.

"Khoảng trống" trong quản lý và chăm sóc người tâm thần - Kỳ 2: Cần sự chung sức từ cộng đồng

Thứ Hai, 20/03/2017, 15:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Những hành vi bất thường của người tâm thần vì sự hoang tưởng, ảo giác, cùng với sự tác động của các chất kích thích đã gây ra không ít vụ thảm án đau lòng. Trong khi đó, công tác chăm sóc, quản lý người tâm thần tại gia đình và cộng đồng chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

>> "Khoảng trống" trong quản lý và chăm sóc người tâm thần - Kỳ 1: Nhức nhối những thảm án thương tâm

Chính quyền địa phương: Chưa thể quản lý được?

Theo số liệu điều tra từ năm 2014 của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trên địa bàn tỉnh ta có 3.222 người tâm thần nặng. Số người đặc biệt nặng cần phải đưa vào các trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần khoảng hơn 500 người. Hiện, tỉnh ta có hơn 100 người đang được gửi chăm sóc và chữa trị ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nghĩa là, phần lớn người tâm thần còn lại đều do gia đình chăm sóc và quản lý. Còn theo thống kê của Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 59 đối tượng tâm thần có dấu hiệu, hành vi bạo lực, gây nguy hiểm và đe dọa đến trật tự an toàn xã hội.

Khi các đối tượng tâm thần gây án trên địa bàn, không ít địa phương hoàn toàn bị động, bất ngờ, lúng túng, thậm chí là không thể quản lý được những người này. Ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch kể, khi vụ việc xảy ra trên địa bàn xã, tất cả mọi người đều nghi ngờ người nào khác chứ không phải là Trần Văn Bình. Bởi, trước và trong thời điểm gây án Trần Văn Bình chưa có biểu hiện rõ nét của người bị tâm thần. Chỉ sau khi Bình bị cơ quan Công an bắt giam và đưa đi giám định mới xác định bị tâm thần ở mức độ nhẹ. Sau vụ việc này, chính quyền địa phương mới nhanh chóng tăng cường các biện pháp quản lý những người tâm thần và có dấu hiệu tâm thần trên địa bàn bằng cách giao cho các đoàn thể thường xuyên thăm hỏi, động viên. Thế nhưng, ông Vĩnh cũng thừa nhận, địa phương chưa thể quản lý được những đối tượng này, mà chủ yếu giao cho gia đình chăm sóc và quản lý.

Một đối tượng bị hạn chế về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi bị xét xử về tội “giết người”.
Một đối tượng bị hạn chế về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi bị xét xử về tội “giết người”.

Tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, kể từ sau vụ Cao Anh Quân, (SN 1999), một đối tượng tâm thần sát hại chính bà nội của mình, chính quyền địa phương nơi đây lại càng lo lắng hơn. Bởi, theo thống kê, trên địa bàn xã này hiện có đến 20 đối tượng tâm thần nặng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội. Ngoài ra, còn có 4 người bị rối loạn tâm thần do nghiện rượu. “Thực tế, ở đây đã xảy ra một số vụ việc người tâm thần sử dụng hung khí nguy hiểm đe dọa người thân trong gia đình và hàng xóm. Song, chỉ khi xảy ra sự việc mất an ninh trật tự thì chính quyền mới tiến hành can thiệp, còn hầu hết các đối tượng bị tâm thần và thiểu năng trí tuệ trên địa bàn đều do gia đình quản lý”, ông Nguyễn Phi Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch cho biết.

Nâng cao nhận thức về bệnh

Thượng tá Trần Xuân Sang, Phó Trưởng Công an huyện Bố Trạch cho rằng, những năm gần đây, tình trạng người tâm thần, rối nhiễu tâm trí hành hung, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người khác, thậm chí gây án mạng, gây mất trật tự an toàn xã hội, xảy ra khá nhiều. Cơ quan Công an chỉ vào cuộc khi xảy ra vụ án, hoặc chính quyền địa phương bất lực, không can thiệp được, để khống chế những đối tượng này, nhằm hạn chế tối thiểu những hậu quả tiếp theo có thể xảy ra. Vì vậy, vấn đề hiện nay là cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ từ chính gia đình người bệnh và chính quyền ở cơ sở, mới mong hạn chế được những mối nguy cho cộng đồng, xã hội.

Theo Đại tá Phạm Hữu Tân, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh, để xảy ra các vụ án do những đối tượng là người tâm thần xảy ra là bởi chính quyền các địa phương và gia đình người bệnh còn sơ hở trong việc theo dõi, quản lý các đối tượng này. Có nhiều đối tượng có dấu hiệu bạo lực, nhưng chính quyền địa phương và gia đình lại bỏ qua với lý do chủ quan rằng họ chỉ là người tâm thần. Hiện nay, phòng đã tổ chức rà soát, thống kê và tiến hành lập hồ sơ những đối tượng người tâm thần có dấu hiệu, hành vi bạo lực. Qua đó, nghiên cứu cách thức quản lý những đối tượng này, nhằm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương và gia đình có người bệnh nâng cao nhận thức về công tác quản lý, theo dõi và các biện pháp phòng tránh các hậu quả đáng tiếc do người tâm thần gây ra. Bên cạnh đó, lực lượng Công an ở các cơ sở, xã, phường tiến hành lập hồ sơ các đối tượng có đủ điều kiện để đưa đi chữa bệnh bắt buộc tại các trung tâm.

Trong khi chính quyền các địa phương còn buông lỏng, lúng túng trong quản lý, thì ngay chính gia đình người bị bệnh cũng chưa có được nhận thức đầy đủ về bệnh. Tâm lý e ngại, sợ cộng đồng xa lánh, khiến cho không ít gia đình giấu giếm bệnh tình của con cái hoặc người thân của mình. Thực tế, có rất nhiều trường hợp gia đình chạy chữa bằng cách tin vào bói toán, bùa chú, cúng bái, khiến cho tình trạng bệnh ngày một nặng thêm. Trong khi đó, người bệnh cần phải được đưa đến các cơ sở chữa trị thăm khám, chăm sóc và uống thuốc đầy đủ, thường xuyên trong thời gian dài. Rõ ràng, bên cạnh sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành liên quan thì việc nâng cao nhận thức cho gia đình người bệnh cũng là một “lời giải” rất quan trọng. Theo ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, để góp phần chung tay cùng gia đình và chính quyền các địa phương trong việc nâng cao nhận thức về quản lý, chăm sóc người tâm thần, Sở đang xây dựng đề án thành lập đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội. Thời gian tới, khi Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần đưa vào sử dụng (dự kiến cuối tháng 3-2017), một số đối tượng tâm thần nặng sẽ được đưa vào đây để chăm sóc và chữa trị.

Dương Công Hợp