.

Nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường

Thứ Bảy, 04/02/2017, 11:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Có thể nói, trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tiêu chí về môi trường là một trong những tiêu chí rất khó thực hiện. Thời gian qua, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo với nhiều biện pháp linh hoạt, nhờ đó, việc thực hiện tiêu chí môi trường đạt được kết quả bước đầu.

Tiêu chí môi trường thuộc tiêu chí 17, gồm 5 nội dung. Trong đó, nội dung về không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định là những vấn đề khó, không chỉ cần kinh phí lớn mà còn cả ý thức chấp hành của người dân.

Kết quả rõ nét nhất là công tác tuyên truyền vận động người dân tự giác thực hiện bảo vệ môi trường có sự chuyển biến tích cực. Ngay từ ngày đầu triển khai Chương trình  mục tiêu quốc gia XDNTM, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành biên soạn và ban hành Hướng dẫn số 869/HD-STNMT về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Sở đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức thông qua các tổ chức chính trị - xã hội hoặc trực tiếp đối với các địa phương được lựa chọn điểm qua các năm.

Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, nhận thức của đại bộ phận người dân được nâng lên. Điều này dễ nhận thấy qua các hành động cụ thể, như: vệ sinh nhà cửa, sử dụng nước sạch, giữ gìn cảnh quan đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải đúng nơi quy định, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; các phong tục, tập quán lạc hậu của bà con vùng đồng bào dân tộc đã và đang dần được loại bỏ. Đến nay, toàn tỉnh có 78/159 xã đạt tiêu chí môi trường, đạt tỷ lệ 49%.

Một trong những chuyển biến ở một số vùng nông thôn là xây dựng được mô hình bể chứa rác công cộng. Bể chứa phát huy hiệu quả cao khi rác thải sinh hoạt của người dân được thu gom, xử lý một cách bài bản và bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường UBND huyện Lệ Thủy cho biết, việc triển khai xây dựng các bể chứa rác đã góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, cảnh quan môi trường được sạch đẹp, ý thức của người dân trong việc gìn giữ môi trường cũng được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, để mô hình này nhân rộng, cần có nguồn kinh phí ổn định từ việc đóng góp của hộ dân và hỗ trợ từ ngân sách địa phương.

Một khu chôn lấp rác được huyện Lệ Thủy đầu tư xây dựng, góp phần bảo vệ môi trường.
Một khu chôn lấp rác được huyện Lệ Thủy đầu tư xây dựng, góp phần bảo vệ môi trường.

Bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi đáng kể, đặc biệt cảnh quan môi trường được cải tạo xanh, sạch, đẹp, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; gắn kết giữa văn hoá với du lịch; giữa bảo tồn và phát triển; các hộ dân đã tích cực cải tạo, nâng cấp đường làng, ngõ xóm, cải tạo vườn, hàng rào, trồng cây xanh nơi công cộng, không còn hiện tượng vứt rác thải bừa bãi.

Mới đây, chúng tôi về xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn, đây là xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, diện mạo vùng quê này đã thay da đổi thịt. Qua tâm sự với ông Hoàng Quang Đồng, Chủ tịch UBND xã được biết, để thực hiện thành công tiêu chí môi trường, xã đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, tích cực vận động từng hộ gia đình thu gom và xử lý rác thải, chất thải, xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh...

Theo quy định, để đạt chuẩn tiêu chí môi trường, xã phải có từ 75% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có ít nhất 50% hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất-kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường; đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh-sạch-đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường; rác thải, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định...

Việc xã hội hóa nguồn lực bảo vệ môi trường đã được triển khai tại nhiều địa phương, đặc biệt, các mô hình hợp tác xã thu gom rác hoạt động hiệu quả. Một số xã đã xây dựng đề án thu gom, xử lý rác thải và thành lập các tổ thu gom rác. Việc thu gom, xử lý rác được giao cho hợp tác xã, doanh nghiệp, trong đó, điển hình có mô hình xã Thanh Trạch (Bố Trạch), xã Quảng Hải (TX. Ba Đồn), đội vệ sinh môi trường tại các thôn của huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy.

