấy chục năm nay, năm nào tôi cũng làm ruốc, có năm làm ra vài tạ. Mà năm nay ruốc nhiều, từ đầu mùa đến nay, tôi đã làm được gần 1,5 tạ ruốc quết”.

Ruốc tươi thu mua về, sau khi trải qua các công đoạn, như: muối, ép nước, xay ruốc, phơi nắng để ruốc có đủ độ chín sẽ tạo ra ruốc quết thành phẩm, bán với giá từ 30.000-50.000 đồng/kg. Trung bình sau mùa ruốc mỗi năm, những hộ làm ruốc ở đây có thu nhập từ 8-10 triệu đồng/hộ, năm nào được mùa có thể lên tới 15 triệu đồng/hộ. Năm 2016, do chịu tác động của sự cố môi trường biển nên nhiều hộ chỉ làm phục vụ nhu cầu của gia đình hoặc chuyển qua phơi ruốc khô. Bước vào mùa ruốc biển năm nay, giá ruốc tươi giảm mạnh chỉ còn từ 5.000 đồng/kg-8.000 đồng/kg. Giá nguyên liệu rẻ, cộng với sự hồi sinh của nghề biển đã tạo nên khởi sắc cho mùa ruốc Lý Hòa. Bà Đềng cho biết: Ruốc vừa được mùa, được giá, nhiều người đến tận nhà thu mua để đem bán cho nhà hàng phục vụ khách du lịch, các chợ vùng núi huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa. Ngoài ra, bà con còn đưa vào phục vụ các tỉnh, như: Đà Nẵng, Lâm Đồng, Gia Lai"...

Những con ruốc phơi khô được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Những con ruốc phơi khô được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Không chỉ riêng gia đình bà Đềng, mà rất nhiều hộ gia đình khác ở Lý Hòa, đang hăng say chế biến với mong muốn lấy lại vị thế và thương hiệu ruốc Lý Hòa ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Một tín hiệu đáng mừng trong mùa ruốc năm nay là sự trở lại của thị trường các tỉnh miền Nam. Nhiều thương lái trước đây chỉ thu mua ruốc tươi ở bến cá Lý Hòa, nay đến tận nơi thuê lao động phơi khô, đóng thùng đưa đi tiêu thụ. Họ còn đặt ruốc thành phẩm (ruốc quết) ở những hộ chuyên chế biến ruốc với số lượng lớn. Chị Hoàng Thị Ngà, một thương lái chuyên thu mua ruốc chia sẻ: “Năm trước đến mùa ruốc, thương lái như tui thường đứng ra để mua ruốc tươi của ngư dân kéo tại biển về. Năm nay, ruốc thành phẩm, như: ruốc khô, ruốc quết được các tỉnh phía Nam ưa chuộng. Nên từ đầu mùa tới giờ, tôi thu mua khoảng bốn tấn ruốc tươi, nhiều gấp đôi so với năm ngoái. Còn ruốc quết, tôi mua được khoảng 5 tạ”.

Nhờ mùa ruốc bội thu, niềm vui đã trở lại trên những khuôn mặt rạng rỡ, phấn khởi của ngư dân Lý Hòa. Thông thường ruốc xuất hiện vào cuối tháng 7 và chỉ kéo dài trong vòng 1 tháng. Nhưng năm nay, thời tiết thuận lợi nên ruốc vào mùa sớm và kéo dài tới tận tháng 9, do đó, niềm vui của bà con lại nhân lên bội phần. Vụ ruốc này góp phần giải quyết việc làm cũng như tăng thêm thu nhập cho lao động vùng biển, giúp bà con ngư dân trang trải cuộc sống và mua áo quần, sách vở cho con em bước vào năm học mới.

Chia sẻ với niềm vui của bà con, ông Nguyễn Quang Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Trạch cho biết: “Thống kê năm 2016, toàn xã sản xuất chỉ được 2 tấn ruốc quết. Năm nay ruốc được mùa, thị trường hải sản đã sôi động trở lại sau sự cố môi trường biển, ước tính chỉ trong 1 tháng, toàn xã chế biến được gần 8 tấn ruốc thành phẩm. Ngoài ra, ruốc tươi xuất đi các nơi gần 20 tấn. Doanh thu từ nghề ruốc của toàn xã ước tính trên 200 triệu động, mang lại thu nhập bình quân cho mỗi hộ làm nghề ruốc từ 6-8 triệu đồng.”

Với bà con nơi đây, những con ruốc mang theo vị mặn mòi là phần thưởng quý giá của biển khơi. Bà con Lý Hòa vui vẻ hăng say với tâm thế giữ truyền thống làm nghề ruốc lâu đời, giữ hương vị đặc trưng của quê nhà và khai thác có hiệu quả nguồn lợi từ biển. Hương vị mặn mòi của biển và sự chịu thương chịu khó của ngư dân trong mùa ruốc tạo nên nét đẹp khó quên của con người vùng biển Lý Hòa. Rồi đây những hũ ruốc thơm ngon, đậm đà hương vị quê hương sẽ là món quà quê thấm đượm ân tình, là hành trang theo chân những người con xa quê. Dường như với họ, biển là máu thịt, là lẽ sống, bám biển, giữ những nghề truyền thống của làng biển chính là giữ hồn quê.

Lê Mai - Hồng Thắm