.
Chuyện quản lý:

"Mưa dầm thấm lâu"

Thứ Năm, 05/10/2017, 08:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề nâng cao nhận thức của cộng đồng luôn được quan tâm.

Trên cơ sở đó, bằng nhiều giải pháp chính quyền các cấp sẽ áp dụng vào thực tế của địa phương mình với mục tiêu là “cân bằng” nhận thức của một nhóm dân cư hay một cộng đồng so với các vùng miền khác có nhiều yếu tố thuận lợi hơn hẳn.

Về lý thuyết thì có vẻ dễ dàng, nhưng trên thực tế, rất khó để thực hiện trong ngày một ngày hai mà phải nhẫn nại theo cách “mưa dầm thấm lâu”. Điều này thể hiện rất rõ ở địa bàn huyện Minh Hóa trong đợt bà con người Khùa, Mày ở xã Dân Hóa nhận gạo cứu trợ của Chính phủ do ảnh hưởng của cơ bão số 10 vừa qua.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Dân Hóa nhận gạo cứu trợ sau bão số 10.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Dân Hóa nhận gạo cứu trợ sau bão số 10.

Trong đợt này, huyện Minh Hóa được cấp phát 200 tấn trên tổng số 500 tấn gạo cứu trợ khẩn cấp (lần 1) mà Chính phủ dành cho người dân bị thiệt hại do bão trên địa bàn tỉnh. Hình ảnh người dân từ các bản xa trung tâm tổ chức ra nhận gạo tại UBND xã là minh chứng về sự thay đổi nhận thức rõ nét nhất của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Trước đây, sau mỗi đợt thiên tai, việc cứu trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Dân Hóa, Trọng Hóa và vùng đồng bào Rục rất khó khăn. Một phần do bị chia cắt về vị trí địa lý, một phần bà con không chịu rời nhà đi nhận lương thực, thực phẩm cứu trợ dù đã được vận chuyển đến các tuyến đường chính mà chỉ muốn cán bộ đưa vào tận nơi cư trú.

Gặp những trường hợp như thế này, cán bộ cơ sở phải trèo đèo lội suối rất vất vả. Bây giờ, nhìn bà con tấp nập ra nhận gạo ở trung tâm xã, có bản còn tổ chức được phương tiện cơ giới để vận chuyển mới thấy được sự đổi thay mạnh mẽ về tư duy của người dân nơi đây.

Bên cạnh đó, sự thay đổi về suy nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số còn thể hiện rõ, rất sinh động và thuyết phục thông qua nhiều mô hình phát triển kinh tế do bà con làm chủ đã góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập ở các địa phương miền núi.

Qua một vài ví dụ trên để thấy rằng, cùng với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào, thì công sức mà đội ngũ cán bộ cơ sở nhiều thế hệ đã không quản khó khăn, trở ngại, đã “ba cùng” nhằm dần thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số, giúp đồng bào vươn lên cùng với xu thế phát triển của quê hương thật đáng quý biết bao.

Minh Văn