Mô hình thu gom rác thải sinh hoạt ở xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn không chỉ góp phần tích cực trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn mà còn nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước đưa công tác vệ sinh môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng.

Quảng Hải là xã thuần nông, có 6 thôn với 3.100 nhân khẩu. Những năm trước đây, trên địa bàn xã tình trạng rác thải không có nơi tập kết, người dân xả rác tùy tiện bất cứ chỗ nào diễn ra khá phổ biến. Chỉ với phí thu gom rác thải 2.000 đồng/khẩu/tháng, Quảng Hải đã duy trì được hoạt động cho 6 tổ tự quản thu gom rác thải của xã. Theo quy định, đúng ngày mồng 10 hàng tháng, các hộ dân sẽ gom và để rác ở trước cửa nhà mình hoặc ở nơi quy định, sau đó xe lấy rác sẽ đến thu gom.

Sau khi phân loại, rác sẽ được đem đổ tại bãi rác xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch. Ước tính mỗi tháng trên địa bàn xã Quảng Hải gom gần 30 tấn rác các loại. Từ khi thành lập mô hình tổ tự quản thu gom rác thải, việc bảo vệ môi trường thôn xóm ở xã Quảng Hải được cải thiện, các ngõ xóm, sông ngòi không còn rác thải ô nhiễm, đời sống và sức khỏe của nhân dân được bảo đảm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn hiện còn rất nhiều bất cập. Do địa hình phức tạp, chia cắt và lịch sử hình các vùng nông thôn có tính đặc thù riêng, dân cư sống không tập trung, nên việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại một số khu vực nông thôn gặp nhiều trở ngại. Hầu hết các gia đình vùng sâu, vùng xa tự xử lý rác thải bằng các biện pháp đơn giản như: đốt, chôn, thậm chí để vào một góc vườn rồi đốt. Không ít nơi người dân tuỳ tiện xả rác thải sản xuất và sinh hoạt bừa bãi; làm chuồng trại gia súc gần nơi ăn ở... gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cộng đồng và bộ mặt nông thôn. 

Vừa qua, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy đã xử lý cơ sở thu gom rác thải và tái chế phế liệu của ông Trần Viết Bình hoạt động gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan khu dân cư. Cơ sở này có vị trí nằm đan xen giữa khu vực dân cư (cách ngã ba Cam Liên chừng 50 mét). Chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra về điều kiện sản xuất, kinh doanh của cơ sở.

Nhận thấy cơ sở nằm trong khu vực dân cư, gần đường giao thông, không phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã Cam Thủy; việc thu gom rác thải và tái chế phế liệu của hộ ông Bình đã làm ảnh hưởng đến môi trường, UBND xã Cam Thủy yêu cầu hộ ông Trần Viết Bình ngừng kinh doanh và tái chế phế liệu, đến khi nào có biện pháp bảo vệ môi trường mới được hoạt động trở lại.

Thực trạng nêu trên có nhiều nguyên nhân, như: ý thức chấp hành, thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường chưa nghiêm; nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu; quản lý nguồn kinh phí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường còn chưa hiệu quả, phân bố dàn trải; xã hội hóa nguồn lực bảo vệ môi trường cần cơ chế chính sách phù hợp; nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường.

Để thực hiện có hiệu quả tiêu chí môi trường, thời gian tới, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, quan tâm bố trí địa điểm tập kết rác thải phù hợp, xử lý rác tập trung đúng quy trình; đồng thời, cần lồng ghép các nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", thực hiện hương ước - quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn.

Chính quyền địa phương tích cực vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường (như làm bể biogas để xử lý chất thải chăn nuôi); đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp; phát động các phong trào chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, khuôn viên gia đình và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn.

H.Q