.

Xe buýt trường làng

Chủ Nhật, 26/03/2017, 16:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Việc mỗi sáng đến trường bằng xe buýt đã không còn xa lạ với các em học sinh Trường THPT Trần Phú, huyện Bố Trạch. Những chuyến xe không những đưa các em đến trường đúng giờ, an toàn, tiện lợi cho việc quản lý của nhà trường mà con giúp các em có điều kiện, sức khỏe để học tập tốt hơn.

Trường THPT Trần Phú, huyện Bố Trạch có gần 1.000 học sinh thuộc các xã Bắc Trạch, Thanh Trạch, Mỹ Trạch, Liên Trạch và Thanh Trạch. Nhiều học sinh có nhà cách trường lên đến 14 km, việc đến lớp gặp nhiều khó khăn. Hiểu được nỗi vất vả của các em, cách đây 10 năm, Ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp với Hội cha mẹ học sinh hợp đồng 4 chiếc xe buýt để đưa con em mình đi học. Từ khi có xe, cứ mỗi buổi sáng, trưa, chiều trên đường làng lại nhộn nhịp những chuyến xe buýt đưa đón học sinh. Hiện, 4 chiếc xe buýt loại 50 chỗ hàng ngày vẫn miệt mài đón các em từ nhà tới trường, từ trường về nhà một cách an toàn.

Mức giá cho mỗi học sinh đến lớp bằng xe buýt là 300.000 đồng/học sinh/tháng đối với học sinh xã Liên Trạch và những học sinh ở xa hơn. Đối với những học sinh nhà cách trường dưới 10km, giá vé rẻ hơn tùy thuộc vào quãng đường. Tài xế Nguyễn Ngọc Báu, người có nhiều năm lái xe đưa đón học sinh tâm sự: “Từ khi lái xe buýt ở đây, tôi thấy học sinh đi học nhiều, đầy đủ và đúng giờ hơn. Học sinh hứng thú lắm vì không phải đi xe đạp giữa những ngày mưa nắng nữa. Nhiều khi nghe tụi nhỏ kể chuyện học với nhau mà tôi ước mình trẻ lại để được đi học”.

Học sinh Trường THPT Trần Phú lên xe buýt sau giờ tan học.
Học sinh Trường THPT Trần Phú lên xe buýt sau giờ tan học.

Đến trường bằng xe buýt không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, an toàn hơn mà còn giúp cho các em nâng cao tính tự lập, đi lại đúng giờ. Nhiều học sinh trở nên mạnh mẽ, vui vẻ, hòa đồng hơn sau một thời gian đi xe buýt. Em Đinh Thị Hồng Nhung, học lớp 11A3, ở xã Liên Trạch cho biết: “Năm học lớp 10 em đi xe đạp đến trường. Mỗi lần đi lại trên tuyến đường dài nhiều ổ gà em thấy rất vất vả, nhất là mỗi trưa trời nắng nóng hay mưa bão. Khi em học lớp 11, ba mẹ quyết định cho em đi xe buýt. Lúc đầu, em cũng bị say xe, nhưng đi nhiều thành quen. Giờ đây, em rất thích đi xe buýt vì lúc nào cũng vui vẻ, có bạn bè để nói chuyện, trao đổi chuyện học hành, lại an toàn, đỡ vất vả hơn đi xe đạp…”. Nhà Nhung cách trường trên 10 km. Trước đây đi xe đạp, em phải dậy thật sớm để chuẩn bị hành trang và đạp xe hơn 1 giờ đồng hồ mới đến lớp chưa kể ngày mưa gió, nắng nóng. Nhưng từ khi đi xe buýt, em chỉ cần lên xe khoảng 20 phút là đến được trường.

Việc đưa đón học sinh bằng phương tiện giao thông công cộng là việc làm hết sức thiết thực trong bối cảnh đời sống, điều kiện đi lại của người dân ở trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều khó khăn, tình hình an ninh trật tự ở các vùng nông thôn vẫn còn bất cập. Điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm, liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường và các bậc phụ huynh mà còn góp phần trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường. Ông Mai Văn Hải, xã Liên Trạch phấn khởi: “Trước kia đường sá đi lại cực nhọc lắm, con cái đạp xe đi học có đứa té xe, có đứa bị tai nạn giao thông. Từ khi có xe buýt, tôi cho các cháu chuyển qua đi xe hết. Vừa tiết kiệm, vừa an toàn nên mình cũng đỡ lo”. Ông Hải cho biết thêm: “Ngày trước không có xe buýt, thế hệ chúng tôi có nhiều người phải bỏ học giữa chừng vì đường quá xa. Giờ đây, có xe buýt đưa đón tiện lợi con cháu đều phấn khởi đến lớp”. Theo ông Hải, để đến được trường, nhiều em học sinh ở xã Liên Trạch phải đi trên quãng đường dài gần 14km cho mỗi chiều. Nếu một ngày đi 4 lượt thì phải đạp xe tới hơn 50 km. Nếu nghỉ lại trường thì phải tốn thêm tiền ăn trưa, đó là chưa nói đến các vấn đề phát sinh khác.

Cô Đoàn Thị Sâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, cho biết: “Việc học sinh đến trường bằng xe buýt giúp nhà trường yên tâm trong quản lý học sinh, vì các em luôn đi lại đúng giờ, lại bảo đảm an toàn giao thông hơn so với các phương tiện khác. Đi xe buýt còn giúp cho học sinh đỡ vất vả, giảm thời gian đi lại, nên học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học cũng giảm đáng kể. Hiện, toàn trường đã có trên 50% học sinh đăng ký đi xe buýt”. Tuy nhiên, việc đến trường bằng xe buýt không phải lúc nào cũng thuận lợi. Theo nhiều học sinh cho biết, số lượng xe buýt đưa đón có hạn nên không đủ đáp ứng nhu cầu, vẫn còn tình trạng chen lấn trên xe. Có những lúc tan học sớm, học sinh phải đợi rất lâu, còn lớp có việc về muộn thì xe đã chạy, nên nhiều em phải đi về bằng xe ôm rất tốn kém…

Có thể khẳng định rằng, việc đưa đón học sinh bằng xe buýt ở Trường THPT Trần Phú ở huyện Bố Trạch và một số trường khác trên địa bàn tỉnh đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Để các em có thể đến trường trên những chuyến xe an toàn và thuận tiện hơn, bảo đảm sức khỏe tốt nhất vẫn đang là vấn đề mà phụ huynh và nhà trường cần phải quan tâm, đổi mới hơn nữa…

Xuân Vương