Minh Hóa: Sau bão nhiều hộ dân khó khăn về nhà ở
(QBĐT) - Cơn bão số 10 đi qua đã làm sập 122 ngôi nhà với mức thiệt hại trên 70% của người dân huyện Minh Hóa. Trong đó, xã Trọng Hóa có 27 nhà bị sập, xã Yên Hóa 11 nhà, Hóa Phúc 8 nhà, Hồng Hóa có 7 nhà... Sau khi bão đi qua, hầu hết gia đình có nhà bị sập vẫn rất khó khăn.
Cháu Đinh Nữ Như Quỳnh học sinh lớp 6 đang phơi lại sách. |
Đến thời điểm này, công tác khắc phục hậu quả sau bão số 10 trên địa bàn huyện Minh Hóa đang diễn ra hết sức khẩn trương, các tuyến đường giao thông quan trọng đã thông tuyến trở lại. Mọi sinh hoạt của bà con đang dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, cả huyện vẫn còn trên 100 hộ dân rất khó khăn về nhà ở sau bão.
Chúng tôi có mặt tại nhà bà Đinh Thị Luận (58 tuổi) ở thôn Tân Lợi, xã Yên Hóa sáng 17-9. Cả nhà bà có 5 nhân khẩu đang tá túc trong cái lán được che bằng bạt bên cạnh ngôi nhà vừa bị sập. Cách đó vài mét, ông Đinh Xuân Minh, chồng bà đang nhờ hàng chục người dân đến dọn dẹp đống đổ nát. Ông thở dài nói: “Trước mắt, nhờ bà con đến tháo dỡ ra. Sau đó, tận dụng phần gỗ còn lại để dựng cái khung, còn vật liệu để lợp và che chắn thì chưa biết tính sao”.
Ngồi nhà này, vợ chồng ông đã ở qua 30 mùa mưa bão nhưng vẫn an toàn. Vậy mà chỉ trong 1 giờ đồng hồ, cơn bão số 10 đã khiến tổ ấm của đôi vợ chồng già thành một đống đổ nát. Toàn bộ tài sản trong nhà đã hư hỏng hết, ông Minh bị thương ở lưng, còn bà Luận bị thương ở phần đầu.
Nhiều ngôi nhà người dân Minh Hóa đã bị sập hoàn toàn... |
Bà Luận kể tiếp: “Thời điểm bão xảy ra, vợ chồng tôi đang ở trong nhà với hai đứa cháu nội. Khi gió to, chúng tôi đưa các cháu ngồi trú ẩn dưới rầm tra thì ngôi nhà sập mạnh xuống. Lúc đó, chúng tôi chỉ kịp lấy thân mình đè lên hai đứa cháu cho chúng khỏi bị thương”.
Gia đình ông Minh thuộc diện hộ nghèo, quanh năm chỉ bám vào mảnh vườn nhỏ để trồng rau, nuôi gà. Còn con trai và con dâu ông thì phải đi làm thuê, làm mướn nhưng cái nghèo quanh năm vẫn bám riết. Cháu Đinh Nữ Như Quỳnh (cháu nội ông Minh, học lớp 6) đang phơi lại đống sách vở đã ướt hết vì mưa bão rơi nước mắt nói: “Sách vở của cháu ướt và hư hỏng cả rồi. Chừ không biết ba mẹ lấy đâu ra tiền mua lại đây”.
Cùng chung cảnh ngộ với gia đình ông Minh, nhà anh Cao Bình Luận (sinh năm 1988) ở thôn Tân Tiến, xã Yên Hóa cũng tan hoang theo cơn bão. Căn nhà 2 gian lợp ngói đã sập đổ hoàn toàn trong cơn bão lịch sử. Anh Luận nói: “Lúc bão xảy ra, cả nhà may chạy kịp qua nhà người thân để trú nên không xảy ra thương vong, còn tài sản trong nhà gần như thiệt hại hết”.
Gia đình anh Luận cũng là hộ nghèo của xã. Cách đây 5 năm, anh đã vay ngân hàng và tích cóp từ công việc làm thuê, làm mướn để dựng được căn nhà này với 60 triệu đồng. Vậy mà chỉ một giờ sau cơn bão, toàn bộ tài sản của đôi vợ chồng trẻ đã tiêu tan.
... vẫn chưa dựng lại được. |
Hiện, anh đang ở nhờ trong nhà bố mẹ đẻ. Ông Đinh Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Yên Hóa cho hay: “Toàn xã có 11 nhà dân bị sập hoàn toàn, 233 nhà bị hư hỏng nặng và 763 nhà bị tốc mái. Hiện xã đang động viên những hộ có nhà tốc mái tự khắc phục. Còn những hộ nhà bị sập, trước mắt chúng tôi huy động mọi lực lượng đến dọn dẹp lại, động viên gia đình và kêu gọi tinh thần hỗ trợ từ anh em, bà con hàng xóm”.
Xã Trọng Hóa có 27 nhà bị sập hoàn toàn. Đến thời điểm này, các nhà bị sập vẫn chưa dựng lại được. Người dân mất nhà đang xin tá túc ở nhà người thân. Chị Hồ Thị Xay, bản Rôông gạt nước mắt nói: “Mấy hôm nay tôi phải đưa hai đứa con nhỏ đi ở nhà người quen trong bản. Không biết khi mô mới dựng lại được nhà đây”. Chị Xay chịu cảnh mẹ góa con côi đã lâu. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo nhất của xã.
Bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa cho hay: “Những hộ có nhà bị sập, chúng tôi đã đến thăm và động viên. Nhưng điều kiện của xã khó khăn nên không hỗ trợ được gì nhiều. Nếu có hỗ trợ từ các cấp và nhà hảo tâm, chúng tôi sẽ vận động bà con trong xã, các tổ chức cùng phối hợp với Bộ đội Biên phòng đến giúp người dân dựng lại nhà”.
Những gì còn sót lại sau bão... |
Ông Đinh Hữu Niên, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Hiện huyện đang tập trung ngân sách để khắc phục các trường học. Còn nhà dân bị sập quá nhiều nên đang chờ ngân sách của cấp trên. Vì vậy, trước mắt, bà con cố gắng tự vay mượn để khắc phục. Còn những nhà bị tốc mái thì vận động bà con giúp nhau tự lợp lại”.
Tính đến 21 giờ ngày 17-9, một số nơi trên địa bàn huyện Minh Hóa đã có điện. Tuy nhiên, cuộc sống của một số bà con vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là các hộ có nhà bị sập.
Xuân Vương