.
Chuyện tuần này:

"Cha chung không ai khóc"...

Thứ Ba, 07/03/2017, 09:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, tình trạng lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tình trạng này không chỉ xuất hiện ở các đô thị lớn, mà còn diễn ra ở hầu khắp các thành phố lớn, nhỏ trong khắp cả nước và TP.Đồng Hới cũng không ngoại lệ.

Trên nhiều tuyến đường ở TP.Đồng Hới, vỉa hè giờ đây không còn là không gian công cộng, là lối đi dành cho người đi bộ nữa, mà nó đã bị một số cơ sở buôn bán, kinh doanh lấn chiếm và chiếm dụng trở thành “của riêng”.

Tình trạng lấn chiếm tràn lan và công khai đến mức, ở một số đoạn đường, các hộ kinh doanh đã cơi nới một cách khá kiên cố bằng khung sắt, mái che, biến vỉa hè thành nơi kinh doanh hàng hóa. Điều này chẳng những gây mất trật tự an toàn cho người đi bộ, mà còn ảnh hưởng đến bộ mặt văn minh đô thị của thành phố.

Nếu so với các thành phố lớn khác, thì áp lực dân số và tốc độ đô thị hóa của TP.Đồng Hới vẫn chưa lớn, vậy nhưng việc lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè ở đây lại diễn ra tràn lan mà chưa được các cơ quan chức năng, chính quyền xã, phường xử lý triệt để. Thế nhưng, khi làm việc với lãnh đạo một phường nọ, phóng viên chỉ nhận được câu trả lời, đại ý: để xảy ra tình trạng này trách nhiệm của phường chỉ 1 phần thôi. Bởi phường chỉ có nhiệm vụ phối hợp, còn trách nhiệm chính thuộc đơn vị khác.

Đến làm việc với “đơn vị khác” mà vị lãnh đạo phường nọ dẫn ra, chúng tôi cũng chỉ nhận được câu trả lời tương tự rằng, đơn vị cũng chỉ là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố về lĩnh vực này, còn trách nhiệm chính thuộc về các phường xã, chứ một mình đơn vị thì không thể đảm đương nổi. Vị lãnh đạo đơn vị này còn thẳng thắn cho biết, nếu có quy định rõ địa bàn nào để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lãnh đạo địa bàn đó phải chịu kiểm điểm hoặc kỷ luật thì chắc chắn không có tình trạng lấn chiếm như hiện nay.

Địa phương, đơn vị nào cũng thừa nhận tình trạng lấn chiếm vỉa hè xảy ra là phổ biến, thế nhưng khi đề cập đến trách nhiệm, thì bên nào cũng muốn đẩy sang phía bên kia. Đành rằng, đây là vấn đề “nóng” và khó. Bởi, nó tác động đến nhiều đối tượng, trên diện rộng, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Vậy nên rất cần sự chung tay phối hợp của nhiều đơn vị, địa phương, nhiều cấp, nhiều ngành, để tạo sức mạnh tổng hợp, nhằm tuyên truyền, răn đe, ngăn chặn và xử lý tốt những hành vi vi phạm nói trên.

Đặc biệt, cần chấm dứt ngay tình trạng một số đơn vị, địa phương đùn đẩy và “đá bóng” trách nhiệm cho nhau, theo kiểu “cha chung không ai khóc”, còn người dân thì vẫn “vô tư” coi vỉa hè là không gian riêng của mình.

Dương Công Hợp